✴️ Bị loét bao tử có gây nhiều nguy hiểm không? Nên ăn gì, kiêng gì?

Tỷ lệ người bị loét bao tử ngày một cao và tăng nhanh. Tuy nhiên, nhiều người còn chủ quan và bỏ qua bệnh. Hệ quả là các ổ viêm loét ngày một nặng và gây ra những biến chứng nguy hiểm khó lường.

 

1. Loét bao tử là gì?

Loét bao tử (loét dạ dày) xảy ra khi dạ dày xuất hiện các tổn thương dạng viêm loét trên thành niêm mạc dạ dày. Ở giai đoạn đầu, bệnh thường không biểu hiện ra những dấu hiệu rõ ràng nên nếu chủ quan bỏ qua, các ổ loét sẽ trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng lớn tới hoạt động đường tiêu hóa.

Viêm loét dạ dày phát triển từ giai đoạn viêm loét cấp tính tời viêm loét mạn tính. Ở giai đoạn cấp tính là thời điểm điều trị tốt nhất, càng để lâu việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Đặc biệt, viêm loét dạ dày thể mạn tính nếu không được xử lý đúng cách sẽ có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Loét bao tử có thể xảy ra ở hầu hết các đối tượng, không phân biệt độ tuổi hay giới tính.

 

2. Bị loét bao tử có gây nhiều nguy hiểm không?

Như đã nói ở trên, viêm loét dạ dày rất phổ biến và bệnh có thể được điều trị dứt điểm nhanh chóng khi phát hiện sớm và không gây ra nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người bệnh.

Tuy nhiên, không ít các trường hợp người bệnh viêm loét chủ quan với bệnh khiến các tổn thương dần nghiêm trọng và hậu quả là gây ra các biến chứng như:

– Chảy máu bao tử: Đây là biến chứng thường gặp nhất của bệnh. Chảy máu ở dạ dày thì rất khó cầm máu, đặc biệt trong trường hợp chảy máu nhiều thì người bệnh cần được nhập viện và xử lý ngay. Biểu hiện của biến chứng xuất huyết bao tử là nôn ra máu hay đi đại tiện ra máu, thiếu máu,…

– Thủng dạ dày: Đây là dạng biến chứng cấp cứu nguy hiểm xảy ra khi ổ loét ăn sâu và ăn hết tận thành dạ dày và tạo thành lỗ thủng. Biểu hiện của thủng dạ dày là cơn đau bụng rất dữ dội, toàn thân mất sức, ra mồ hôi lạnh có thể là tụt huyết áp. Lúc này người bệnh cần được phẫu thuật ngay.

– Hẹp môn vị: Biến chứng này làm ảnh hưởng lớn tới hoạt động tiêu hóa thức ăn do diện tích môn vị bị thu hẹp. Người bệnh có biểu hiện như đau bụng và nôn ói rất dữ dội.

– Ung thư dạ dày: Loại biến chứng rất đáng lo ngại của viêm loét dạ dày. Tỷ lệ biến chứng ung thư dạ dày sẽ cao hơn ở người bệnh viêm loét do nhiễm khuẩn HP gây ra.

 

3. Chế độ ăn tốt cho người bị loét bao tử

Đối với người bệnh loét bao tử, điều quan trọng là cần chủ động thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để tiếp nhận phác đồ điều trị cụ thể. Song song với việc điều trị bằng thuốc, một chế độ ăn khoa học cũng là yêu cầu quan trọng trong không thể thiếu.

3.1. Bị loét bao tử nên ăn gì?

Thực phẩm giàu chất xơ

Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ từ nguồn các loại rau xanh, hoa quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt sẽ rất tốt cho người bệnh loét dạ dày do:

– Chất xơ giúp làm giảm nồng độ acid ở dạ dày, nhờ đó làm nhẹ đi các triệu chứng đau và chướng bụng.

– Chất xơ còn giúp phòng ngừa và hạn chế việc hình thành thêm các ổ loét dạ dày.

Thực phẩm chứa lợi khuẩn

Các thực phẩm giàu lợi khuẩn như sữa chua, men tiêu hóa, miso,.. rất tốt cho hệ tiêu hóa, hỗ trợ đầy lùi Helicobacter pylori, tốt cho quá trình điều trị lành vết loét ở dạ dày.

Thực phẩm hỗ trợ quá trình điều trị ổ viêm loét

Gừng, nghệ, mật ong và nha đam là nhóm thực phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày hiệu quả. Bạn có thể dùng trực tiếp những loại thực phẩm này hoặc pha trà, làm gia vị,.. để sử dụng mỗi ngày.

Thực phẩm bổ sung vitamin

Các loại thực phẩm giúp bổ sung vitamin A, B, C, E như thanh long, khoai tây, cà rốt, khoai lang, rau chân vịt, dưa vàng, ớt chuông,… có công dụng tăng cường sức đề kháng và giúp tái cấu trúc niêm mạc dạ dày.

Thực phẩm chống oxy hóa

Nhóm thực phẩm chống oxy hóa như đu đủ, nghệ, bông cải xanh, cà chua,… giúp ích trong quá trình làm lành các tổn thương viêm loét và tái cấu trúc lớp niêm mạc ở dạ dày.

3.2. Bị loét bao tử kiêng ăn gì?

Sữa tươi

Sữa tươi có thể gây kích thích dạ dày tiết ra nhiều acid hơn và từ đó làm cho tình trạng viêm loét trở nên thêm tồi tệ.

Rượu và đồ uống có cồn

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, rượu và các đồ uống chứa cồn gây kích thích nghiêm trọng và thậm chí làm tổn hại tới đường tiêu hóa, khiến các vết loét lan rộng và nặng hơn.

Các đồ ăn giàu chất béo

Khi tiêu thụ đồ ăn nhanh, đồ chiên rán, thực phần chế biến sẵn,… sẽ tốn nhiều thời gian để tiêu hóa nên dễ dẫn tới tình trạng đau bụng, đầy hơi và chướng bụng.

Kiêng đồ ăn cay

Các loại gia vị cay như ớt tươi, ớt bột, tiêu, tương ớt,.. và cả đồ ăn nóng dễ gây kích thích và làm tổn thương tới niêm mạc dạ dày.

Trái cây họ cam chanh 

Các loại trái cây này có chứa các acid tự nhiên cao gây kích thích các vết loét. Tuy nhiên, người bệnh không nhất thiết phải kiêng hoàn toàn mà có thể hạn chế sử dụng một cách hợp lý tùy vào mức độ bệnh.

Kiêng đồ ăn lên men

Người bệnh loét bao tử không nên ăn quá nhiều đồ muối chua như dưa góp, mắm tôm hay mắm tép,… Vì nhóm thực phẩm này có thể làm biến đổi axit có trong dạ dày và khiến các vết loét nặng hơn nhanh chóng.

3.3. Những lưu ý khác trong sinh hoạt người bệnh viêm loét dạ dày cần lưu ý

Bên cạnh việc ăn uống khoa học, người bệnh loét bao tử cũng cần thực hiện thói quen sinh hoạt lành mạnh như sau:

– Ăn đồ nấu chín và nên chọn đồ ăn dễ tiêu hóa.

– Hạn chế đồ ăn chiên rán với lượng lớn dầu mỡ. Ưu tiên đồ luộc, hấp, ninh,…

– Ăn chậm, nhai kỹ, ăn đủ bữa đúng giờ và tập trung khi ăn.

– Có thể chia nhỏ bữa ăn, không nên ăn quá nhiều 1 bữa hoặc để bụng quá đói.

– Cân đối thời gian nghỉ ngơi và làm việc, tránh căng thẳng quá độ.

– Quan tâm tới giấc ngủ, không nên thức khuya.

– Vận động điều độ, tập thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe và tốt cho quá trình chuyển hóa.

Khi bị loét bao tử, người bệnh cần tới ngay các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chuyên khoa trực tiếp thăm khám và lên phác đồ điều trị phù hợp. Điều trị đúng cách từ sớm ngăn chặn nguy cơ biến chứng và dứt điểm bệnh nhanh chóng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top