Nguy cơ bị suy thận nếu bạn ăn quá nhiều thịt đỏ

Nội dung

Một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Journal of the American Society of Nephrology đã đi sâu tìm hiểu về tác động về lâu dài của việc tiêu thụ thịt đỏ đối với chức năng thận. Khám phá này của họ đã đánh lên một hồi chuông cảnh báo những người tiêu dùng cần phải thận trọng hơn đối với những loại thịt đỏ bởi nó có thể gây nhiều nguy hại cho sức khỏe.

Các loại thịt đỏ bao gồm thịt bò, thịt lợn và thịt cừu là một phần không thể thiếu của một chế độ dinh dưỡng cân bằng.

Viện nghiên cứu ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo không nên ăn nhiều hơn 18 ounce (tương đương với 510 gram) thịt đỏ/tuần do nó có liên quan đến một số dạng ung thư như ung thư dạ dày.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí JAMA đã ghi nhận 23,926 ca tử vong và đưa ra kết luận rằng tiêu thụ thịt đỏ làm gia tăng nguy cơ tử vong do các bệnh tim mạch và ung thư.

Nghiên cứu mới nhất này, được tiến hành tại Đại học y Duke-NUS và trường y tế công cộng Saw Swee Hock tại Đại học quốc gia Singapore, đã tiến hành những khám phá sâu hơn về tác động của thịt đỏ đối với thận của con người.

Thịt đỏ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh thận

Số lượng những người mắc các bệnh thận mạn tính (chronic kidney disease – CKD) ngày một gia tăng đáng kể. Trên toàn thế giới, ước tính khoảng khoảng 500 triệu người đang bị mắc các bệnh này. Nhiều bệnh nhân CKD đã bị tiến triển sang bệnh thận giai đoạn cuối (end-stage renal disease – ESRD) cần phải được lọc máu hay cấy ghép thận.

Hiện nay, một chế độ ăn giảm protein hết sức được khuyến cáo cho những bệnh nhân mắc CKD để làm chậm lại tiến trình dẫn đến ESRD. Tuy nhiên, vai trò của những nguồn cung cấp protein khác nhau dẫn đến sự tiến triển thành ESRD vẫn chưa được nghiên cứu cụ thể.

Nhà khoa học Woon-Puay Koh và cộng sự đã sử dụng các dữ liệu từ một nghiên cứu về tình hình sức khỏe của những người Singapore gốc Trung Hoa, bao gồm 63,000 người trưởng thành từ 45-74 tuổi. Họ liên kết các dữ liệu này với Singapore Renal Registry là bộ phận lưu trữ toàn bộ thông tin bệnh án của những người Singapor đang mắc bệnh thận giai đoạn cuối. Mục đích cuối cùng là để làm sáng tỏ vai trò của các nguồn cung cấp protein khác nhau đối với chức năng thận.

Ở Trung Quốc, nguồn thịt đỏ được tiêu thụ hàng đầu đó là thịt lợn, chiếm tới 97% lượng thịt đỏ. Các nguồn protein khác bao gồm trứng, sữa, hải sản, cá, đậu nành, đậu đỗ và thịt gia cầm.

Những đối tượng tham gia nghiên cứu được theo dõi trong khoảng trung bình 15.5 năm. Trong khoảng thời gian đó, 951 trường hợp đã chuyển sang bệnh thận giai đoạn cuối.

Việc tiêu thụ thịt đỏ có liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ bệnh nhân chuyển sang giai đoạn cuối. Những người tiêu thụ lượng thịt đỏ nhiều nhất – khoảng 25% tốp đầu - tăng 40% nguy cơ tiến triển thành giai đoạn cuối so với những người tiêu thụ ít nhất – khoảng 25% tốp cuối.

Các nguồn protein khác như cá, trứng, sữa và thịt gia cầm không cho thấy mối liên quan với sự tiến triển thành ESRD. Ngoài ra, đậu nành và đậu đỗ còn cho thấy khả năng bảo vệ trước nguy cơ mắc bệnh.

 

Giảm bớt một khẩu phần thịt đỏ có thể giúp giảm thiểu nguy cơ

Các nhà khoa học ước tính rằng thay thế một khẩu phần thịt đỏ mỗi tuần bằng các nguồn protein khác sẽ giúp giảm nguy cơ tiến triển thành ESRD tới 62%.

Kết quả này cũng hỗ trợ và tăng thêm độ tin cậy cho một số nghiên cứu khác. Ví dụ như một nghiên cứu tại Nhật Bản đã chứng minh rằng các vùng địa lý nơi mà người ta tiêu thụ nhiều protein từ động vật sẽ có tỷ lệ mắc ESRD cao hơn.

Ngoài ra, nghiên cứu Nurse’s Health Study tiến hành tại Mỹ cũng cho thấy những người ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn sẽ có nguy cơ cao hơn bị giảm tốc độ lọc cầu thận – là một chỉ số đánh giá chức năng thận.

Mặc dù thịt đỏ vẫn là một phần quan trọng không thể thiếu trong nhiều chế độ ăn nhưng các nghiên cứu trước đây và hiện nay đều công nhận rằng bất cứ ai đang có nguy cơ mắc các bệnh về thận đều nên giảm lượng thịt đỏ tiêu thụ để hạn chế các nguy cơ về sau.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top