Nguyên nhân khiến nước tiểu có màu đỏ/hồng

Nhìn thấy máu trong nước tiểu có thể sẽ khiến bạn cảm thấy sợ hãi. Rõ ràng là bạn sẽ cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra, nhưng việc nước tiểu có màu hơi đỏ hoặc hồng không phải là vấn đề gì quá đáng lo ngại. Có rất nhiều nguyên nhân giải thích cho việc tại sao nước tiểu của bạn lại màu hồng và rất nhiều trong số đó là nguyên nhân lành tính và dễ dàng điều trị. Nước tiểu đổi màu có thể do các nguyên nhân như chế độ ăn của bạn, loại thuốc bạn đang uống, bạn uống bao nhiêu nước, bạn vận động nhiều hay ít và/hoặc các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Tại sao nước tiểu lại màu vàng?

Nước tiểu chứa chủ yếu là nước, nhưng cũng có chứa muối ví dụ như natri, kali và clo. Các thành phần khác bao gồm acid uric – một chất thải tự nhiên từ quá trình tiêu hóa thức ăn và ure – chất thải làm từ ammoniac và CO2. Màu vàng của nước tiểu là do urobilin – một chất thải khác từ quá trình phân hủy các tế bào hồng cầu. Nước và các loại chất thải kể trên sẽ hình thành nước tiểu. Nước tiểu sẽ đi từ thận đến bàng quang và ra khỏi bàng quang thông qua niệu đạo. Người trưởng thành thường loại bỏ 1.2 lít nước tiểu một ngày.

 

Nguyên nhân khiến nước tiểu có màu đỏ/hồng

Thức ăn hoặc thuốc uống

Nước tiểu của bạn có thể có màu đỏ vì thực phẩm bạn ăn, ví dụ như củ dền, mâm xôi đen hay đại hoàng. Mặc dù nước ép nam việt quất rất tốt cho những người bị viêm đường tiết niệu, nhưng đây lại không phải là nguyên nhân khiến nước tiểu của bạn có màu đỏ. Nếu nước tiểu của bạn có màu đỏ, bạn hãy nhớ lại những gì bạn ăn trong vòng 1-2 ngày vừa qua, có thể bạn sẽ có câu trả lời.

Một số loại thuốc cũng có thể khiến nước tiểu của bạn có màu đỏ, bao gồm: phenazopyridine, một loại thuốc làm tê liệt cảm giác đau ở đường tiết niệu và/hoặc thuốc nhuận tràng có chứa senna.

Viêm đường tiết niệu

Viêm đường tiết niệu là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến bạn đi tiểu ra máu. Viêm đường tiết niệu thường đi kèm với các triệu chứng bao gồm:

  • Nóng rát khi đi tiểu
  • Thường xuyên tiểu tiện
  • Có nhu cầu đi tiểu rất nhiều lần
  • Tăng áp lực ở vùng bụng dưới

Nước tiểu màu xanh cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn bị viêm đường tiết niệu. Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn xét nghiệm nước tiểu để xem xem có vi khuẩn trong nước tiểu của bạn hay không. Viêm đường tiết niệu thường được điều trị bằng cách sử dụng kháng sinh.

Bệnh thận

Một số vấn đề về thận có thể khiến nước tiểu của bạn có màu đỏ hoặc nâu, ví dụ, bạn có thể sẽ bị đi tiểu ra máu nêu bạn đang đào thải sỏi thận. Sỏi thận là các hạt kết tinh của muối và khoáng chất trong nước tiểu, và việc tự đào thải sỏi thận một cách tự nhiên có thể sẽ khiến bạn bị đau. Nếu sỏi thận tự đào thải ra ngoài, bạn nên giữ lại viên sỏi (nếu được) và đem đến cho bác sĩ để phân tích, từ đó đưa ra chiến lượng điều trị tốt hơn cho bạn.

Viêm thận tiểu cầu là một khái niệm chung dùng để chỉ một nhóm các bệnh gây viêm ở một phần của thận và đôi khi có thể sẽ khiến bạn đi tiểu ra máu. Điều trị tình trạng này bao gồm dùng thuốc hoặc lọc máu tạm thời để hỗ trợ chức năng thận.

Thận đa nang là một rối loạn di truyền khiến các nang phát triển trong thận và có thể gây đi tiểu ra máu. Hiện tại chưa có phương pháp điều trị tình trạng này và điều trị thường tập trung vào việc làm chậm sự phát triển của các nang này và làm giảm các triệu chứng liên quan.

Các vấn đề về tuyến tiền liệt

Ở nam giới, tuyến tiền liệt có thể là nguyên nhân khiến bạn đi tiểu ra máu. Phì đại tiền liệt tuyến có thể làm tăng áp lực lên niệu quản, kích ứng bàng quang và chảy máu. Viêm tuyến tiền liệt cũng có thể dẫn đến tiểu ra máu. Nếu có lượng máu nhiều vừa đủ trong nước tiểu, chúng có thể kết hợp với nhau tạo thành cục máu đông.

Ung thư bàng quang

Đây là một dạng ung thư khá hiếm gặp và thường ảnh hưởng đến người cao tuổi. Ung thư bàng quang có thể khiến bạn đi tiểu ra máu. Các triệu chứng khác bao gồm đau và/hoặc thường xuyên đi tiểu.

 

Máu trong nước tiểu có thể đến từ những cơ quan nào khác nữa không?

Với nữ giới, tiểu ra máu có thể là do bạn đang trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc đang bị chảy máu ở một phần của hệ thống sinh sản. Hãy lưu ý xem đốm máu có xuất hiện ở các thời điểm khác nữa không và sau đó đến gặp các bác sĩ sản phụ khoa.

Nhìn chung, tiểu ra máu không quá đáng lo ngại, trừ khi nó đi kèm với các triệu chứng khác. Hãy gọi cho bác sĩ nếu bạn thấy nước tiểu của mình thay đổi mà không liên quan đến việc dùng thuốc hay chế độ ăn, đặc biệt là nếu triệu chứng kéo dài, nặng hơn hoặc xuất hiện cùng các triệu chứng khác.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top