Thông tin về suy thận cấp

Chức năng lọc máu là chức năng chính của thận. Suy thận cấp xảy ra khi thận đột ngột suy giảm khả năng đào thải lượng muối dư thừa, chất lỏng và các chất cặn bã từ máu. Khi đó, lượng chất này sẽ có thể tăng lên đến mức độ nguy hiểm đối với cơ thể và đe dọa tính mạng.

Suy thận cấp có thể đe dọa tính mạng và cần được điều trị tích cực. Tuy nhiên, bệnh có thể được đảo ngược. Mặt khác, nếu bạn có sức khỏe tốt thì hoàn toàn có khả năng bình phục.

Nguyên nhân

Suy thận cấp có thể do nhiều nguyên nhân như:

  • Hoại tử ống thận cấp
  • Mất nước đột ngột hoặc mất nước nặng
  • Tổn thương thận do nhiễm độc hoặc một số thuốc nhất định
  • Các bệnh thận tự miễn, ví dụ như viêm thận kẽ
  • Tắc nghẽn ống dẫn nước tiểu

Giảm lượng máu đến thận có thể gây tổn thương thận. Một số bệnh lí có thể gây giảm lượng máu đến thận như:

  • Huyết áp thấp
  • Bỏng
  • Mất nước
  • Mất máu
  • Chấn thương
  • Sốc nhiễm khuẩn
  • Các bệnh lí nặng
  • Phẫu thuật

Một số rối loạn nhất định có thể gây ra các cục máu đông ở mạch máu thận và gây ra suy thận cấp, như:

  • Hội chứng tăng ure huyết
  • Xuất huyết giảm tiểu cầu tự miễn
  • Tăng huyết áp ác tính
  • Phản ứng truyền máu
  • Bệnh xơ cứng bì

Một số loại nhiễm trùng như nhiễm trùng huyết và viêm bể thận cấp, có thể trực tiếp làm tổn thương thận.

Mang thai có thể gây ra các biến chứng có hại đến thận như rau tiền đạo hoặc rau bong non.

 

Yếu tố nguy cơ

Nguy cơ suy thận cấp của bạn sẽ tăng cao nếu bạn có các vấn đề sức khỏe kéo dài như:

  • Bệnh thận
  • Bệnh gan
  • Đái tháo đường, đặc biệt nếu bệnh không được kiểm soát
  • Tăng huyết áp
  • Suy tim
  • Béo phì

Nếu bạn đang bị bệnh hoặc đang điều trị ở khoa điều trị tích cực trong bệnh viện, bạn sẽ có nguy cơ cao bị suy thận cấp. Những phẫu thuật tim mạch, phẫu thuật ổ bụng hoặc cấy ghép tủy xương có thể làm tăng nguy cơ của bạn.

 

Triệu chứng

Triệu chứng của suy thận cấp bao gồm:

  • Đi ngoài ra máu
  • Khó thở
  • Cử động chậm chạp
  • Phù
  • Mệt mỏi
  • Đau bụng
  • Run tay
  • Dễ bị bầm tím
  • Lẫn lộn, đặc biệt là ở người già
  • Chán ăn
  • Giảm cảm giác, đặc biệt là ở bàn tay và bàn chân
  • Chảy máu kéo dài
  • Co giật
  • Nôn
  • Buồn nôn
  • Tăng huyết áp
  • Có vị kim loại trong miệng

 

Chẩn đoán

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị suy thận cấp, ngoài thăm khám lâm sàng, bạn có thể cần làm một số xét nghiệm sau:

  • Đo lượng ure nitrogen máu
  • Natri, kali máu
  • Đánh giá chức năng lọc của cầu thận
  • Creatinin máu, nước tiểu
  • Xét nghiệm nước tiểu

Siêu âm là một phương pháp được sử dụng để chẩn đoán suy thận cấp. Tuy nhiên, chụp Xquang, cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ bụng có thể giúp bác sĩ xác định tình trạng tắc nghẽn ống dẫn niệu.

Một số xét nghiệm máu có thể được sử dụng để xác định bệnh lí nguyên nhân gây suy thận.

 

Điều trị

Điều trị suy thận cấp sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân. Mục đích của điều trị là phục hồi lại chức năng bình thường của thận.

Bác sĩ sẽ hạn chế số lượng nước trong chế độ ăn của bạn, đồng thời khuyến cáo một thực đơn giàu tinh bột và ít protein, kali.

Kháng sinh có thể được chỉ định để điều trị và phòng nhiễm trùng. Thuốc lợi tiểu có thể giúp thận lọc các chất lỏng. Canxi và Insulin có thể giúp phòng ngừa tình trạng tăng kali máu.

Bạn có thể cần được lọc máu nếu bạn có mức kali máu quá cao, lú lẫn hoặc vô niệu (không có nước tiểu), viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim. Lọc máu có thể giúp đào thải các chất cặn bã có chứa nitrogen ra khỏi cơ thể.

 

Biến chứng

Một vài biến chứng của suy thận cấp có thể gặp như:

  • Suy thận mạn
  • Tổn thương tim
  • Tổn thương hệ thống thần kinh
  • Suy thận giai đoạn cuối
  • Tăng huyết áp

 

Phòng bệnh

Phòng và điều trị các bệnh lí có thể dẫn đến suy thận cấp là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh. Theo Mayo Clinic, một lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và ăn uống hợp lí có thể phòng suy thận. Bạn nên đi khám bác sĩ để kiểm soát tốt các bệnh lí có thể dẫn đến suy thận.

 

Tiên lượng

Suy thận cấp có thể đe dọa tính mạng hoặc dẫn đến suy thận mạn, các bệnh lí thận giai đoạn cuối. Nguy cơ tử vong tăng cao nếu suy thận gây ra bởi nhiễm trùng, chấn thương hoặc phẫu thuật.

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tử vong:

  • Bệnh phổi
  • Đột quỵ gần đây
  • Tuổi già
  • Mất máu
  • Suy thận tiến triển

Nếu được điều trị tích cực và phù hợp, khả năng bình phục của bạn là rất lớn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top