✴️ Tìm hiểu biểu hiện bị sỏi thận ở người lớn và trẻ em như thế nào?

Nội dung

1. Tổng hợp các biểu hiện bị sỏi thận thường gặp nhất

1.1. Biểu hiện bị sỏi thận ở người trưởng thành

Theo các nghiên cứu và thống kê, ở giai đoạn đầu, khi kích thước còn nhỏ thì sỏi thận ít biểu hiện triệu chứng. Nhiều trường hợp không hề biết mình mắc sỏi thận trong thời gian dài. Cho đến khi sỏi lớn hoặc bắt đầu di chuyển trong đường tiết niệu, người bệnh mới gặp phải các triệu chứng khó chịu như:

– Cảm thấy đau tức, khó chịu ở vùng hông, thắt lưng ở một hoặc cả hai bên. Cơn đau có thể khởi phát từ từ sau đó lan dần xuống phía dưới hay phía trước, ở vùng bẹn, đùi, bộ phận sinh dục.

– Có máu lẫn trong nước tiểu.

– Đau rát mỗi khi đi tiểu.

– Bí tiểu, tiểu khó, tiểu ngập ngừng, ngắt quãng.

– Cũng có người bệnh lại đi tiểu nhiều hơn bình thường.

– Sốt hoặc ớn lạnh (trong các trường hợp sỏi thận gây nhiễm trùng đường tiết niệu)

– Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi.

 

1.2. Biểu hiện bị sỏi thận ở trẻ em

Biểu hiện phổ biến nhất của sỏi thận ở trẻ em là tiểu ra máu hoặc đau. Mức độ và vị trí đau tùy thuộc vào vị trí, kích thước của viên sỏi. Các triệu chứng khác bao gồm:

– Đau quặn dữ dội ở vùng mạn sườn thắt lưng. Cơn đau xuất hiện đột ngột hoặc sau một hoạt động gắng sức nào đó.

– Bí tiểu, không thể tiểu tiện (khi viên sỏi gây tắc nghẽn đường tiết niệu).

– Buồn nôn, ói mửa.

– Nước tiểu đục, có mùi hôi, sốt, ớn lạnh hoặc mệt mỏi có thể là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng.

Hầu hết các ca sỏi thận ở trẻ em, viên sỏi vẫn nằm trong thận nhưng có đến 1/3 trường hợp sỏi đã rơi xuống niệu quản.

Cha mẹ cần cảnh giác với những biểu hiện sỏi thận ở trẻ để điều trị kịp thời.

 

2. Nên làm gì khi có biểu hiện bị sỏi thận?

Khi phát hiện có biểu hiện bị sỏi thận, điều mà người bệnh cần làm đầu tiên là tới các cơ sở y tế có chuyên khoa thận tiết niệu để khám. Tại đây các bác sĩ sẽ tìm hiểu về triệu chứng bạn gặp phải, tiền sử bệnh, tình trạng sức khỏe tổng thể. Sau đó để khẳng định chẩn đoán có mắc sỏi thận hay không, bệnh nhân cần thực hiện một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh như:

– Chụp X quang, chụp CT và siêu âm: các chẩn đoán hình ảnh này sẽ cung cấp thông tin về kích thước, vị trí, hình dạng và số lượng sỏi có trong thận. Trên cơ sở này bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị loại bỏ sỏi phù hợp.

– Xét nghiệm máu: kết quả xét nghiệm máu sẽ giúp đánh giá chức năng hoạt động của thận, tìm kiếm dấu hiệu nhiễm trùng nếu có và các vấn đề sinh hóa có thể dẫn tới sự hình thành của sỏi.

– Xét nghiệm nước tiểu: xét nghiệm này cũng giúp tìm kiếm các dấu hiệu nhiễm trùng và kiểm tra nồng độ các khoáng chất hình thành sỏi.

 

3. Các cách điều trị sỏi thận

3.1. Điều trị sỏi thận nhỏ

Sỏi thận kích thước nhỏ, chưa gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. Cụ thể như:

– Thuốc giảm đau

– Thuốc hạn chế tình trạng buồn nôn, ói mửa

– Thuốc giãn cơ trơn để giúp đẩy sỏi qua đường tiểu nhanh chóng, giảm bớt khó chịu.

Người bệnh nên sử dụng thuốc theo đơn kê của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc khi chưa thăm khám. Đặc biệt là các bài thuốc dân gian, thuốc dân tộc… không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng khoa học, có thể làm cho tình trạng sỏi nặng nề hơn.

 

3.2. Điều trị sỏi thận lớn

Các trường hợp sỏi thận lớn, sỏi không thể tự trôi ra ngoài theo đường tiểu đồng thời gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì bắt buộc phải can thiệp ngoại khoa.

Hiện nay các phương pháp tán sỏi công nghệ cao được ứng dụng rất phổ biến để loại bỏ sỏi thận lớn. Đặc trưng của các phương pháp này là ít xâm lấn, ít đau, thời gian phục hồi nhanh, tiết kiệm thời gian và tiền bạc:

– Tán sỏi ngoài cơ thể: chỉ định cho sỏi thận <1.5cm

Đây là phương pháp tán sỏi nhẹ nhàng nhất, người bệnh không cần mổ, không đau, không nằm viện, sau tán có thể về nhà ngay. Tán sỏi ngoài cơ thể sử dụng nguồn năng lượng cao từ sóng xung kích điện từ để bắn vỡ sỏi thành vụn nhỏ. Vụn sỏi sẽ từ từ trôi theo nước tiểu đi ra ngoài. Sau 1 – 2 tuần, người bệnh tái khám để đánh giá tình trạng sỏi đã sạch hết chưa. Trường hợp sỏi rắn có thể phải tán nhiều lần.

– Tán sỏi nội soi ống mềm: chỉ định cho sỏi thận <2.5cm

Bác sĩ sẽ dùng ống nội soi mềm, đưa ngược từ niệu đạo qua bàng quang vào niệu quản và lên thận. Sau đó sử dụng tia laser để bắn vỡ sỏi thành các mảnh nhỏ. Cuối cùng là hút hoặc gắp bằng rọ ra bên ngoài. Ưu điểm của phương pháp này là không có vết mổ, ít đau, nằm viện sau khoảng 24h là có thể về nhà.

– Tán sỏi nội soi qua da: thay thế cho mổ mở với các ca sỏi thận >2cm

Để tán sỏi nội soi qua da trước hết bác sĩ sẽ tạo một vết rạch nhỏ (5mm) ở vùng lưng, sau đó sử dụng ống nong để tạo một đường hầm từ bên ngoài vào đài bể thận. Tiếp đến đưa ống nội soi vào bên trong để tiếp cận với viên sỏi rồi bắn vỡ nó bằng sóng laser. Sỏi cũng được hút bỏ ra ngoài tương tự như phương pháp tán sỏi nội soi ống mềm. Người bệnh sau tán sỏi ít đau, nằm viện trung bình khoảng 2 – 3 ngày, an toàn, ít biến chứng, sỏi được loại bỏ triệt để.

 

4. Kết luận

Hy vọng những thông tin trong bài đã giúp bạn nắm được những biểu hiện bị sỏi thận thường gặp ở người lớn và trẻ em để chủ động bảo vệ sức khỏe cho mình cũng như người thân yêu. Sỏi thận hoàn toàn có thể điều trị triệt để và an toàn. Vì thế hãy thăm khám và điều trị sỏi càng sớm càng tốt.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top