✴️ Tìm hiểu tổng quan về sỏi niệu quản đang phổ biến hiện nay

Sỏi niệu quản nằm trên đường dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, gây ứ đọng nước tiểu tại thận và gây suy giảm chức năng thận. Chính vì vậy, việc hiểu đúng về tình trạng bệnh sẽ giúp độc giả phát hiện và điều trị sớm.

 

Nguyên nhân gây sỏi niệu quản

Nguyên nhân sỏi niệu quản tới 80% do rơi từ thận xuống. Một số sỏi niệu quản sinh ra tại chỗ do dị dạng niệu quản như: niệu quản phình to, niệu quản tách đôi, niệu quản sau tĩnh mạch chủ… Đó là các yếu tố làm dễ cho sự ứ đọng nước tiểu dẫn đến sự lắng đọng các tinh thể để kết tụ thành sỏi.

Sỏi canxi: Nguyên nhân chính là tình trạng nước tiểu bị quá bão hòa về muối canxi do tăng hấp thu canxi ở ruột hoặc tăng tái hấp thu canxi ở ống thận.

80% sỏi niệu quản là rơi từ thận xuống, gây ứ đọng nước tiểu tại thận và gây suy giảm chức năng thận

 

Sỏi axit uric: Nguyên nhân là do nước tiểu quá bão hòa axit uric tạo điều kiện gây sỏi urat và thường có tăng axit uric niệu đi kèm. Sỏi axit uric gặp trong tăng axit uric máu, bệnh gút, trong một số trường hợp di truyền.

Sỏi struvit: Là do nhiễm khuẩn lâu dài đường tiết niệu, vi khuẩn giải phóng men urease, men này phân giải ure gây tổng hợp amoniac trong nước tiểu giảm, dẫn tới làm giảm hòa tan struvit tạo điều kiện hình thành sỏi.

 

Triệu chứng của bệnh sỏi niệu quản

Khi bị sỏi niệu quản, người bệnh sẽ thấy xuất hiện các triệu chứng:

– Cơn đau quặn thận: xuất hiện đột ngột, sau khi gắng sức, khởi phát ở vùng hố thắt lưng một bên, lan ra phía trước, xuống dưới, cường độ đau thường mạnh, không có tư thế giảm đau. Có thể phân biệt hai trường hợp:

Cơn đau của thận do sự tắt nghẽn bể thận và đài thận: đau ở hố thắt lưng phía dưới xương sườn 12, lan về phía trước hướng về rốn và hố chậu.

Cơn đau của niệu quản: xuất phát từ hố của thắt lưng lan dọc theo đường đi của niệu quản, xuống dưới đến hố chậu bộ phận sinh dục và mặt trong đùi.

– Triệu chứng kèm theo hay gặp là buồn nôn, nôn mửa, chướng bụng do liệt ruột. Có thể có sốt, rét run nếu có nhiễm trùng kết hợp.

 

Phương pháp điều trị sỏi niệu quản

Sỏi niệu quản nằm trên đường dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, gây ứ đọng nước tiểu tại thận và gây suy giảm chức năng thận. Có 2 phương pháp điều trị sỏi niệu quản.

Điều trị nội khoa

– Thông thường khi điều trị nội khoa, bác sĩ sẽ kê đơn cho bạn thuốc giảm đau, giãn cơ và hướng dẫn bạn chế độ vận động và uống từ 2-3 lít nước/ngày để tăng khả năng tống sỏi ra ngoài.

– Tuy vậy, điều trị nội khoa cũng phải có những điều kiện nhất định (như sỏi nhỏ chỉ vài mm, không bị nhiễm khuẩn tiết niệu, thận còn tiết nước tiểu…) và không phải trường hợp nào cũng thành công.

Điều trị ngoại khoa

Đối với các trường hợp không có khả năng điều trị nội khoa hay điều trị nội khoa thất bại thì bạn nên nhập viện để can thiệp, tránh để lâu gây nhiều biến chứng.

Do sỏi niệu quản đa số thường nhỏ nên các biện pháp can thiệp cũng đơn giản, nhẹ nhàng và ít biến chứng sau can thiệp. Các biện pháp còn được chấp nhận để điều trị sỏi niệu quản:

– Tán sỏi ngoài cơ thể: đẩy sỏi lên thận để tán bằng máy tán sỏi siêu âm.

– Tán sỏi qua da: đưa đầu tán qua da vào thận sau đó xuống niệu quản để tán sỏi.

– Tán sỏi ngược dòng: đưa máy soi kèm đầu tán theo niệu đạo vào bàng quang sau đó lên tới niệu quản để tán sỏi. Đây là phương pháp tối ưu nhất.

– Mổ lấy sỏi nội soi: nội soi qua ổ bụng hay khoang sau phúc mạc để lấy sỏi.

– Mổ hở để lấy sỏi: thường áp dụng khi sỏi quá to hoặc nhiễm trùng nặng.

– Mổ cắt thận: do sỏi làm thận mất hoàn toàn chức năng, gây đau và nhiễm khuẩn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top