Trẻ em có bị thoát vị bẹn hay không?

Bệnh này cần được điều trị sớm, nếu không, trẻ có thể gặp những biến chứng nguy hiểm hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản về sau.

Thông thường, trong thời kỳ phôi thai, vào khoảng tháng thứ bảy, khi tinh hoàn di chuyển xuống bìu sẽ kéo theo nếp phúc mạc tạo thành một túi dạng ống gọi là ống phúc tinh mạc. Bình thường khi trẻ sinh ra thì ống này đóng lại, nếu ống này không đóng lại sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan trong ổ bụng (thường là ruột) chui xuống ống làm thành một khối phồng ở vùng bẹn, ở trẻ trai gọi là bệnh lý thoát vị bẹn và ở trẻ gái gọi là thoát vị ống nuck. Đây là bệnh thường gặp, chiếm 0,8-4,4% bệnh lý ở trẻ em. Ở trẻ sinh non, tần suất còn cao hơn - đến 30% tùy theo tuổi thai. Bé trai có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn bé gái 3-10 lần.

Biểu hiện thế nào?

Thoát vị bẹn biểu hiện bằng một khối phồng vùng bẹn bìu ở trẻ trai và vùng gần âm môi ở trẻ gái. Khối phồng này thường xuất hiện to hơn khi bé khóc, rặn đại tiện hay sau vận động mạnh như chạy nhảy, thể dục. Khi trẻ nghỉ ngơi hay nằm thì khối thoát vị có thể tự chui vào ổ bụng trở lại, lúc đó nhìn bé lại như bình thường. Điều này làm người chăm sóc trẻ hoặc bậc phụ huynh thường chủ quan. Đến khi khối thoát vị sa xuống mà không tự lên được, trẻ đau đớn khóc thét mới đưa con đến bệnh viện thì rất có thể khối thoát vị đã bị nghẹt, nếu không mổ cấp cứu ngay, ruột sẽ bị hoại tử - rất nguy hiểm.

 

Biến chứng có thể gặp

Thoát vị bẹn ở trẻ là bệnh lý bẩm sinh, không tự hết. Nếu không điều trị sẽ xảy ra biến chứng nghẹt dẫn đến các biến chứng như: Ruột, buồng trứng (ở trẻ gái) trong ổ bụng có thể chui vào ống phúc tinh mạc gây nghẹt dẫn đến hoại tử ruột, buồng trứng nếu không được mổ kịp thời. Tổn thương tinh hoàn ở bé trai: mạch máu nuôi tinh hoàn bị chèn ép do nội tạng bị nghẹt. Theo nghiên cứu, khoảng 20% bệnh nhân có thể bị nghẹt ruột ở bất kỳ tuổi nào nhưng thường bị ở trẻ nhỏ và khoảng 60% trường hợp bị thoát vị nghẹt hay xảy ra trong 3 tháng đầu sau sinh.

 

Về điều trị

Cho đến nay, phẫu thuật là phương pháp duy nhất để điều trị bệnh lý này. Khuynh hướng hiện nay là mổ sớm nhất có thể nhằm tránh biến chứng nghẹt (do ruột sa xuống và không trở lại ổ bụng được). Thời gian phẫu thuật tốt nhất là khi trẻ được 9 tháng - 1 tuổi. Đây chính là thời điểm vàng để bảo vệ mạch máu nuôi tinh hoàn và ống dẫn tinh; bảo vệ chức năng sinh sản về sau cho trẻ.

Nếu chậm điều trị, các cơ quan trong ổ bụng như ruột, buồng trứng (ở bé gái) có thể chui vào ống phúc tinh mạc và bị nghẹt. Khi đó, nếu không được mổ kịp thời sẽ dẫn đến hoại tử ruột, buồng trứng. Còn với trẻ trai thì gây tổn thương tinh hoàn do mạch máu nuôi tinh hoàn bị chèn ép bởi các nội tạng bị nghẹt, ruột ép vào bó mạch tinh hoàn gây giảm lượng máu nuôi đến tinh hoàn...

Tuy nhiên, khi phẫu thuật cũng cần cân nhắc các yếu tố đi kèm như bé có sinh non, có bệnh lý gì đặc biệt hay không... Trong trường hợp đã có chẩn đoán là thoát vị bẹn, cần phải được phẫu thuật. Nhưng nếu chưa mổ ngay được thì làm băng ép bên bị thoát vị và mổ vào thời điểm thích hợp. Với kỹ thuật mổ hiện nay, vết mổ nhỏ, khoảng 3-4cm ở vùng nếp gấp bẹn. Thời gian nằm viện điều trị trung bình là 2 ngày và được cắt chỉ sau 7 ngày khi vết mổ lành.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top