Triêu chứng của đau bàng quang

Tin tốt là ung thư bàng quang rất hiếm gặp, và đau bàng quang thường là vấn đề không nghiêm trọng. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn có thể phớt lờ các tình trạng đau hoặc tăng áp lực ở vùng chậu hoặc vùng bụng dưới. Tuy nhiên, làm thế nào để bạn biết được rằng cơn đau là một vấn đề cần lo ngại hay không? Hãy chú ý đến các triệu chứng khác đi kèm, đặc biệt là nếu bạn có máu trong nước tiểu đi kèm với triệu chứng đau bàng quang.

Đau bàng quang có thể là do các tình trạng dưới đây, nhưng cũng có thể do tình trạng đau vùng chậu do các vấn đề về phụ khoa. Một số vấn đề về tiêu hoá cũng có thể dẫn đến đau ở bên trong hoặc xung quanh bàng quang. Do vậy, nếu bạn có triệu chứng đau bàng quang, bạn nên đến gặp bác sĩ để được lượng giá.

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu, đôi khi được gọi là viêm bàng quang, thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, đơn giản chỉ là do sự khác nhau về cấu trúc giải phẫu. Niệu đạo của nữ nằm ở vị trí gần các nguồn vi khuẩn tự nhiên hơn, ví dụ như hậu môn và âm đạo. Niệu đạo của nữ cũng thường sẽ ngắn hơn so với của nam giới. Đau bàng quang do nhiễm khuẩn đường tiết niệu có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào. Ở phụ nữ trẻ, đau bàng quang là triệu chứng phổ biến của nhiễm khuẩn đường tiết niệu, cùng với việc thường xuyên đi tiểu hoặc đau khi đi tiểu. Triệu chứng ở phụ nữ lớn tuổi có thể sẽ rất nhiều, nhưng thường bao gồm đau cơ, đau bụng, mệt mỏi, suy nhược. Bạn cần đến gặp bác sĩ vì việc điều trị bằng kháng sinh thường sẽ giúp làm giảm được tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu.  Và mặc dù tình trạng nhiễm trùng này có thể tự biến mất mà không cần điều trị nhưng việc sử dụng kháng sinh có thể giúp đẩy nhanh quá trình suy giảm các triệu chứng. Uống nhiều nước đi tiểu thường xuyên cũng sẽ giúp làm giảm bớt khó chịu.

 

Viêm bàng quang kẽ

Có hơn 3 triệu phụ nữ Mỹ phải sống chung với bệnh đau vùng hông liên quan đến bệnh viêm bàng quang kẽ, là tình trạng niêm mạc bàng quang bị viêm và kích ứng. Viêm bàng quang kẽ là một dạng của hội chứng đau bàng quang. Đau bàng quang do viêm bàng quang kẽ có thể là đau căng tức nhẹ cho đến đau nghiêm trọng. Một dấu hiệu khác gợi ý tình trạng viêm bàng quan kẽ là có chu kỳ kinh nguyệt nặng hơn. Viêm bàng quang kẽ không phải là do nhiễm khuẩn đường tiết niệu, mặc dù triệu chứng có thể nặng hơn nếu bạn vừa bị viêm bàng quang kẽ và vừa bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Các yếu tố như căng thẳng, thay đổi chế độ ăn uống, dị ứng và sử dụng một số loại thuốc sẽ làm tăng thêm các triệu chứng. Điều trị viêm bàng quang kẽ bao gồm thư giãn bàng quang, sử dụng thuốc, vật lí trị triệu, sử dụng xung điện để kích thích và làm giảm cơn đau, nhưng không có cách nào chữa khỏi hoàn toàn được cả. Trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể sẽ cần phải phẫu thuật.

 

Thay đổi chức năng sinh sản

Đau bàng quang ở phụ nữ có thể là dấu hiệu của việc mỏng lớp da ở âm đạo. Tình trạng này được gọi là teo âm đạo và thường phổ biến nhất ở phụ nữ mãn kinh do suy giảm estrogen làm teo các mô ở âm đạo. Uống bổ sung estrogen sẽ không giúp ích gì nhưng kem bôi âm đạo có chứa estrogen sẽ giúp làm giảm các triệu chứng. Hãy trao đổi với bác sĩ về tình trạng đau bàng quang và khó chịu để giúp xác định nguyên nhân chính xác của tình trạng này.

 

Ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang rất hiếm gặp, đặc biệt là ở phụ nữ. Triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng ung thư bàng quang là có máu trong nước tiểu, một số phụ nữ cũng sẽ có cảm giác đau, nóng rát khi đi tiểu. Điều trị ung thư bàng quang bao gồm phẫu thuật, hoá trị và xạ trị. Đa số mọi người sẽ cần phẫu thuật để loại bỏ khối u. Một phần hoặc toàn bộ bàng quang cũng có thể sẽ bị loại bỏ trong những trường hợp nghiêm trọng.

 

Không nên tự chẩn đoán

Các cơ quan sinh dục và tử cung nằm rất gần bàng quang, do vậy, cần xác định cơn đau của bạn bắt nguồn tư đâu. Các rối loạn chức năng vùng chậu như căng hoặc co các cơ vùng chậu cũng thường xảy ra cùng với tình trạng đau bàng quang và khiến tình trạng đau bàng quang diễn biến nặng hơn. Đau vùng chậu có thể có nguyên nhân là do lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu hoặc u nang buồng trứng. Ngoài ra, các vấn đề về tiêu hoá như bệnh viêm ruột cũng có thể gây đau vùng chậu. Nếu bạn không mắc phải bất cứ tình trạng nào ở trên, nhưng vẫn bị đau bàng quang, thì nhiều khả năng bạn mắc phải hội chứng đau bàng quang (nhưng không phải do nhiễm khuẩn tiết niệu hay ung thư). Điều quan trọng nhất là bạn không nên tự chẩn đoán và điều trị mà nên đến gặp bác sĩ. Chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn cả về thể chất lẫn tinh thần.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top