Ung thư bàng quang và nữ giới

Ung thư bàng quang thường bị chẩn đoán nhầm

Các triệu chứng ung thư bàng quang thường chỉ thoáng qua, đặc biệt là những triệu chứng ở nữ giới. Nam giới có thể sẽ nhận thấy trong nước tiểu có máu, nghĩa là nước tiểu có thể sẽ có màu hơi hồng hoặc thậm chí là đỏ.

Nữ giới cũng có thể xuất hiện triệu chứng này, đi kèm là cảm giác đau khi đi tiểu. Tuy nhiên, một điều không may là những triệu chứng này lại rất giống với tình trạng viêm đường tiết niệu. Nữ giới có thể nghĩ là họ đang đến chu kỳ kinh nguyệt. Nhiều người thậm chí còn tưởng rằng mình bị viêm đường tiết niệu và điều trị tình trạng này trong nhiều tháng. Chỉ đến khi các triệu chứng trở nên nặng hơn, máu trong nước tiểu nhiều hơn, họ bị đau và khó chịu vùng chậu thì họ mới nhận ra rằng, họ bị ung thư bàng quang chứng không phải là viêm đường tiết niệu.

 

Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn

Ung thư bàng quang là căn bệnh phổ biến hơn ở nam giới, tỷ lệ mắc cao gấp 3 lần tỷ lệ bệnh ở nữ giới. Mặc dù Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ báo cáo rằng tỷ lệ ung thư bàng quang ở nữ giới đang giảm đi, nhưng những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, một số phụ nữ thực ra lại có nguy cơ cao hơn. Yếu tố nghề nghiệp khiến phụ nữ phải phơi nhiễm với một số chất hóa học độc hại, ví dụ như nghề thợ làm tóc, và do vậy, có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh của phụ nữ.

Ngoài ra, việc tăng tỷ lệ bệnh ở phụ nữ cũng có thể là do tăng số trường hợp đến khám và chẩn đoán tại các cơ sở y tế.

 

Tuy nhiên, nữ giới có nguy cơ tử vong vì ung thư bàng quang cao hơn

Ung thư bàng quang thường được coi là bệnh của nam giới lớn tuổi, do vậy, bệnh ở nữ giới thường bị bỏ qua cũng như phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn hơn. Tuy vậy, một nghiên cứu năm 2010 gợi ý rằng, chẩn đoán muộn không thể lý giải hoàn toàn cho sự khác biệt giữa tỷ lệ tử vong giữa nam và nữ. Có những yếu tố tiềm ẩn khác cũng có thể sẽ làm giảm khả năng sống sót của nữ giới bị ung thư bàng quang.

 

Bị viêm đường tiết niệu nhiều lần không làm tăng nguy cơ của bạn

Mặc dù có một số loại ung thư bàng quang có liên quan với tình trạng viêm đường tiết niệu mạn tính, nhưng mối liên quan này dường như rất nhỏ. Ung thư biểu mô tế bào vảy ở bàng quang là một dạng ung thư có liên quan đến viêm đường tiết niệu, và chỉ chiếm khoảng 5% tổng số ca ung thư. Do vậy, bạn cần nhớ rằng, bạn bị viêm đường tiết niệu không có nghĩa là bạn có nguy cơ ung thư bàng quang cao hơn. Nên cởi mở trao đổi với bác sỹ về bất cứ triệu chứng nào làm bạn lo lắng.

 

Yếu tố nguy cơ chính là gì?

Hút thuốc lá! Ở cả nam giới và nữ giới, 80% số ca ung thư bàng quang có liên quan đến hút thuốc lá. Đa số những người hút thuốc lá thường chỉ lo lắng về ung thư phổi, đầu mặt hoặc ung thư thực quản mà rất ít người lo lắng về ung thư bàng quang.

Những yếu tố nguy cơ khác bao gồm: yếu tố di truyền (5%) và phơi nhiễm với các chất hóa học (15%) ví dụ như phơi nhiễm với các amin thơm. Những người làm trong ngành công nghiệp hóa học, thuốc nhuộm, công nghiệp cao su sẽ có nguy cơ cao hơn, bao gồm cả thợ làm tóc, theo một báo cáo được xuất bản trên tạp chí Environment Health.

Nếu bạn không hút thuốc và không có tiền sử gia đình bị bệnh, nguy cơ bị ung thư bàng quang của bạn sẽ tương đối thấp. Phụ nữ sau mãn kinh thường bị viêm đường tiết niệu nhiều hơn do sự sụt giảm lượng estrogen sẽ kích thích vi khuẩn phát triển và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Tuy nhiên, nếu triệu chứng của bạn không cải thiện sau khi dùng nhiều loại kháng sinh, hãy hỏi ý kiến bác sỹ để xem xét sớm về tình trạng ung thư bàng quang.

 

Chẩn đoán

Bác sỹ có thể sẽ hỏi về tiền sử bệnh tật của gia đình bạn và tiến hành thăm khám để kiểm tra xem bạn có khối u hay không.

Bạn cũng có thể sẽ cần phải làm xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra xem trong nước tiểu có máu hoặc các chất khác hay không. Nếu bác sỹ nghi ngờ bạn bị ung thư, bạn sẽ được giới thiệu đến khoa thận tiết niệu để tiến hành soi bàng quang. Thủ thuật này sẽ được tiến hành bằng cách đặt một ống nhỏ có gắn camera qua niệu đạo vào bàng quang để quan sát lớp niêm mạc bàng quang.

 

Điều trị

Bác sỹ sẽ xác định xem tình trạng ung thư của bạn là khu trú hay đã lan rộng. Nếu ung thư khu trú, tức là chỉ có bàng quang bị ảnh hưởng thì bác sỹ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ mô bàng quang.

Phụ thuộc vào giai đoạn ung thư, một số bệnh nhân có thể sẽ cần phải tiến hành hóa trị hoặc xạ trị sau phẫu thuật. Trong một số trường hợp, hóa trị trước phẫu thuật có thể giúp thu nhỏ kích thước khối u và giúp quá trình phẫu thuật diễn ra dễ dàng hơn.

 

Bác sỹ có thể cứu sống tính mạng của bạn

Trước đây, khi ung thư bàng quang đã lan đến các cơ và cơ quan xung quanh, tiên lượng bệnh thường rất kém. Cứ 8 trường hợp ung thư bàng quang sẽ có 1 trường hợp được chẩn đoán muộn ở giai đoạn 4, tức là khi đó, tình trạng ung thư đã di căn. Ở giai đoạn này, bệnh sẽ rất khó chữa khỏi vì có rất ít lựa chọn điều trị, tỷ lệ sống sót chỉ là khoảng 12-15%.

Tuy nhiên, với những tiến bộ về y học trong vòng 3 năm gần đây, việc điều trị ung thư bàng quang đã hoàn toàn thay đổi. Với sự phát triển của liệu pháp miễn dịch trị liệu làm tăng khả năng miễn dịch của cơ thể với tình trạng ung thư, tiên lượng của tình trạng ung thư bàng quang đã trở nên khả quan hơn.  Mặc dù bây giờ vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận về việc loại thuốc này ảnh hưởng đến tỷ lệ sống như thế nào, nhưng đã có rất nhiều bệnh nhân đáp ứng tốt với liệu pháp này và đây là giải pháp có thể cứu sống họ. Trên thực tế, tình trạng ung thư đã biến mất ở rất nhiều bệnh nhân và giúp họ có thể sống bình thường, khỏe mạnh trong vòng 2-3 năm kể từ khi bắt đầu điều trị.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top