✴️ Công dụng của các loại củ với bệnh tiêu hóa

Nội dung

Nghệ, gừng, riềng….là các loại củ quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày nhưng công dụng của nó ít người biết tới. Không chỉ được dùng trong chế biến thực phẩm, các loại củ còn có thể giúp điều trị rối loạn tiêu hóa, tăng cường bài tiết mật…

1. Nghệ

Có hai loại là nghệ đen và nghệ vàng. Cả hai đều có tác dụng tốt đối với bệnh lý đường tiêu hóa, nhưng mỗi loại có những lợi ích khác nhau.

Nghệ vàng được sử dụng nhiều trong chế biến thực phẩm. Trong thành phần hóa học của củ nghệ vàng có hợp chất rất quan trọng là curcumin, có tác dụng kích thích sự bài tiết và bảo vệ tế bào gan. Theo Đông y, phần thân rễ của cây nghệ vàng còn có tác dụng phá huyết tích, tiêu thực, lợi mật, khi dùng với mật ong có tác dụng điều trị rất tốt với người bị viêm loét dạ dày, giúp giảm đau, tiêu hóa tốt, giảm ợ chua và góp phần làm lành vết thương ở dạ dày.

Nghệ đen còn được gọi với những tên khác như nghệ tím, ngải tím. Trong thành phần củ nghệ đen có chứa các tinh dầu như: secquitecpen, zingiberen, xineol. Một số công trình nghiên cứu cho thấy củ nghệ đen có tác dụng tăng cường sự bài tiết mật, kích thích tiêu hóa, tăng trương lực ống tiêu hóa và kháng khuẩn. Nghệ đen rất tốt cho trường hợp ăn uống kém tiêu, đầy bụng, trướng hơi.

 

2. Gừng

Là loại thực vật được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày. Củ gừng thường là gia vị để chế biến các món ăn, có tác dụng làm mềm thịt, thêm hương vị hoặc được dùng để bảo quản thực phẩm. Ngoài ra, gừng còn là một vị thuốc rất hiệu quả có tác dụng giảm đau, kháng viêm và diệt khuẩn.

Trị rối loạn tiêu hóa: gừng làm tăng sản xuất nước bọt và dịch tiêu hóa trong cơ thể. Do đó, gừng và tinh dầu gừng có hiệu quả trong các chứng khó tiêu, đầy bụng, đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy. Trà gừng được sử dụng có thể làm giảm bớt các triệu chứng khó chịu ở dạ dày và làm tăng cảm giác thèm ăn.

Gừng là một loại thảo dược có công dụng hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa chứng đầy hơi, khó tiêu…

 

Ngộ độc thực phẩm: gừng có tính sát khuẩn nên có thể có hiệu quả trong ngộ độc thực phẩm, nhiễm khuẩn đường ruột.

Lưu ý là gừng có thể gây ra một số phản ứng khi kết hợp với một số loại thuốc khác. Nếu như bạn bị bệnh và đang sử dụng thuốc nào đó, đặc biệt là thuốc đông dược, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi đưa gừng vào chế độ ăn uống của mình.

 

3. Riềng

Củ riềng chứa hàm lượng lớn flavonol galangin có tác dụng chống lại các quá trình oxy hóa của cơ thể và ngăn cản sự phát triển của tế bào ung thư vú.

Củ riềng được sử dụng hiệu quả trong các trường hợp đau bụng do hàn, đầy trướng, buồn nôn, tiêu chảy, đau do co thắt dạ dày hoặc đại tràng. Công dụng của củ riềng có nét tương đồng với gừng, nhưng điểm đặc biệt của nó là hiệu quả thống hơi trong hệ tiêu hóa khá tốt, dùng trong các trường hợp đầy hơi, ợ hơi, khí nghịch.

Một số trường hợp đau răng, nhai một ít riềng có thể giảm đau. Hoặc ngậm để chữa khàn tiếng do viêm thanh quản cũng khá hiệu quả.

 

4. Củ dền

Là một loại thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất như: choline, acid folic, canxi, sắt, natri hữu cơ, kali, chất xơ và các vitamin như A, B1, B2, B6, C. Không những là một thức ăn bổ dưỡng, củ dền còn có nhiều tác dụng y học như điều trị hiệu quả trong việc chữa lành độc tính ở gan và các bệnh về gan mật, ví dụ như vàng da, viêm gan, ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy hoặc nôn mửa.

Có thể sử dụng củ dền dưới dạng nước ép uống thường xuyên sẽ giúp giảm được chứng táo bón mạn tính, vì hàm lượng chất xơ có trong củ dền giúp hệ tiêu hóa bài tiết dễ dàng.

Đối với những bệnh nhân loét dạ dày, pha mật ong với nước ép củ dền, uống vài lần trong tuần khi bụng đói giúp thúc đẩy quá trình lành vết loét.

Ngoài ra, củ dền cũng là loại thực phẩm bổ máu cao, cải thiện giấc ngủ, tốt cho trí nhớ, chống lại ung thư đại tràng và ung thư dạ dày.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top