✴️ Insulin và Glucagon điều chỉnh đường huyết như thế nào?

Tuyến tụy tiết ra insulin và glucagon. Cả hai hormone này hoạt động cân bằng và đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh lượng đường trong máu. Nếu nồng độ của một trong hai loại hormone này cao hơn hoặc thấp hơn mức lý tưởng thì đường huyết có thể tăng đột biến hoặc giảm xuống.

Cùng với nhau, insulin và glucagon giúp duy trì một trạng thái gọi là cân bằng nội môi, trong đó các tình trạng bên trong cơ thể duy trì ổn định. Khi đường huyết quá cao, tuyến tụy sẽ tiết insulin nhiều hơn. Khi đường huyết hạ thấp, tuyến tụy sẽ giải phóng glucagon để tăng mức đường huyết.

Sự cân bằng này giúp cung cấp đủ năng lượng cho các tế bào đồng thời ngăn ngừa tổn thương thần kinh do lượng đường trong máu ở mức cao kéo dài.

Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu các chức năng và quá trình hoạt động của insulin và glucagon cũng như tác dụng của chúng đối với bệnh đái tháo đường.

Insulin, glucagon và đường huyết

Cơ thể chuyển hóa carbohydrate từ thức ăn thành glucose, một loại đường đơn đóng vai trò là nguồn năng lượng quan trọng.

Lượng đường huyết là thước đo để đánh giá mức độ hiệu quả của cơ thể sử dụng glucose.

Chỉ số này thay đổi trong ngày. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, insulin và glucagon giữ cho lượng đường huyết trong phạm vi lành mạnh.

Khi cơ thể không chuyển hóa đủ glucose, lượng đường huyết vẫn ở mức cao. Insulin giúp các tế bào hấp thụ glucose, giảm lượng đường huyết và cung cấp năng lượng cho tế bào.

Khi lượng đường huyết quá thấp, tuyến tụy sẽ tiết ra glucagon. Glucagon giúp gan giải phóng glucose dự trữ, từ đó làm tăng mức đường huyết.

Các tế bào tiểu đảo trong tuyến tụy có nhiệm vụ giải phóng cả insulin và glucagon. Tuyến tụy chứa nhiều cụm tế bào này. Có một số loại tế bào tiểu đảo khác nhau, bao gồm tế bào beta giải phóng insulin và tế bào alpha giải phóng glucagon.

Insulin hoạt động như thế nào?

Các tế bào cần glucose để tạo năng lượng. Tuy nhiên, hầu hết các tế bào đều không thể dùng glucose nếu thiếu sự giúp đỡ của insulin.

Insulin đưa glucose xâm nhập vào các tế bào. Insulin gắn vào các thụ thể insulin trên các tế bào khắp cơ thể, hướng dẫn các tế bào mở ra và đưa glucose xâm nhập vào.

Nồng độ insulin thấp liên tục lưu thông khắp cơ thể. Lượng insulin tăng cao báo hiệu cho gan rằng lượng đường huyết cũng đang cao. Gan hấp thụ glucose sau đó biến đổi chúng thành một phân tử lưu trữ gọi là glycogen.

Khi mức đường huyết hạ xuống, glucagon báo cho gan chuyển đổi glycogen lại thành glucose, khiến mức đường huyết trở về bình thường.

Insulin cũng hỗ trợ lành thương sau một chấn thương bằng cách vận chuyển các axit amin đến các cơ. Các axit amin giúp tạo lập protein hiện diện trong mô cơ, vì vậy khi nồng độ insulin thấp, các cơ sẽ không thể lành thương một cách đầy đủ.

Glucagon hoạt động như thế nào?

Gan dự trữ glucose để cung cấp năng lượng cho các tế bào trong giai đoạn đường huyết thấp. Bỏ bữa và ăn thiếu dinh dưỡng có thể làm hạ đường huyết. Bằng cách lưu trữ glucose, gan đảm bảo lượng đường huyết duy trì ổn định giữa các bữa ăn và trong khi ngủ.

Khi đường huyết hạ thấp, các tế bào trong tuyến tụy tiết ra glucagon. Glucagon báo cho gan chuyển đổi glycogen thành glucose, làm cho glucose tăng lên trong máu.

Từ đó, insulin gắn vào các thụ thể của nó trên các tế bào của cơ thể và đảm bảo rằng chúng có thể hấp thụ glucose.

Insulin và glucagon hoạt động theo chu kỳ. Glucagon tương tác với gan để tăng lượng đường huyết, trong khi insulin làm giảm đường huyết bằng cách giúp các tế bào sử dụng glucose.

Mức đường huyết lý tưởng

Một loạt các yếu tố, bao gồm kháng insulin, bệnh đái tháo đường và chế độ ăn uống không cân bằng, có thể khiến lượng đường huyết tăng cao hoặc giảm mạnh.

Đơn vị đo lường tiêu chuẩn cho mức đường huyết là milligram trên decilit (mg/dL). Mức đường huyết lý tưởng như sau:

Thời điểm

Mức đường huyết (mg/dL)

Trước khi ăn sáng

Người không mắc đái tháo đường: 100 mg/dL

Người mắc đái tháo đường: 70-130 mg/dL

2 giờ sau khi ăn

Người không mắc đái tháo đường: thấp hơn 140 mg/dL

Người mắc đái tháo đường: thấp hơn 180 mg/dL

Khi ngủ

Người không mắc đái tháo đường: 120 mg/dL

Người mắc đái tháo đường: 90-150 mg/dL

A1C là chỉ số đo cho thấy một bức tranh toàn cảnh về mức đường trung bình trong một thời gian dài. Các chỉ số A1C phải dưới 7% đối với những người mắc bệnh đái tháo đường và dưới 6% đối với những người không mắc bệnh đái tháo đường.

Mức đường huyết ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?

Insulin và glucagon không gây ảnh hưởng ngay lập tức, đặc biệt ở những người có mức đường huyết rất cao hoặc rất thấp.

Đường huyết cao

Các triệu chứng của đường huyết cao gồm:

  • Tiểu nhiều hơn bình thường: Thận phản ứng với mức đường huyết cao  bằng cách cố gắng loại bỏ lượng glucose dư thừa.
  • Khát nhiều kèm theo đi tiểu thường xuyên: Thận có thể gây ra tình trạng mất nước và cảm giác khát dữ dội khi cố gắng điều chỉnh lượng đường huyết.
  • Cảm giác đói nhiều: Lượng đường huyết cao không trực tiếp gây ra cảm giác đói. Tuy nhiên, sự sụt giảm insulin thường gây ra cảm giác đói khi đi kèm với mức đường huyết cao.

Theo thời gian, mức đường huyết cao có thể dẫn tới các triệu chứng sau:

  • Giảm cân không rõ nguyên nhân;
  • Chậm lành thương;
  • Khô da, ngứa;
  • Tăng khả năng nhiễm trùng;
  • Đau đầu;
  • Mệt mỏi hoặc khó tập trung;
  • Giảm thị lực;
  • Táo bón, tiêu chảy hoặc cả hai;
  • Rối loạn cương dương.

Đường huyết thấp

Bỏ bữa, chế độ dinh dưỡng kém, một số loại thuốc đái tháo đường và một số bệnh lý nhất định có thể khiến mức đường huyết hạ thấp.

Các triệu chứng của đường huyết thấp gồm:

  • Chóng mặt;
  • Nhịp tim nhanh;
  • Sức khỏe yếu;
  • Cảm giác châm chích, đặc biệt là ở lưỡi, môi, cánh tay hoặc chân;
  • Cảm giác đói và buồn nôn;
  • Ngất xỉu;
  • Hay nhầm lẫn và khó tập trung;
  • Dễ cáu gắt.

Nếu không điều trị, lượng đường huyết thấp có thể dẫn đến co giật hoặc mất ý thức.

Các loại đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường tiến triển khi insulin mất tác dụng hoặc khi cơ thể không thể sản xuất đủ insulin. Bệnh này gây ra các vấn đề trong việc điều chỉnh lượng đường huyết.

Có các loại bệnh đái tháo đường khác nhau:

Đái tháo đường tuýp 1

Đái tháo đường tuýp 1 là một bệnh lý miễn dịch thường xuất hiện ở những người trẻ tuổi. Vì lý do này mà thỉnh thoảng bệnh còn được gọi là bệnh đái tháo đường vị thành niên.

Loại đái tháo đường này do hệ thống miễn dịch tấn công vào một số tế bào beta tiết insulin trong tuyến tụy.

Những người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 thường có lượng đường huyết rất cao. Tuy nhiên, mức insulin thấp có nghĩa là họ không thể sử dụng nhiều glucose trong máu.

Đái tháo đường tuýp 2

Đái tháo đường tuýp 2 là loại đái tháo đường phổ biến nhất và thường tiến triển do các vấn đề về lối sống, chẳng hạn như thừa cân.

Những người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 bị kháng insulin, có nghĩa là các tế bào không phản ứng đúng cách khi insulin giúp tế bào gấp thụ glucose từ máu.

Đái tháo đường thai kỳ

Đái tháo đường thai kỳ là một dạng đái tháo đường ở một số phụ nữ đang trong thai kỳ

Khi một phụ nữ đang mang thai, nhau thai hỗ trợ nuôi dưỡng em bé có thể làm giảm khả năng sử dụng insulin của cơ thể người mẹ.

Kết quả của sự kháng insulin gây ra các triệu chứng tương tự như bệnh đái tháo đường tuýp 2.

Bệnh đái tháo đường thai kỳ thường khỏi sau khi sinh con. Tuy nhiên, đây là một yếu tố nguy cơ cho sự khởi phát sau này của bệnh đái tháo đường tuýp 2.

Tổng kết

Insuluin và glucagon rất quan trọng trong việc duy trì đường huyết ở mức bình thường.

Insulin cho phép các tế bào hấp thụ glucose trong máu, trong khi glucagon kích hoạt giài phóng glucose dự trữ từ gan.

Tất cả những người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 và một số người mắc đái tháo đường tuýp 2 sẽ cần bổ sung insulin và kiểm soát lượng đường huyết thông qua chế dộ ăn uống và tập thể dục thường xuyên.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top