✴️ Mối quan hệ giữa đái tháo đường và đột quỵ

1. Mối quan hệ giữa đái tháo đường và đột quỵ

Đột quỵ là gì?

Bệnh đột quỵ (nguồn:internet)

Đột quỵ xảy ra khi một hay nhiều mạch máu cung cấp oxy cho não bị hư hỏng hoặc tắc nghẽn. Nếu tình trạng này kéo dài trên 3 phút, tế bào não bắt đầu chết. Có hai loại đột quỵ là đột quỵ xuất huyết do động mạch bị vỡ và đột quỵ do thiếu máu cục bộ (động mạch bị tắc nghẽn). 

Đái tháo đường làm tăng nguy cơ rối loạn lipid máu

Khi đái tháo đường type 2 không được kiểm soát tốt, cả glucose và insulin đều tăng cao, insulin là hormon có vai trò chuyển hóa glucose thành glycogen (dạng dự trữ của glucose) và dự trữ tại gan. Khi gan bão hoà glycogen, glucose được dùng để tạo ra các acid béo, giải phóng vào máu, các acid béo này được sử dụng để sản sinh triglycerides trong các tế bào mỡ, dẫn đến tăng lượng mỡ trong cơ thể.

Đái tháo đường làm tăng nguy cơ đột quỵ

Tăng triglycerid khiến mạch máu có thể bị cứng hoặc bị tắc bởi các mảng lipid tồn đọng, hay còn gọi là tình trạng xơ vữa động mạch. Điều này gây cản trở máu lên não, làm tăng nguy cơ gây ra đột quỵ. Những người mắc bệnh tiểu đường có nhiều khả năng bị tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim và tỉ lệ cholesterol xấu trong máu cao hơn những người không mắc bệnh tiểu đường. Ngay cả những người bị rối loạn đường huyết ở giai đoạn tiền tiểu đường cũng có nguy cơ đột quỵ cao hơn bình thường.  

Bệnh nhân tiểu đường loại 2 có động mạch cứng hơn và giảm độ đàn hồi hơn so với những người có mức đường huyết bình thường. Bệnh nhân tiểu đường loại 1 thường có biểu hiện suy giảm cấu trúc của động mạch cảnh, tăng độ dày thành mạch và được coi là dấu hiệu của xơ vữa động mạch. Người bị tiểu đường thường gặp các phản ứng viêm, là nguyên nhân gây ra sự phát triển của xơ vữa động mạch. 

Nếu không kiểm soát bệnh tiểu đường, bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ và xuất huyết. Những mô hình lâm sàng cụ thể của đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở bệnh nhân tiểu đường đã được xây dựng và nghiên cứu. Người bị tiểu đường có nhiều khả năng bị yếu chân tay, rối loạn nhịp tim, là dấu hiệu của nhồi máu não khi so với những người không mắc tiểu đường. 

Các yếu tố rủi ro

Bệnh đái tháo đường và đột quỵ đều có những yếu tố rủi ro giống nhau có thể gây ra đột quỵ, bao gồm:

  • Huyết áp cao
  • Béo phì
  • Cholesterol cao
  • Tiền sử bệnh tim mạch
  • Đã từng bị đột quỵ trước đó
  • Bệnh hồng cầu hình liềm
  • Rối loạn chảy máu
  • Người lớn tuổi với nguy cơ đột quỵ tăng gấp đôi sau mỗi 10 năm, từ sau 55 tuổi
  • Nam giới dễ bị đột quỵ hơn nữ giới
  • Người có tiền sử gia đình bị đột quỵ
  • Hút thuốc lá
  • Sử dụng rượu bia, chất kích thích, ma túy

2. Giảm nguy cơ đột quỵ do đái tháo đường

Tùy vào tình trạng bệnh hiện tại của bạn mà bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giảm nguy cơ đột quỵ do đái tháo đường. Ngoài ra, kiểm soát bệnh tiểu đường và duy trì một lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn giảm nguy cơ bị đột quỵ.

Chế độ ăn khoa học

Bệnh nhân tiểu đường có thể kiểm soát lượng đường trong máu bằng chế độ ăn kiêng khoa học: 

  • Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày với khẩu phần ăn nhỏ
  • Lựa chọn các loại thực phẩm chứa carbohydrate chưa qua tình chế như ngũ cốc nguyên hạt
  • Thực phẩm giàu chất xơ giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru và kiểm soát lượng đường trong máu: Rau, trái cây, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt… 
  • Ăn cá tốt cho sức khỏe tim mạch: cá hồi, cá thu, cá ngừ giàu acid béo omega-3
  • Hạn chế tối đa thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn vặt, thịt bò, xúc xích, bánh nướng… các thực phẩm này chứa chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa làm tăng nguy cơ rối loạn lipid máu, tạo các mảng lipid bám lấy động mạch gây xơ vữa động mạch, dẫn đến nguy cơ đột quỵ cao
  • Giảm lượng muối ăn trong một ngày
  • Hạn chế rượu 
  • Không hút thuốc lá

Thể dục thể thao

Tập thể dục từ năm lần trở lên mỗi tuần có thể giúp bạn giảm nguy cơ đột quỵ. Theo dõi huyết áp của bạn thường xuyên để có thể điều chỉnh chế độ ăn và sử dụng thuốc khi cần thiết. Kiểm soát huyết áp đã được chứng minh có hiệu quả trong việc ngăn ngừa đột quỵ ở cả người mắc bệnh tiểu đường và người không mắc bệnh tiểu đường. Trong hướng dẫn quản lý huyết áp khuyến nghị, mục tiêu huyết áp là dưới 140/90 mmHg bất kể tình trạng tiểu đường. 

Dùng thuốc để kiểm soát chỉ số mỡ máu

Nhóm thuốc statin để giảm nguy cơ xơ vữa động mạch

Về kiểm soát lipid máu ở bệnh nhân tiểu đường trong phòng ngừa đột quỵ ở những bệnh nhân từng bị đột quỵ hoặc cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua, bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho bạn. Lợi ích của nhóm thuốc statin để giảm nguy cơ xơ vữa động mạch đã được Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ chứng minh thử nghiệm lâm sàng về tác dụng của chúng.

Trên đây là các thông tin về mối quan hệ giữa đái tháo đường và đột quỵ. Đái tháo đường là một yếu tố nguy cơ quan trọng có thể dẫn đến đột quỵ, đặc biệt là đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Kiểm soát đường huyết thông qua thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc và điều chỉnh các yếu tố nguy cơ liên quan như huyết áp, rối loạn lipid máu là những những bước quan trọng để phòng ngừa đột quỵ hiệu quả.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top