✴️ 5 vị trí đau bụng không nên chủ quan

1. Đau bụng vùng rốn

Đau bụng vùng gần rốn có thể liên quan tới rối loạn ruột non hoặc viêm ruột thừa. Đau do viêm ruột thừa, nếu không điều trị kịp thời, ruột thừa có thể bị vỡ, nhiễm trùng lan rộng vào ổ bụng gây nguy hiểm cho người bệnh.

Các dấu hiệu của ruột thừa như buồn nôn, nôn, chán ăn, sốt nhẹ, có nhu cầu trung tiện hoặc đại tiện (tiêu chảy hoặc táo bón , khó xì hơi).

Khi thấy những cơn đau vùng rốn, người bệnh không nên chủ quan, cần tới các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm.

 

2. Các cơn đau vùng trên rốn

Vị trí nằm ở trên rốn, dưới xương ức là vùng thượng vị. Nếu xuất hiện cảm giác đau ở vùng này có thể là dấu hiệu cảnh báo chứng rối loạn tá tràng, tụy hoặc túi mật. Nếu  người bệnh thấy đau dữ dội bụng trên bên phải thường liên quan tới viêm túi mật. Các cơn đau có thể lan ra giữa bụng và xuyên ra sau lưng. Đôi khi, viêm tụy hoặc tá tràng cũng có thể đau vùng này.

 

3. Các cơn đau bụng vùng dưới rốn

Nếu bạn thấy đau vùng dưới rốn và lan sang bên có thể báo hiệu rối loạn đại tràng, viêm đại tràng, đại tràng co thắt (IBS),…. Nếu thấy các cơn đau bụng dưới bên trái thường là rối loạn đại tràng xuống, nơi phân được thải ra. Các rối loạn có thể gồm viêm túi thừa hoặc viêm đại tràng , viêm ruột (bệnh Crohn) hoặc viêm loét tá tràng.

Đau bụng dưới rốn có thể là viêm đại tràng, rối loạn đại tràng…

Đặc biệt, với chị em phụ nữ, cơn đau này có thể báo hiệu về các bệnh liên quan đến sinh sản, rối loạn tiêu hóa, hay thậm chí có bệnh còn có tiên lượng xấu. Do đó cần tới gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 

4. Các cơn đau bụng di chuyển

Đó là chỉ các trường hợp cơn đau di chuyển dọc theo đường dẫn truyền thần kinh sâu và đau ở các vị trí xa nơi gây bệnh. Một số trường hợp điển hình cho cơn đau này như đau do viêm túi mật (lan lên ngực và dọc vai phải) và đau do rối loạn tụy (cơn đau lan giữa hai vai)

 

5. Lời khuyên của các chuyên gia y tế

Mặc dù phần lớn đau bụng không phải là trường hợp nguy hiểm, tuy nhiên không thể chủ quan khi thấy có triệu chứng đau bụng. Nếu thấy những cơn đau kéo dài, đau nặng hơn, thường xuyên tái phát, đau kèm theo thở gấp, chóng mặt, xuất huyết, nôn hoặc sốt cao thì ngay lập tức cần được chuyển tới bệnh viện hoặc các trung tâm y tế gần nhất. Khi được theo dõi, làm các xét nghiệm cụ thể, bác sĩ sẽ giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau bụng, từ đó có phác đồ điều trị phù  hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top