✴️ Nang ở gan: Tổng quan, phân loại và một biện pháp phòng ngừa

Bệnh nang gan là gì?

Trong gan thường có các túi, khi bị nang gan, các túi này sẽ chứa đầy dịch hoặc chất nhầy. Nang gan được xem như một khối u lành tính và không có khả năng phát triển thành ung thư. Đặc biệt, bệnh lý này chỉ chiếm khoảng 5% dân số và thường ít găp ở người dưới 40 tuổi.

Phân loại nang gan

Mỗi loại nang khác nhau sẽ có triệu chứng và phương pháp điều trị khác nhau. Có 4 loại nang gan thường gặp, bao gồm:

  • Nang đơn giản
  • Bệnh gan đa nang
  • Nang gây ra bởi ký sinh trùng (nang sán)
  • U nang

Nang đơn giản

Nang đơn giản là những nang bẩm sinh, chúng thường tự lành mà không cần phải điều trị. Người mắc bệnh nang gan sẽ có triệu chứng đau 1⁄4 bụng trên bên phải. Đặc biệt, khi nang phát triển thì bụng sẽ to lên, thậm chí có thể sờ thấy.

Bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân chụp siêu âm, CT scan và MRI để thấy hình ảnh giải phẫu của nang gan từ đó đưa ra liệu pháp điều trị phù hợp. Với nang gan đơn giản, bệnh nhân có thể được điều trị bằng phương pháp chọc hút hoặc gây xơ hóa, mổ nội soi ổ bụng hoặc mổ hở để mở thông nang  

Bệnh gan đa nang

Đây là bệnh lý liên quan đến di truyền do đột biến gene trội PRKCSH và SEC63 hoặc gene PKD1 và PKD2.  Bệnh hình thành thường đi kèm với bệnh nang thận.

Chính vì vậy, bệnh nhân sẽ được kiểm tra cả chức năng thận và gan bằng siêu âm, chụp CT scan và MRI giúp chẩn đoán gan đa nang.

Bệnh gan đa nang thường được điều trị bằng các phương pháp như: Sinh thiết, chọc hút, xơ hóa, ghép gan.

Nang sán (do Ký sinh trùng echinoccocus)

Nang sán hình thành do bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng echinococcus granulosus -một loại sán dây ký sinh ở động vật như trâu, cừu… Triệu chứng thường gặp của bệnh là vàng da, viêm đường mật…

Nang sán thường không có triệu chứng cụ thể, hoặc có thể xuất hiện với triệu chứng đau ở hạ sườn phải.

U nang (nang tân sinh)

U nang thường có triệu chứng giống với nhiều bệnh lý khác như: Trướng bụng, buồn nôn và cảm giác no, đau bụng, tắc nghẽn đường mật…

Phương pháp điều trị u nang là cắt bỏ khối u, tuy nhiên có thể tái phát sau khi được cắt hoàn toàn.

Nguyên nhân gây bệnh nang gan

  • Do di truyền bẩm sinh – đột biến gene trội PRKCSH và SEC63 hoặc gene PKD1 và PKD2;
  • Do ký sinh trùng, virus, nhiễm nang sán và vi khuẩn lao;
  • Do cấu trúc của gan;
  • Do biến chứng của dị tật trong ống mật.

Nguyên nhân gây bệnh nang gan

Chẩn đoán bệnh nang gan như thế nào?

Phần lớn bệnh nang gan không có triệu chứng và thường được phát hiện tình cờ khi người bệnh thực hiện thủ thuật hình ảnh ở bụng như chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).

Nếu phát hiện 1-2 nang gan thì người bệnh thường không phải điều trị. Nhưng trong trường nhiều nang hoặc nang có kích thước lớn thì cần gặp bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả.

Bệnh nang gan có nguy hiểm không?

Nang gan là bệnh lành tính trừ trường hợp nang gan do ung thư di căn từ một vùng khác ngoài gan, kích thước nang lớn hoặc nhiều nang. Phần lớn, các bệnh nhân chỉ có 1 – 2 nang, kích thước thường nhỏ hơn 4cm. Tuy nhiên, một số ít bệnh nhân có nang gan kích thước rất lớn, có thể chứa tới 1 – 2 lít dịch.

Một số biến chứng có thể gặp ở nang lớn

  • Chèn ép đường mật khiến bệnh nhân có triệu chứng vàng da, chèn vào các tĩnh mạch cửa gây hiện tượng tăng áp tĩnh mạch cửa;
  • Nang vỡ hoặc xuất huyết;
  • Nếu di động, nang có thể bị xoắn;
  • Nang gan có thể bị bội nhiễm, gây ra áp xe gan.

Các phương pháp điều trị bệnh nang gan

Hầu hết các nang gan có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Trong trường hợp nang gan kích thước quá lớn hoặc ác tính cần được phẫu thuật cắt bỏ. Các phương pháp dùng để điều trị bệnh nang gan bao gồm:

Điều trị nội khoa: Bệnh nhân sử dụng thuốc uống để giảm các triệu chứng, đặc biệt là nang gan do sán gan hoặc vi khuẩn lao.

Điều trị ngoại khoa: Trường hợp nang có kích thước hơn 5cm, chèn ép các bộ phận khác thì cần có sự can thiệp của ngoại khoa. Bác sĩ thực hiện phẫu thuật nội soi cắt bỏ nang gan, nhất là những trường hợp bị u nang hoặc ung thư nang tuyến.

Trường hợp đa nang gan chảy máu nhiều, khiến bệnh nhân đau dữ dội, ảnh hưởng lớn đến chức năng gan thì phải thực hiện ghép gan.

Lưu ý về chế độ ăn uống cho bệnh nhân mắc bệnh nang gan

  • Loại bỏ sữa và các chế phẩm từ sữa khỏi chế độ ăn uống bởi các kích thích tố tự nhiên trong sữa sẽ thúc đẩy sự phát triển các nang và chất nhầy trong cơ thể;
  • Hạn chế uống bia rượu, không ăn quá nhiều đường; hạn chế tiếp xúc với hóa chất…;
  • Sử dụng thuốc bổ gan chất lượng tốt sẽ giúp bảo vệ tế bào gan khỏi những mối nguy hiểm và phục hồi các tế bào gan bị hư hỏng;
  • Bổ sung selen giúp gan tăng cường sản xuất glutathione, chất chống oxy hóa;
  • Tăng cường rau quả tươi, đặc biệt là cải xoăn, bông cải xanh, củ cải và hành tây. Bổ sung cà rốt và táo để làm cho gan dễ chịu hơn.

Phòng ngừa bệnh nang gan

  • Tiêm vaccine phòng các bệnh viêm gan A, B;
  • Hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại;
  • Hạn chế tiếp xúc với động vật như bò, trâu, cừu…vì dễ bị ký sinh trùng xâm nhập;
  • Hạn chế tiếp xúc với máu và dịch cơ thể của người mắc bệnh;
  • Dùng thuốc đúng liều lượng theo đơn bác sĩ kê;
  • Hạn chế rượu bia, ăn nội tạng/mỡ động vật;
  • Sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe hỗ trợ gan khỏe mạnh;
  • Duy trì và kiểm soát cân nặng hợp lý;
  • Quan hệ tình dục an toàn.

Tóm lại, nang gan là một bệnh không quá nguy hiểm, tỷ lệ điều trị thành công cao nên bệnh nhân không cần quá lo lắng. Điều quan trọng là bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng chỉ định điều trị của bác sĩ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top