✴️ Bệnh sỏi ống mật: nguyên nhân, biến chứng và cách điều trị

Nội dung

Sỏi ống mật là bệnh gì?

Sỏi ống mật là tình trạng xuất hiện các viên sỏi trong đường ống dẫn mật từ gan và túi mật xuống tá tràng.

Có thể phân loại sỏi ống mật thành 2 loại chính dựa theo thành phần:

  • Sỏi cholesterol
  • Sỏi sắc tố

Sỏi ống mật có số lượng và kích thước khác nhau tùy từng người. Ngoài sỏi trong ống mật, người bệnh còn xuất hiện sỏi ở những vị trí khác như túi mật, đường mật trong gan.

Triệu chứng của bệnh sỏi ống mật

Các triệu chứng điển hình của sỏi ống mật bao gồm: đau hạ sườn phải, sốt và vàng da: 

  • Đau hạ sườn phải: Xuất hiện sau ăn 1 – 2h hoặc xảy ra tại bất kì thời điểm nào trong ngày, mức độ đau kéo dài và lan rộng, đau lan lên ngực hoặc ra sau lưng, có thể kéo dài đến 2-3 giờ. Cơn đau xảy ra do việc di chuyển của sỏi hay do tăng co bóp ống mật, tăng nhu động túi mật và tăng áp lực đường mật.
  • Sốt: Người bệnh bị sốt do vi khuẩn phát triển khi dịch mật ứ trệ, vi khuẩn sẽ tiết ra nội độc tố dẫn đến sốt cao 39 – 40°C kèm run lạnh, vã mồ hôi. Tình trạng sốt cao thường xuất hiện sau 2 – 3h xảy ra các cơn đau quặn.
  • Vàng da: Nguyên nhân vàng da do dịch mật bị tắc nghẽn và ứ đọng ở gan, bilirubin trong dịch mật vào máu gây vàng da, vàng niêm mạc mắt.
  • Một số triệu chứng khác có thể xảy ra như: Nôn, buồn nôn, ngứa, vàng mắt, nước tiểu vàng sẫm, phân bạc màu.

Nguyên nhân gây sỏi ống mật

  • Do nhiễm khuẩn, nhiễm kí sinh trùng: Khi dịch mật ứ trệ, vi khuẩn phát triển gây tổn thương thành đường mật làm cho các tế bào bị viêm loét bong vào dịch mật, làm kết tủa một số thành phần của dịch mật (sắc tố mật, muối mật) dẫn đến hình thành sỏi trong ống mật. Còn có trường hợp giun mang theo trứng hoặc xác giun chui lên ống mật và trở thành chỗ cho sắc tố mật lắng đọng bám vào, dần hình thành sỏi.
  • Do sỏi từ đường mật trong gan hoặc túi mật di chuyển xuống ống mật

 

Yếu tố nguy cơ gây bệnh sỏi ống mật

Nguy cơ bị sỏi ống mật sẽ có tỷ lệ cao hơn ở người có tiền sử sỏi mật, bệnh túi mật và ngay cả với những người đã cắt túi mật. Sau đây là các yếu tố làm tăng cơ hội phát triển sỏi mật.

  • Béo phì
  • Ít chất xơ, cao calo, chế độ ăn uống nhiều chất béo
  • Mang thai
  • Ăn chay kéo dài
  • Giảm cân nhanh chóng
  • Thiếu hoạt động thể chất
  • Những yếu tố nguy cơ bạn không thể thay đổi bao gồm:
  • Tuổi: người lớn tuổi thường có nguy cơ cao bị sỏi mật
  • Giới tính: phụ nữ có nhiều khả năng có sỏi mật
  • Tiền sử gia đình: di truyền học có thể đóng một vai trò

Biến chứng của sỏi ống mật

Biến chứng cấp tính

  • Thấm mật phúc mạc: chỗ tắc của ống mật chủ xuất hiện mật ứ đọng, thấm qua thành ống mật vào ổ bụng
  • Viêm phúc mạc mật: dịch mật và vi khuẩn tràn vào ổ bụng do vỡ túi mật hoặc thủng ống mật gây nên nhiễm trùng ổ phúc mạc
  • Viêm mủ đường mật và áp xe gan đường mật: viêm mủ đường mật do ứ đọng mật và nhiễm trùng: dịch mật đen đục, mùi thối và lẫn mủ. Viêm mủ đường mật dẫn đến việc hình thành các ổ áp xe nhỏ ở gan, biểu hiện sốt cao, rét run, gan to và đau…
  • Chảy máu đường mật: thành ống mật bị loét do sỏi và áp xe, khiến ống mật bị nối liền với mạch máu trong gan. Triệu chứng nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen, chảy máu thường kéo dài, dai dẳng và thành từng đợt
  • Viêm tụy cấp do sỏi mật: sỏi xuất hiện ở đoạn cuối ống mật hoặc sỏi chít vào cơ Oddi; khi khám điểm sườn thắt lưng có cảm giác đau, amylaza máu và nước tiểu tăng cao.
  • Viêm thận cấp sỏi mật (Hội chứng gan thận): triệu chứng đi tiểu ít, vô niệu, vàng da tăng dần, urê và creatinin máu tăng cao. Đây là biến chứng nặng có thể gây tử vong.
  • Sốc nhiễm khuẩn đường mật: người bệnh bị hội chứng tắc mật, sốt cao dao động, mạch nhanh nhỏ > 120 lần/phút, huyết áp giảm, cấy máu có vi khuẩn, chủ yếu là gram (-). Biến chứng gây tỷ lệ tử vong cao

Biến chứng mãn tính

  • Viêm đường mật
  • Viêm tụy mãn tính
  • Xơ gan mật

​​​​​​​

Viêm đường mật là biến chứng nguy hiểm của sỏi ống mật

Phương pháp chẩn đoán bệnh sỏi ống mật

Nếu tần suất, mức độ xuất hiện các triệu chứng ngày càng tăng thì người bệnh đến cơ sở y tế để được tiến hành một số xét nghiệm giúp chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và có phương pháp điều trị phù hợp, kịp thời.

  • Xét nghiệm sinh hóa máu
  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Chụp X – quang ổ bụng, đường mật
  • Siêu âm nội soi
  • Chụp cộng hưởng từ (MRCP
  • CT – Scan

Phương pháp điều trị bệnh sỏi ống mật

Nội khoa

  • Đặt ống mũi mật
  • Bồi hoàn nước và điện giải đường tĩnh mạch
  • Kháng sinh diệt vi trùng Gram âm và kỵ khí
  • Giảm đau
  • Vitamin K, huyết tương đông lạnh nếu có rối loạn đông máu

Ngoại khoa

Nguyên tắc điều trị sỏi đường mật là lấy hết sỏi và bảo đảm lưu thông đường mật tốt, các phương pháp điều trị áp dụng bao gồm: 

  • Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP)
  • Dẫn lưu đường mật xuyên gan qua da
  • Phẫu thuật mở OMC lấy sỏi kinh điển
  • Một số phương pháp dẫn lưu đường mật khác: Tạo hình cơ vòng Oddi, nối OMC – tá tràng

Biện pháp ngăn ngừa sỏi ống mật

Sỏi ống mật có thể tái phát sau phẫu thuật gây thêm phiền toái cho người bệnh, vì vậy để ngăn ngừa sỏi ống mật, cần thực hiện các biện pháp dưới đây:

  • Hạn chế chất béo bão hòa
  • Bổ sung nguồn chất béo tốt
  • Ăn nhiều chất xơ, hoa quả chứa vitamin C, hạn chế đường bột
  • Uống nhiều nước
  • Hạn chế uống rượu bia, cà phê
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Tránh giảm cân đột ngột
  • Giữ cân nặng vừa phải, tránh tình trạng thừa cân béo phì
  • Tránh bỏ bữa ăn, đặc biệt là bữa sáng

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top