✴️ Bệnh viêm dạ dày tá tràng là gì?

Nội dung

Bệnh viêm dạ dày tá tràng là gì?

Viêm dạ dày tá tràng là bệnh có thể cấp tính hoặc mạn tính tại niêm mạc đường tiêu hoá do mất cân bằng bảo vệ, do vi khuẩn, tác dụng phụ của thuốc (Piroxicam, Aspirin…), ăn uống, stress, trào ngược mạn tính các chất bài tiết của tụy, mật, acid mật hoặc do hội chứng Zollinger – Ellison… gây nên. Bệnh đi kèm với những triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt và sức khỏe của người bệnh.

Viêm dạ dày tá tràng là một trong những bệnh lý đường tiêu hóa thường gặp với những triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt và sức khỏe của người bệnh.

 

Nguyên nhân gây bệnh viêm dạ dày tá tràng

Các nguyên nhân gây bệnh viêm dạ dày tá tràng gồm:

  • Vi khuẩn HP: Đây là nguyên nhân gây bệnh viêm dạ dày tá tràng phổ biến nhất, chiếm khoảng 70 – 90%.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Những loại thuốc gây tổn thương cho niêm mạc dạ dày thuộc nhóm NSAID như: Nhóm axit acetylsalicylic (Aspirin), thuốc chống viêm, chữa khớp, thuốc hormone như sterol… cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh viêm dạ dày tá tràng.
  • Do trào ngược mạn tính các chất bài tiết của tụy, mật, acid mật hoặc do hội chứng Zollinger – Ellison…
  • Do căng thẳng – stress kéo dài.
  • Uống nhiều bia rượu, nước ngọt có gas và các loại đồ uống chứa cồn khác.
  • Chế độ ăn uống không khoa học, lành mạnh như ăn quá nhanh, no đói không đều, ăn uống thất thường, bỏ bữa, ăn nhiều thực phẩm khó tiêu hóa, thực phẩm nhiều dầu mỡ, gia vị chua, cay, nóng…

 

Biểu hiện bệnh viêm dạ dày tá tràng

Khi bị viêm dạ dày tá tràng, người bệnh sẽ có những biểu hiện dưới đây:

  • Đau vùng thượng vị: Đau dữ dội, đau rát, đau như bị cào, gặm; hoặc đau âm ỉ, bụng đầy hoặc cảm giác cồn cào như đói. Cơn đau giảm khi ăn thức ăn và thường xuất hiện lại sau khi ăn 1,5-3 giờ.

  • Ợ hơi, ợ chua, nóng rát

  • Chán ăn, ăn không ngon miệng
  • Nôn và buồn nôn
  • Đi đại tiện phân đen như bã cafe, có mùi khó chịu…

Khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa là khi thấy có những triệu chứng viêm dạ dày tá tràng nêu trên, bạn cần đi khám càng sớm càng tốt để tìm nguyên nhân, đánh giá tình trạng bệnh và được điều trị kịp thời. Người bệnh tuyệt đối không được chủ quan, tự ý điều trị vì có thể khiến bệnh tiến triển nặng hơn, làm xuất hiện những biến chứng nguy hiểm.

 

Điều trị bệnh viêm dạ dày tá tràng

-Giảm yếu tố gây loét:

  • Dùng thuốc ức chế bài tiết acid clohydric và pepsin.

  • Dùng thuốc trung hoà acid clohydric đã được bài tiết vào dạ dày – tá tràng.

-Tăng cường yếu tố bảo vệ niêm mạc:

  • Dùng các thuốc bao phủ niêm mạc và băng bó ổ loét.

  • Dùng thuốc kích thích sản xuất chất nhầy (mucin) hoặc các phương pháp kích thích sự tái tạo niêm mạc bằng Laser cường độ thấp – Heli – Neon.

-Diệt trừ Helicobacter pylori:

  • Dùng các kháng sinh và các chất diệt khuẩn như Bismuth.

Ngoài việc uống thuốc điều trị duy trì, đối với các bệnh viêm dạ dày tá tràng, chế độ ăn là một phần của các yêu cầu điều trị. Bệnh nhân cần tránh ăn các thức ăn dễ kích thích như:

  • Rượu bia, nước ngọt có gas, đồ uống chứa cồn, cà phê; các loại gia vị chua, cay, nhóng…

  • Không hút thuốc.

  • Ăn các thức ăn lỏng (sữa, cháo, soup), mềm, dễ tiêu hóa

  • Ăn chậm, nhai kỹ.

  • Chia nhỏ bữa ăn, không bỏ bữa đặc biệt là bữa sáng.
  • Buổi tối nên ăn một miếng bánh ngọt hoặc uống một cốc sữa nhỏ, không nên để dạ dày rỗng, đói.

  • Có chế độ làm việc hợp lý, tránh làm việc gắng sức, tránh căng thẳng thần kinh, tránh Stress tâm lý.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top