Bệnh viêm túi mật là tình trạng túi mật bị viêm. Nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp viêm là do sỏi. Ngoài ra còn có thể do nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, khối u,… Bài viết sau sẽ cung cấp đến bạn những thông tin quan trọng về căn bệnh này để có giải pháp điều trị triệt để, nhằm ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Viêm túi mật là hiện tượng túi mật nhiễm trùng. Tình trạng này khiến thành túi mật dày hơn bình thường, dẫn tới lưu thông máu qua túi mật kém.
Thông thường, thành túi mật chỉ dày khoảng 3mm, khi chức năng túi mật còn tốt. Thành túi mật giúp túi mật co bóp tống mật tiết ra từ gan vào ruột non, thực hiện nhiệm vụ tiêu hóa chất béo. Nhưng nếu túi mật bị viêm, thành túi mật dày lên gây ảnh hưởng và làm gián đoạn quá trình này. Nguy hiểm hơn nếu không phát hiện kịp thời, bệnh có thể gây thủng túi mật.
Bệnh viêm túi mật được chia thành 2 loại chính là viêm túi mật cấp, viêm túi mật mạn tính. Trong đó, bệnh viêm túi mật cấp được phân loại thành 3 cấp độ. Ngoài ra, bệnh còn có thể phân loại thành viêm túi mật có sỏi và không sỏi.
Nguyên nhân gây viêm túi mật ở các cấp độ sẽ khác nhau. Cụ thể như:
Theo thống kê 90 – 95% các trường hợp bị viêm túi mật là do sỏi mật. Viện sỏi di chuyển và cọ xát làm tổn thương thành túi mật. Ngoài ra nó thể gây tắc nghẽn các ống dẫn mật, khiến dịch mật bị ứ lại. Điều đó dẫn tới việc tích tụ các hoạt chất hoặc vi khuẩn và làm túi mật bị viêm. Hậu quả của việc viêm túi mật cấp tính xảy ra liên tục mà không được điều trị dứt điểm là viêm túi mật mạn tính.
Có khoảng 10% các trường hợp viêm túi mật không sỏi. Nguyên nhân chính là do:
– Túi mật tổn thương: Phẫu thuật hoặc gặp chấn thương vùng bụng nghiêm trọng có thể làm tổn thương túi mật. Điều này có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm.
– Túi mật nhiễm trùng: Nhiễm khuẩn hoặc nhiễm trùng túi mật có thể dẫn đến viêm túi mật.
– Túi mật có khối u: Sự xuất hiện của khối u có thể gây chèn ép hệ thống đường dẫn mật. Nó sẽ ngăn cản dòng chảy của dịch mật, khiến mật bị ứ lại trong túi mật, dẫn đến viêm túi mật.
Những người có chế độ ăn giàu chất béo cũng sẽ làm tăng khả năng phát triển bệnh viêm túi mật. Đồng thời những đối tượng như người bệnh tiểu đường, người giảm cân nhanh, phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị viêm túi mật.
Túi mật viêm khác nhau tùy theo tình trạng bệnh là viêm cấp tính hay mạn tính. Dấu hiệu của bệnh này rất dễ gây nhầm lẫn với các rối loạn tiêu hóa.
Bạn có thể nhận biết bệnh bước vào cấp tính với 3 triệu chứng chính. Bao gồm:
– Xuất hiện đau hạ sườn phải: Khi bị viêm túi mật cấp sẽ đau ở vùng hạ sườn phải lan ra sau lưng hoặc lên vai phải với mức độ tăng dần. Nếu ăn hay uống trong cơn đau thì triệu chứng đau sẽ tăng lên. Nguyên nhân chính là do đường mật bị kích thích nhiều. Triệu chứng đau thường dai dẳng và kéo dài, có thể giảm từ từ sau 12-18 giờ.
– Sốt: Người bệnh sốt khoảng 39 – 40 độ C. Ngoài ra có thể kèm theo ớn lạnh, vã mồ hôi.
– Bị vàng da nhẹ và nước tiểu vàng: Hiện tượng này thường xuất hiện khi bị tổn thương ống mật chủ phối hợp.
Ngoài 3 triệu chứng trên, bệnh nhân cũng sẽ gặp các dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa, điển hình như chán ăn, ăn không ngon miệng, buồn nôn…
Triệu chứng viêm túi mật cấp sẽ tăng dần lên theo cấp độ viêm. Hiện tượng viêm càng nặng, thì biểu hiện bệnh càng trầm trọng. Với cấp mức độ nhẹ (độ 1), sẽ ít thấy triệu chứng bất thường. Nhưng nếu ở cấp mức độ trung bình (độ 2), bệnh nhân sẽ cảm nhận được đau tức vùng hạ sườn phải, thời gian đau trên 72 giờ.
Đặc biệt với mức độ nặng (độ 3) sẽ có các hiện tượng đau hạ sườn phải, vàng da, nôn, sốt, vàng mắt… Ngoài ra còn có thể đã xuất hiện một số biến chứng viêm túi mật cấp khác. Điển hình kể đến như hạ huyết áp, thiểu niệu, rối loạn huyết học…
Người bệnh bị bệnh mạn tính sẽ thường hay đau nhẹ, sợ mỡ, buồn nôn, chán ăn. Một số bệnh nhân có thể sẽ không nhận thấy bất kỳ biểu hiện gì.
Các triệu chứng của viêm túi mật mạn tính tương đối ít và không đặc hiệu. Đặc biệt nó có thể đi kèm với nhiều bệnh khác, vì vậy rất khó để phát hiện. Tình trạng này được xác định khi đã có những triệu chứng của một đợt viêm cấp tính nghiêm trọng.
Các bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân làm các xét nghiệm sau:
– Xét nghiệm máu: Mục đích chính là để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn cũng như có thể loại trừ các nguyên nhân khác.
– Siêu âm, chụp cắt lớp vi tính: Giúp phát hiện dấu hiệu của viêm túi mật.
-…
Việc điều trị viêm túi mật phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà sẽ có các điều trị khác nhau. Đặc biệt như thể trạng người bệnh, nguyên nhân, biến chứng… Một số phương pháp điều trị chủ yếu như:
Ban đầu các bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân là sử dụng các thuốc giảm đau, chống viêm, kháng sinh. Đồng thời tiến hành truyền dịch để cải thiện triệu chứng. Sau đó, người bệnh sẽ có thể được xuất viện và theo dõi thêm.
– Sử dụng thuốc kháng sinh: Để ngăn ngừa nhiễm trùng, cũng như hạn chế các biến chứng nguy hiểm.
– Sử dụng thuốc giảm đau viêm túi mật: Giúp bệnh nhân giảm bớt khó chịu với những cơn đau dữ dội.
Lưu ý: thông tin về các nhóm thuốc điều trị nêu trên chỉ mang tính tham khảo. Người bệnh cần thăm khám với bác sĩ để được tư vấn cụ thể. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định.
Cắt túi mật là biện pháp tối ưu khi điều trị nội khoa thất bại. Phương pháp này chỉ định khi người bệnh mắc các bệnh lý túi mật khá nghiêm trọng như viêm túi mật mạn tính, viêm túi mật hoại tử, đe dọa vỡ túi mật, thấm mật phúc mạc…
Hiện nay cắt túi mật nội soi được thực hiện phổ biến hơn do vết mổ nhỏ, ít gây đau và thời gian hồi phục nhanh hơn. Phẫu thuật mổ hở cắt túi mật được áp dụng khi không thể thực hiện mổ nội soi.
Khi túi mật bị cắt bỏ mật sẽ chảy trực tiếp từ gan vào ruột non và không được lưu trữ ở túi mật. Vậy nên, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng rối loạn tiêu hoá, điển hình các triệu chứng như tiêu chảy kéo dài, buồn nôn, táo bón…Tuy nhiên các triệu chứng này thường không kéo dài lâu, sẽ thuyên giảm dần và biến mất.
Lời khuyên của nhiều chuyên gia là người bệnh viêm túi mật nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm tốt cho túi mật. Các loại thực phẩm như rau xanh, ngũ cốc, trái cây tươi, các loại thịt trắng… Đồng thời, bệnh nhân cũng nên sử dụng nguồn chất béo tốt từ thực vật, điển hình như dầu vừng, dầu hướng dương, dầu oliu…
Ngoài ra, bạn cũng nên ăn uống đúng giờ, đặc biệt lưu ý không bỏ bữa cũng giúp tăng cường hoạt động của túi mật.
Bệnh nhân nên hạn chế ăn các loại chất béo bão hòa có trong mỡ và nội tạng động vật. Các đồ chiên rán, thức ăn nhanh, các loại thịt có màu đỏ (thịt lợn, thịt bò, thịt chó…) cũng nên hạn chế tối đa. Bởi chúng đều là tác nhân chính kích thích các vấn đề của túi mật.
Viêm túi mật là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Bệnh có thể điều trị hiệu quả bằng thuốc hoặc phẫu thuật (tùy theo tình trạng cụ thể). Do đó nên chủ động thăm khám và điều trị sớm ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ để tránh các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh