✴️ Bị loét dạ dày nên ăn gì, kiêng ăn gì sẽ tốt cho người bệnh

Chế độ ăn khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát triệu chứng và hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày tá tràng. Người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý để bảo vệ niêm mạc dạ dày, thúc đẩy quá trình lành loét và phòng ngừa tái phát.

Chuối rất tốt cho tiêu hóa nói chung và bệnh viêm loét dạ dày nói riêng

1. Người bệnh viêm loét dạ dày nên ăn gì?

Người bệnh nên ưu tiên nhóm thực phẩm có khả năng:

  • Bảo vệ niêm mạc dạ dày

  • Trung hòa acid dịch vị

  • Cung cấp vitamin, khoáng chất hỗ trợ phục hồi tổn thương

1.1. Chuối

Chuối chứa nhiều pectin và kali, giúp trung hòa acid dạ dày, giảm viêm, hỗ trợ tiêu hóa, ngăn táo bón và tiêu chảy. Đây là loại trái cây thân thiện với người bệnh dạ dày.

1.2. Cơm, cháo, khoai

Các thực phẩm giàu tinh bột như cơm, cháo, khoai, bánh mì… dễ tiêu hóa, giúp hấp thu dịch vị dư thừa, giảm cảm giác đau và kích ứng.

1.3. Sữa chua

Chứa probiotic và enzyme tiêu hóa, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa và tạo lớp bảo vệ niêm mạc dạ dày. Tuy nhiên, cần tránh lạm dụng.

1.4. Nghệ, mật ong, gừng, trà thảo dược

  • Nghệ có chứa curcumin – chất chống viêm, hỗ trợ làm lành ổ loét.

  • Mật ong giúp làm dịu niêm mạc dạ dày.

  • Gừng, trà thảo dược (như cam thảo, hoa cúc) giúp chống đầy hơi, buồn nôn, cải thiện tiêu hóa.

Lưu ý: Tham khảo ý kiến bác sĩ khi dùng với liều lượng lớn hoặc kéo dài.

1.5. Đậu bắp

Chứa chất nhầy bảo vệ lớp niêm mạc, cùng vitamin B, C, E hỗ trợ quá trình phục hồi tổn thương niêm mạc dạ dày.

1.6. Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất

Đặc biệt là vitamin A, B, D, K, acid folic, canxi, magie, sắt, kẽm, giúp phục hồi mô tổn thương. Nguồn thực phẩm: rau xanh đậm, củ quả màu cam – đỏ, ngũ cốc nguyên hạt…

2. Người bệnh viêm loét dạ dày nên hạn chế gì?

Một số thực phẩm có thể làm tăng tiết acid, gây kích ứng hoặc tổn thương thêm cho niêm mạc dạ dày cần được hạn chế:

2.1. Rượu và đồ uống có cồn

Làm tổn thương trực tiếp niêm mạc, tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày, viêm loét tái phát.

2.2. Thực phẩm nhiều dầu mỡ

Gây chậm tiêu, tăng áp lực lên dạ dày, kích thích tăng tiết acid (đồ chiên rán, đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn).

2.3. Thức ăn cay, nhiều gia vị

Ớt, tiêu, mù tạt... dễ gây kích ứng niêm mạc, làm vết loét trở nên nghiêm trọng hơn.

2.4. Trái cây họ cam – chanh

Chứa nhiều acid hữu cơ. Có thể gây kích thích nếu dùng lượng lớn khi đói, tuy nhiên có thể sử dụng với liều lượng nhỏ, sau ăn no để cung cấp vitamin C.

2.5. Sữa tươi nguyên chất

Có thể gây tăng tiết acid dạ dày ngay sau khi uống, không phù hợp dùng khi đói. Người bệnh có thể thay bằng sữa tách béo, sữa không lactose hoặc sữa công thức cho người bệnh dạ dày nếu cần bổ sung dinh dưỡng.

3. Thói quen ăn uống và sinh hoạt hỗ trợ điều trị

Bên cạnh lựa chọn thực phẩm phù hợp, người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Ăn đúng giờ, chia nhỏ bữa ăn (4–5 bữa/ngày) để tránh dạ dày trống rỗng hoặc quá tải.

  • Chế biến thực phẩm bằng phương pháp luộc, hấp, kho thay vì chiên, xào, nướng.

  • Ăn chậm, nhai kỹ, tránh vừa ăn vừa làm việc hoặc nói chuyện.

  • Không ăn quá no hoặc để đói lâu.

  • Tránh ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh. Nhiệt độ lý tưởng: khoảng 40–50°C.

  • Tránh nằm ngay sau khi ăn, nên nghỉ ngơi nhẹ hoặc ngồi thẳng lưng trong vòng 30–60 phút sau bữa ăn.

  • Duy trì cân nặng hợp lý, quản lý căng thẳng, ngủ đủ giấc.

4. Kết luận

Viêm loét dạ dày là bệnh lý tiêu hóa có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách và tuân thủ chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học.

Người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hoặc điều trị tại nhà khi chưa có chỉ định y khoa. Việc thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp xác định đúng nguyên nhân, mức độ tổn thương và xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp nhất.

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top