✴️ Các biểu hiện của viêm dạ dày – Cách điều trị và phòng tránh

Các biểu hiện của viêm dạ dày khá đa dạng. Một số biểu hiện rõ rệt nhưng cũng có những biểu hiện dễ nhầm lẫn sang đau bụng thông thường. Vì vậy bạn cần tìm hiểu rõ về các dấu hiệu nhằm giúp phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

 

1. Bệnh viêm dạ dày là gì?

Biểu hiện của viêm dạ dày ở mỗi người không giống nhau. Trước khi tìm hiểu về các dấu hiệu này chúng ta cần tìm hiểu về bệnh lý viêm dạ dày. Viêm dạ dày là từ dùng để mô tả các vấn đề có chung đặc điểm là viêm ở lớp niêm mạc dạ dày.

Tình trạng viêm loét này thường là kết quả bị nhiễm khuẩn HP. Ngoài ra cũng có nhiều nguyên nhân khác như: Sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm thường xuyên, uống quá nhiều thức uống có cồn,…

Các triệu chứng bệnh có thể diễn ra đột ngột ( Dạng viêm dạ dày cấp tính) hoặc diễn biến âm thầm theo theo gian được gọi là viêm dạ dày mạn tính. Một số trường hợp viêm loét có thể dẫn tới các biến chứng, thậm chí là ung thư dạ dày. Tuy nhiên thì phần lớn các trường hợp người mắc bệnh không quá nghiêm trọng và có thể điều trị được.

 

2. Biểu hiện của viêm dạ dày bạn cần biết

Các dấu hiệu viêm dạ dày có thể biểu hiện rõ rệt hoặc một số trường hợp không có dấu hiệu đặc trưng. Nhiều trường hợp bệnh nhân nhầm lẫn viêm dạ dày với đau bụng thông thường. Dưới đây là một số biểu hiện dễ dàng nhận biết nhất.

2.1 Thường xuyên đau nhói vùng thượng vị

Đây là dấu hiệu thường có ở bệnh nhân bị viêm dạ dày. Người bị viêm tá tràng cũng có những biểu hiện này. Người bệnh thường thấy đau rát, đau âm ỉ và tức vùng bụng rất khó chịu.

Cơn đau bụng dữ dội có thể xuất phát từ vụng bụng lên ngực sau đó lan ra sau lưng. Cơn đau thường xuất hiện trong khoảng một đến hai tuần khi ở giai đoạn đầu của bệnh. Sau đó bệnh có thể tái đi tái lại khi thời tiết thay đổi, giao mùa.

– Người bị đau dạ dày tá tràng thì cơn đau thượng vị thường xảy trước hoặc sau bữa ăn và có tính chu kỳ

– Bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng cơn đau có tính chu kỳ

– Người bị ung thư dạ dày thì cơn đau không có chu kỳ mà kéo dài liên miên

2.2 Ăn uống không ngon miệng, chán ăn

Biểu hiện của viêm dạ dày là người bệnh thường xuyên đầy bụng sinh ra cảm giác chán ăn. Nguyên nhân là do thức ăn tiêu hóa chậm nên người bệnh luôn thấy no, không muốn ăn. Sau khi ăn người bệnh có cảm giác đau, bỏng rát vùng thượng vị. Sau đó cơn đau lan lên xương ức gây ra cảm giác buồn nôn.

2.3 Ợ hơi, ợ chua, ợ nóng

Người có biểu hiện viêm dạ dày thường thấy xuất hiện ợ hơi, ợ chua gây ra khó chịu. Điều này làm ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày.

Lý do xuất hiện tình trạng này là do hoạt động của dạ dày bị rối loạn. Thức ăn khó được tiêu hóa dẫn tới tích tụ và lên men ở trong dạ dày. Người bệnh cảm thấy vị chua và đắng khi lượng hơi từ thức ăn chưa được tiêu hóa đẩy lên trên họng. Ngoài ra người bệnh còn cảm thấy đau ở xương ức và vùng ức mũi.

2.4 Biểu hiện của viêm dạ dày gây ra cảm giác buồn nôn

Buồn nôn là dấu hiệu khi bị viêm dạ dày cấp, xuất huyết dạ dày, viêm loét hay thậm chí là ung thư dạ dày. Nếu người bệnh bị nôn nhiều có thể sẽ gây rách niêm mạc thực quản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Tình trạng nôn nhiều còn khiến người bệnh mất nước và điện giải trong dịch dạ dày. Nặng hơn có thể xảy ra trụy tim mạch, hạ huyết áp. Người bệnh sẽ bị sụt cân nhanh chóng dẫn tới phù nề, thiếu máu,…

2.5 Xuất huyết dạ dày, hệ tiêu hóa

Chảy máu tiêu hóa là khi máu chảy ra khỏi thành mạch máu và đi vào lòng ống tiêu hóa. Đây là dấu hiệu vô cùng nghiêm trọng vì có thể đe dọa tới tính mạng người bệnh chỉ trong thời gian ngắn. Ngay khi thấy dấu hiệu này người bệnh cần tới các cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.

Dấu hiệu dạ dày xuất huyết là: Nôn ra máu đen, máu tươi, đi ngoài ra phân đỏ hoặc đen. Khi dạ dày bị chảy máu sẽ khiến người bệnh hoa mắt, choáng váng, tụt huyết áp,…

Xuất huyết tiêu hóa là dấu hiện viêm dạ dày vô cùng nguy hiểm.

Khi thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong các dấu hiệu trên người bệnh cần theo dõi và tới khám ở bệnh viện chuyên khoa. Việc phát hiện sớm và điều trị bệnh đúng cách sẽ giúp hạn chế xảy ra các biến chứng nguy hiểm.

Đau thượng vị là dấu hiệu viêm dạ dày phổ biến nhất

 

3. Những lựa chọn trong điều trị viêm dạ dày phổ biến

Phác đồ điều trị viêm dạ dày ở mỗi người sẽ khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể gây bệnh. Một số trường hợp viêm dạ dày cấp do sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau hoặc do đồ uống có cồn thì có thể điều trị bằng cách ngưng sử dụng tác nhân gây bệnh.

3.1 Sử dụng thuốc để điều trị biểu hiện của viêm dạ dày

Các loại thuốc thường được bác sĩ chuyên khoa sử dụng cho bệnh nhân viêm dạ dày là:

– Thuốc kháng sinh nhằm tiêu diệt vi khuẩn H. pylor. Khi phát hiện cơ thể dương tính với vi khuẩn HP bác sĩ sẽ phối hợp các loại kháng sinh để mang lại hiệu quả tốt nhất. Lưu ý: Khi sử dụng kháng sinh cần uống đầy đủ liều theo đơn kê. Thời gian điều trị thường kéo dài trong khoảng 1 tới 2 tuần.

– Thuốc ức chế bơm Proton. Nhóm thuốc này giúp ức chế hoạt động của tế bào sản xuất acid dạ dày, giảm tiết acid. Tuy nhiên các loại thuốc này khi sử dụng lâu dài ở liều cao có thể gây tác dụng phụ như: Gãy xương cột sống, xương hông, xương cổ tay.

– Thuốc chẹn histamin H2. Thuốc làm giảm lượng acid phóng vào hệ tiêu hóa, giảm triệu chứng đau do viêm và thúc đẩy tổn thương mau lành.

– Thuốc trung hòa acid, thuốc giúp kháng acid. Các thuốc giảm giảm đau nhanh chóng nhưng có thể gây tác dụng phụ như: Táo bón, tiêu chảy phụ thuộc vào hoạt chất trong thuốc.

3.2 Thay đổi lối sống và các biện pháp tại nhà

Bên cạnh việc sử dụng thuốc thì bệnh nhân có thể kết hợp thêm một số mẹo để làm giảm triệu chứng viêm dạ dày.

– Chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa để giảm bớt gánh nặng lên dạ dày

– Tránh ăn các thực phẩm gây kích ứng dạ dày như: Thực phẩm cay nóng, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ,…

– Hạn chế sử dung các đồ uống có cồn vì có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày

– Xem xét các loại thuốc giảm đau, kháng viêm đang sử dụng vì một số loại có thể gây tác động không tốt tới dạ dày. Nếu bắt buộc phải sử dụng thuốc bạn cần trao đổi với bác sĩ để được tư vấn sang loại thuốc lành tính hơn.

 

4. Làm sao để phòng ngừa biểu hiện viêm dạ dày?

Vi khuẩn HP là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh vì thế bạn có thể ngăn chặn nguy cơ nhiễm bệnh bằng cách:

– Hạn chế ăn uống chung bát đũa, thìa với người khác

– Luôn rửa tay sạch sẽ với xà phòng và nước trước bữa ăn và sau khi đi vệ sinh

– Ăn thực phẩm đã được nấu chín hoàn toàn

Mong rằng bài viết đã cung cấp đầy đủ biểu hiện của viêm dạ dày mà bạn cần biết. Hy vọng với những thông tin trong bài sẽ trang bị cho bạn đầy đủ kiến thức hữu ích khi bị viêm dạ dày.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top