Các nguyên nhân gây táo bón là điều cần biết để phòng tránh bệnh hiệu quả. Căn bệnh này rất phổ biến và dễ tái phát. Cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hiệu quả để tránh biến chứng tai hại.
Bình thường số lần đại tiện từ một đến hai lần trong một ngày, phân mềm đóng thành khuôn. Khi bị táo bón thì quá hai ngày mới đại tiện, mỗi lần đại tiện rất khó hoặc lượng phân mỗi lần ra ít hơn bình thường hoặc khô cứng.
Táo bón là một trong những vấn đề sức khoẻ phổ biến nhất với khoảng 12% số người dân trên toàn thế giới bị táo bón tự xác định được. Phụ nữ mắc chứng này nhiều gấp ba lần nam giới. Táo bón có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi. Tuổi càng cao càng dễ bị bệnh.
Táo bón là triệu chứng thường gặp, có thể đứng đơn độc thành một bệnh (táo bón chức năng) hoặc là một triệu chứng trong các bệnh lý khác (ung thư đại tràng, suy giáp trạng…). Táo bón kéo dài làm ảnh hưởng chất lượng sống, gây tình trạng lệ thuộc vào thuốc nhuận tràng, là yếu tố thuận lợi thúc đẩy bệnh trĩ.
– Táo bón không có tổn thương ở đại tràng, trực tràng và hậu môn:
+ Do chế độ ăn uống không khoa học: chế độ ăn ít chất xơ. Ăn nhiều đồ ăn nhanh, các loại thịt, trứng, sữa và sản phẩm từ sữa là chế độ ăn thiếu chất xơ trầm trọng. Người cao tuổi ngại ăn đồ ăn có nhiều chất xơ do không nhai nuốt được dễ dàng. Ngoài ra, uống không đủ nước cũng góp phần gây nên táo bón; sử dụng đồ uống có chất kích thích như cà phê, rượu, bia sẽ làm nặng thêm tình trạng này.
+ Do thói quen không đại tiện đúng giờ giấc, quên đại tiện làm rối loạn phản xạ mót rặn.
+ Do nghề nghiệp: những nghề phải ngồi nhiều ít hoạt động, nghề tiếp xúc với chì, ngộ độc chì mạn tính, ảnh hưởng đến sự hoạt động của ruột.
+ Do suy nhược: những người già, suy nhược, mắc bệnh mạn tính phải nằm lâu. Những nguyên nhân kể trên làm nhu động ruột và trương lực các cơ thành bụng giảm gây nên táo bón.
+ Rối loạn tâm thần: lo lắng, trầm cảm không để ý đến đại tiện, mất phản xạ mót rặn.
+ Những vấn đề sức khỏe toàn thân: nhiễm khuẩn bị sốt nhiều, sau phẫu thuật mất nhiều máu… những nguyên nhân này gây mất nước trong cơ thể do đó phân khô và táo.
+ Do dùng thuốc: một số thuốc làm giảm nhu động của ruột hoặc làm phân khô lại như: thuốc phiện, tanin, thuốc an thần, thuốc có chất sắt. Sử dụng các thuốc kích thích nhuận tràng kéo dài.
– Táo bón do có tổn thương đường tiêu hóa:
+ Những cản trở đường đi của phân: khối u của trực tràng, đại tràng… ngoài dấu hiệu táo bón có thể đại tiện ra nhầy máu, có thể có bí trung đại tiện, nội soi đại tràng phát hiện ra khối u.
+ Những tổn thương bẩm sinh của đại tràng: Bệnh phình đại tràng, giãn đại tràng…
+ Những tổn thương của trực tràng và hậu môn: Trĩ và nứt hậu môn khiến mỗi lần đại tiện rất đau, người bệnh không dám đại tiện và dẫn đến táo bón. Bên cạnh đó còn có các chứng hẹp trực tràng và hậu môn – di chứng của bệnh nhiễm khuẩn vùng hậu môn trực tràng.
+ Áp lực do nhiều vấn đề gây đại tiện khó: Phụ nữ có thai, nhất là những tháng cuối, thai to đè vào trực tràng. Bên cạnh đó là các khối u vùng tiểu khung. Các dây chằng dính sau mổ, hay sau viêm xung quanh đại, trực tràng làm co hẹp, đại trực tràng.
+ Các tổn thương ở não, màng não dẫn đến rối loạn thần kinh thực vật gây táo bón.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh