✴️ Bệnh lý ung thư và một số điều cần biết

Ung thư là gì?

Để hiểu được khái niệm về ung thư, chúng ta cần hiểu khái niệm tiền đề là u. U được định nghĩa một khối mô tân sản (neoplasm) được hình thành do sự tăng sinh bất thường, quá mức và tự động của các tế bào cơ thể đã bị chuyển dạng (transformed cell). Dựa vào diễn tiến của u và tác động của nó đối với bệnh nhân, u được phân biệt thành 2 loại chính là u lành và u ác. U lành thường lớn chậm, khu trú tại chỗ, không xâm nhập mô xung quanh hoặc lan đi nơi khác, khỏi hẳn sau khi cắt bỏ và hiếm khi gây tử vong cho bệnh nhân. U ác, còn gọi là ung thư, thường lớn nhanh, xâm nhập vào mô xung quanh, cho di căn xa và gây tử vong.

 

Tình hình ung thư ở Việt Nam?

Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng. Tại Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư. Những loại ung thư chiếm tỷ lệ mắc cao bao gồm: gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng.

thống kê về tỉ lệ ung thư ở Việt Nam

Thống kê số ca mắc mới của Việt Nam 2020 (GLOBOCAN)

 

Nguyên nhân gây ra ung thư là gì?

Có 3 nhóm tác nhân chính gây ung thư: vật lý (bức xạ) hoá học (hoá chất) và sinh học (virus, ký sinh trùng và vi khuẩn). Các tác nhân này có thể tác động riêng rẽ hoặc hiệp đồng với nhau. Ung thư là một căn bệnh đa yếu tố. Tùy theo mỗi loại ung thư mà có những nguyên nhân riêng biệt. Một tác nhân sinh ung thư có thể gây ra một số loại ung thư và ngược lại một loại ung thư có thể do một số tác nhân khác nhau.

Tác nhân vật lý: các bức xạ

Bức xạ dưới dạng tia cực tím trong ánh sáng mặt trời hoặc dạng bức xạ ion đều có thể làm phát sinh ung thư ở người và các động vật thí nghiệm. Tia cực tím có trong ánh sáng mặt trời được phân chia làm 3 loại UVA, UVB và UVC. UVB được xem là tác nhân chính có thể gây ra nhiều loại ung thư da khác nhau. Các tia UVC cũng có khả năng sinh ung, tuy nhiên đã được ngăn chặn gần hết nhờ tần ozon quanh trái đất. Các bức xạ dạng ion bao gồm 2 dạng là sóng điện từ (tia X, tia gamma) và các hạt mang điện tích hoặc có năng lượng cao (alpha, beta, proton ..). Khả năng gây ung thư của loại bức xạ này đã được ghi nhận qua sự gia tăng xuất độ của nhiều loại ung thư ở những nạn nhân sống sót sau 2 vụ nổ bom nguyên tử tại Nhật Bản năm 1945 và vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Tchernobyl tại Nga. Cơ chế sinh ung thư của các bức xạ ion là do chúng có khả năng gây đột biến gene và các rối loạn cấu trúc nhiễm sắc thể.

Tác nhân hóa học

Các hóa chất sinh u ung được phân thành 2 nhóm chính

  • Hóa chất sinh ung trực tiếp. Là những hoát chất trực tiếp gây tổn thương phân tử AND, tạo ra ung thư, ví dụ như các nhóm chất alkyl.
  • Hóa chất sinh ung gián tiếp. Phần lớn các hóa chất sinh ung thuộc nhóm này, bản thân chúng chưa phải là tác nhân sinh ung thư, cần phải được chuyển hóa trong cơ thể để trở thành một tác nhân thực sự.

 

 

 

Các tác nhân sinh học

Có một số loại virus đã được xác nhận có khả năng sinh u ở người.

  • Virut Epstein - Barr. Là virus thuộc họ Herpes, được xem là nguyên nhân gây ra 2 loại ung thư là lymphoma Burkitt và carcinoma không biệt hóa của vòm hầu.
  • Ký sinh trùng và vi khuẩn: Chỉ một loại ký sinh trùng được coi là nguyên nhân ung thư, đó là sán Schistosoma. Loại sán này liên quan với ung thư bàng quang và một số ít ung thư niệu quản ở những người ả Rập vùng Trung Đông, kể cả người ả Rập di cư. Helicobacter Pylori (H.Pylori) là chủng vi khuẩn gây được chứng minh viêm dạ dày mãn tính và ung thư dạ dày .
  • Các virus ARN sinh u. Tất cả những virus ARN sinh u đều thuộc họ Retrovirus, chứa các enzyme sao chép ngược. HTLV-1 là một virus thuộc nhóm này đã được xác nhận gây bệnh bạch cầu tế bào T type 1.
  • Các papillomavirus ở người (HPV). Hiện nay có hơn 100 type HPV khác nhau. Các type 1,2,4,7 gây u nhú da lành tính. Các HPV có ái tính với vùng sinh dục-hậu môn, gồm khoảng 40 type khác nhau, có thể gây tổn thương trong biểu mô với nguy cơ chuyển sản thành ung thư. Tùy theo nguy cơ gây ung thư, HPV được phân thành 2 nhóm: Nhóm nguy cơ thấp HPV 6,11,42,44,53 và nhóm HPV nguy cơ cao gồm các type 16,18,31,33…
  • Virut viêm gan B: Các nghiên cứu cho thấy mối liên quan chặt chẽ giữa tình trạng nhiễm viêm gan siêu vi B mạn tính và ung thư gan.

 

Làm sao để phát hiện sớm ung thư?

Có 7 triệu chứng báo động ung thư mà mỗi người có thể tự thăm khám và theo dõi mỗi ngày.                 

Khi xuất hiện một trong 7 triệu chứng kể trên hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám chuyên khoa phù hợp.

  • Có thay đổi thói quen của ruột, bàng quang.
  • Một chỗ lở loét không chịu lành.
  • Chảy máu hoặc dịch bất thường.
  • Có một cục hoặc chỗ dày lên, đặc biệt ở vú.
  • Ăn không tiêu hoặc khó nuốt, sụt cân nhiều.
  • Mụt ruồi thay đổi tính chất.
  • Ho dai dẳng hoặc khàn.

Hiện nay, nhiều chương trình tầm soát ung thư đã được chứng minh đem lại hiệu quả, giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, mang lại kết quả điều trị tốt hơn cho bệnh nhân. Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ ACS (American Cancer Society) và nhiều tổ chức khác đã có những khuyến cáo về chương trình tầm soát cụ thể cho mốt số loại ung thư như đại tràng, tuyến tiền liệt, sinh dục nữ, vú và da. Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ và liên hệ bác sĩ của bạn để được tư vấn cụ thể hơn về kế hoạch tầm soát.

 

Bệnh lý ung thư như thế nào ?

Chẩn đoán bệnh lý ung thư cũng giống như chẩn đoán các nhóm bệnh lý khác, cần có sự kết hợp giữa lâm sàng và các phương tiện cận lâm sàng thích hợp. Các phương tiện cận lâm sàng được sử dụng trong chẩn đoán bệnh lý u rất đa dạng: xét nghiệm sinh hóa, chẩn đoán hình ảnh (x-quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ), nội soi, sinh học phân tử...Tuy nhiên giải phẫu bệnh lý vẫn là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán các bệnh lý u. Xét nghiệm giải phẩu bệnh giúp phân loại u, đánh giá mức độ xâm nhập, hổ trợ xác định giai đoạn của u. Những kỹ thuật giải phẩu bệnh mới như hóa mô miễn dịch giúp bác sĩ lâm sàng có thêm thông tin để đưa ra các liệu pháp điu trị sinh học trúng đích cụ thể cho từng loại u, từng bệnh nhân cụ thể.

 

Điều trị ung thư như thế nào?

Xu hướng điều trị ung thư hiện nay là điều trị đa mô thức, kết hợp các phương pháp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và cả các liệu pháp sinh học. Mỗi loại ung thư sẽ có phác đồ điều trị riêng. Một số loại ung thư có kết quả điều trị tốt như cổ tử cung, tuyến giáp, vú, đại trực tràng, da, tiền liệt tuyến.

 

Chúng ta có thể phòng ngừa ung thư bằng cách nào?

Để phòng ngừa ung thư cần hạn chế các yếu tố gây ung. Một số tác nhân virus sinh ung như HBV (Virus viêm gan siêu vi B), HPV đã có vacxin phòng ngừa. Tiêm chủng HBV giúp giảm nguy cơ mắc ung thư gan, tiêm chủng HPV giúp giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Dưới đây là các khuyến cáo về thay đổi lối sống giúp phòng ngừa ung thư theo quỹ nghiên cứu về ung thư thế giới (World Cancer Research Fund International.

phòng ngừa ung thư

Không hút thuốc lá và tránh tiếp xúc với thuốc lá và ánh sáng mặt trời quá mức là cũng góp phần quan trọng giúp giảm nguy cơ ung thư. Các khuyến cảo của Tổ chức nghiên cứu về ung thư quốc tế giúp giảm lượng muối, chất béo bão hòa và “trans fat” trong chế độ ăn, nhờ vậy giúp phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm khác.

 

Tổng kết.

Ung thư là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 2 chỉ sau các bệnh lý tim mạch, tỷ lệ mắc mới và tử vong có xu hướng gia tăng trên thế giới và cả ở Việt Nam. Nguyên nhân gây ra ung thư gồm nhiều yếu tố phối hợp, một số nguyên nhân hiện nay đã có có thể phòng ngừa được bằng việc thay đổi lối sống, tiêm ngừa vacxin. Việc phát hiện sớm và chữa khỏi ung là khả thi nhờ áp dụng các chương trình tầm soát sớm, chẩn đoán kịp thời và phác đồ điều trị phù hợp.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO.

 1. Bài giảng lý thuyết Giải Phẫu Bệnh, năm 2020, bộ môn Giải Phẫu Bệnh trường đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch thành phố Hồ Chí Minh.

2. Bài giảng “Phương pháp chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa ung thư “GS. Nguyễn Sào Trung, đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh.

3. “World Cancer Research Fun International” cancer prevention recommendations.

4. Bài giảng ung thư đại cương- Nhà xuất bản Y học 2005

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top