Chai gan là giai đoạn nối tiếp của xơ gan hoặc là giai đoạn cuối của xơ gan. Đa số các trường hợp xơ gan không có dấu hiệu báo trước rõ ràng nên việc phát hiện bệnh sớm gặp nhiều khó khăn. Bệnh xơ gan càng để lâu càng nặng hơn và gây khó khăn cho quá trình điều trị sau này. Từ xơ gan, các tổ chức xơ hóa càng phát triển mạnh mẽ hơn làm cho gan trở nên rắn chắc hơn và trở thành xơ chai. Y học gọi đó là chai gan.
Chai gan là do kết quả cuối cùng khi phản ứng của tổ chức gan đối với các tổn thương kéo dài nhiều tháng, nhiều năm không phục hồi. Khi đã trở thành chai gan thì các tổ chức xơ trở nên chằng chịt hơn xơ gan rất nhiều và chúng sẽ chia tổ chức gan thành nhiều nốt nhỏ (các nốt nhỏ này là sự sống sót của tế bào gan).
Các bác sĩ cũng nhấn mạnh, khi người bệnh đã bị chai gan thì khả năng phục hồi của tổ chức gan là hết sức khó khăn, tổ chức gan ngày càng teo nhỏ và rắn chắc.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể làm cho tế bào gan bị viêm và tổn thương.Khi gan bị viêm và tổn thương mà không được điều trị tốt và có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học viêm gan sẽ tiến triển thành xơ gan và dẫn đến chai gan.
Theo các thống kê, những người nghiện rượu nặng có tỷ lệ mắc các bệnh về gan và chai gan rất lớn. Bên cạnh đó, viêm gan do virus viêm gan B, C cũng là những tác nhân cực kỳ nguy hiểm có thể dẫn đến bệnh chai gan.
Các chuyên gia gan mật cũng cho biết, có một tỷ lệ bệnh nhân chai gan do từng mắc bệnh sốt rét hoặc ngộ độc hóa chất, độc tố có trong môi trường (như arsenic). Thuốc dùng trong điều trị một số bệnh cũng có thể làm ngộ độc gan gây xơ gan dẫn tới chai gan như: Thuốc ức chế miễn dịch, một số thuốc điều trị loạn nhịp tim…
Một số triệu chứng để nhận biết bệnh chai gan là: Mệt mỏi, chán ăn, người gầy sút cân, hay buồn nôn, mệt mỏi, vàng da, vàng mắt, ngứa, nước tiểu màu sẫm… Một số trường hợp nặng còn có triệu chứng chảy máu đường tiêu hóa, chảy máu thực quản, đi ngoài phân đen, nôn ra máu đen…
Chữa bệnh chai gan như thế nào? Người bệnh cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo những chỉ định của bác sĩ.
Người bị chai gan cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, lành mạnh. Tăng cường hàm lượng rau xanh các loại củ quả tốt cho gan và hạn chế những đồ ăn nhiều dầu mỡ… Tuyệt đối không uống rượu, hút thuốc lá. Nghỉ ngơi hợp lý kết hợp với tập luyện để tăng cường sức khỏe.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh