✴️ Có polyp ở túi mật cần tiến hành điều trị khi nào?

Nội dung

Có polyp ở túi mật là tình trạng khá phổ biến nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về loại bệnh lý này. Chắc hẳn, không ít người thắc mắc vì sao có những trường hợp có thể chung sống “hòa bình” với polyp túi mật cả đời, nhưng cũng có người phải điều trị ngay thậm chí là phẫu thuật. Hãy cùng tìm hiểu ngay.

 

1. Polyp túi mật là gì?

Polyp túi mật hay còn được gọi cách khác là u nhú niêm mạc tuyến túi mật. Đây là một dạng tổn thương u hoặc giả u, hình thành và phát triển trên bề mặt niêm mạc của túi mật. Polyp túi mật có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, không phân biệt nam nữ hay chủng tộc

Bệnh thường phát triển âm thầm mà không bộc lộ các triệu chứng rõ ràng nên hầu hết các trường hợp bệnh đều được tình cờ phát hiện thông qua sàng lọc khám sức khỏe định kỳ hoặc qua kiểm tra một bệnh khác ở ổ bụng.

Đặc điểm của polyp túi mật

Các hình thái tổ chức u nhú ở các vị trí khác nhau sẽ có bản chất khác nhau nên u có thể là lành tính hoặc không lành tính (dạng ung thư). Thông thường sẽ có tới hơn 90% các trường hợp polyp đều là lành tính. Phần còn lại là polyp túi mật ác tính hoặc các trường hợp từ lành tính phát triển thành ác tính cũng có thể xảy ra.

Số lượng và kích thước của polyp cũng khá phong phú nhưng hầu hết là trường hợp có một polyp trong túi mật, kích thước nhỏ hơn 10mm. Nhưng cũng có các trường hợp cùng lúc có nhiều polyp (đa polyp) trong túi mật hoặc polyp kích thước lớn có thể lên đến 20 – 40mm.

Polyp ở túi mật đa phần là lành tính nhưng vẫn tồn tại trường hợp ác tính hoặc khả nặng tiến triển từ lành tính thành ác tính

 

2. Polyp ở túi mật có tự “biến mất” hay không?

Polyp ở túi mật không thể tự biến mất nếu như không có sự can thiệp từ bên ngoài. Polyp sẽ âm thầm phát triển nhưng với tốc độ và diễn biến khác nhau tùy theo bản chất của polyp.

Với các trường hợp polyp túi mật có bản chất lành tính (không ung thư), hầu như người bệnh sẽ không cần đến bất kỳ sự can thiệp điều trị nào và hoàn toàn có thể chung sống bình thường. Tuy nhiên, người bệnh cần thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ để theo dõi, kiểm soát diễn biến phát triển của polyp, phòng những trường hợp polyp thay đổi bản chất để kịp thời xử lý.

Với trường hợp polyp có kích thước lớn, phần chân lan rộng, xuất hiện nhiều polyp cùng một lúc và phát triển nhanh trong thời gian ngắn thì cần xem xét tới việc điều trị thậm chí là cắt bỏ túi mật. Bởi nếu không loại bỏ, chúng có thể tiến triển thành u ác tính (ung thư) gây nên những hậu quả khôn lường.

 

3. Có polyp ở túi mật khi nào cần điều trị?

Như đã nói ở trên, hầu hết các trường hợp polyp túi mật đều có thể chung sống hòa bình với chúng kết hợp biện pháp điều trị bảo tồn theo hướng dẫn từ bác sĩ. Trong trường hợp polyp phát triển cùng các dấu hiệu nghi ngờ ác tính thì người bệnh nên xem xét biện pháp can thiệp ngoại khoa để thực hiện phẫu thuật cắt bỏ túi mật, tránh những rủi ro sau này.

Trường hợp phát hiện có polyp túi mật có thể điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật cắt bỏ túi mật nếu nghi ngờ polyp ác tính

 

3.1. Điều trị bảo tồn khi có polyp ở túi mật

Nếu khối polyp nhỏ và không làm ảnh hưởng đến cơ thể thì có thể thực hiện theo dõi sự tiến triển của polyp bằng siêu âm, đồng thời kết hợp với việc duy trì thói quen ăn uống sinh hoạt lành mạnh, đúng cách.

Tránh những thực phẩm không tốt cho người bệnh có polyp ở túi mật:

– Các loại đồ ăn chứa nhiều chất béo bão hòa như đồ ăn chiên xào, đồ rán, mỡ động vật, đồ ăn nhanh,…

– Hạn chế thực phẩm nhiều cholesterol như lòng đỏ trứng, phô mai, nội tạng động vật,…

– Hạn chế thức ăn có tỷ lệ tinh bột cao, thức ăn nhiều đường.

Ăn những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe:

– Bổ sung thêm những loại hoa quả, trái cây giàu vitamin B, C, D, E, giàu chất khoáng như chuối, cam, táo, lê,… sẽ giúp nâng cao sức khỏe gan mật.

– Ăn nhiều rau xanh, củ quả giàu chất xơ như rau họ cải, su hào, cà rốt,… sẽ giúp ích cho hệ tiêu hóa, hạn chế đầy bụng, khó tiêu.

– Thay thế chất béo bằng các chất béo thực vật tốt cho sức khỏe như dầu oliu, dầu đậu nành, bơ, lạc, hướng dương,…

– Nên uống sữa không đường hoặc sữa ít đường thay vì các loại sữa béo, sữa ngọt.

3.2. Phẫu thuật cắt bỏ túi mật khi có polyp ở túi mật

Phẫu thuật cắt bỏ túi mật là chỉ định được bác sĩ đưa ra sau khi tiến hành thăm khám chi tiết. Một số dấu hiệu cho thấy, polyp túi mật đang phát triển bất thường và nên được can thiệp phẫu thuật sớm như sau:

– Polyp có chân lan rộng (polyp không cuống).

– Kích thước polyp lớn (thường sẽ lớn hơn 10mm).

– Polyp mặc dù có kích thước nhỏ, nhưng lại mọc thành từng cụm lớn trong túi mật (đa polyp).

– Polyp phát triển nhanh một cách bất thường, lan rộng trên bề mặt niêm mạc hoặc tăng nhanh về số lượng cũng như kích thước chỉ trong một thời gian ngắn.

– Người bệnh trên 50 tuổi phát hiện có polyp.

– Polyp kèm theo các triệu chứng và thường xuyên gây ra tình trạng viêm túi mật.

– Polyp ở người bệnh có viêm xơ đường mật tiên phát hoặc có sỏi túi mật.

Hiện nay, phương pháp phẫu thuật nội soi cắt bỏ túi mật đang rất được ưa chuộng và nhận về nhiều phản hồi tích cực từ người bệnh như ít xâm lấn, ít đau hơn, an toàn và hầu như không để lại sẹo. Người bệnh có thể phục hồi nhanh sau mổ và hầu như không gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Đối với các trường hợp nghi ngờ hoặc phát hiện có polyp ở túi mật, việc đầu tiên cần thực hiện là nhanh chóng tiến hành thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để nắm rõ tình trạng bệnh để có phương án xử lý tốt nhất, đảm bảo không ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như cuộc sống của người bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top