✴️ Co thắt thực quản

Nội dung

Co thắt thực quản là gì?

Co thắt thực quản là chứng rối loạn co giãn cơ trơn ở thực quản gây khó khăn trong việc di chuyển thức ăn xuống dạ dày. Khi bị co thắt thực quản, phần cơ nằm giữa thực quản và dạ dày sẽ không hoạt động và làm thức ăn không trôi xuống được.

Co thắt thực quản không phải là bệnh lý hiếm gặp nhưng vì triệu chứng giống với các bệnh tiêu hóa thông thường khác nên người bệnh thường dễ chủ quan. Bệnh co thắt thực quản gây khó chịu, ảnh hưởng nhiều đến việc ăn uống và quá trình sinh hoạt của bệnh nhân. Co thắt thực quản xuất hiện ở cả nam giới và nữ giới, gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nhất ở người lớn tuổi.

Nguyên nhân gây co thắt thực quản

Nguyên nhân gây co thắt thực quản không xác định được. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ đặt giả thiết là có thể do sự tổn thương hệ thần kinh ở thực quản, nhiễm trùng và di truyền. Hiện nay không có thuốc đặc trị co thắt thực quản, mục tiêu trong việc điều trị là làm giảm triệu chứng và ngăn chặn biến chứng xuất hiện.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc co thắt thực quản?

Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc co thắt thực quản, bao gồm:

  • Ăn uống thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh;

  • Mắc bệnh ợ nóng;

  • Bị trào ngược dạ dày - thực quản.

Triệu chứng thường gặp

Các dấu hiệu và triệu chứng co thắt thực quản bao gồm:

  • Đau ép ngực, thường xuyên căng thẳng, có thể nhầm lẫn với đau thắt ngực;

  • Khó nuốt;

  • Cảm giác một vật mắc kẹt trong cổ họng;

  • Sụt cân vì ăn uống khó khăn hoặc bị đau;

  • Thở khò khè;

  • Ợ nóng, ợ hơi và nôn mửa;

  • Trường hợp nặng có thể dẫn đến hôi miệng.

Triệu chứng co thắt thực quản không đặc trưng nên dễ làm người bệnh chủ quan và nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác của đường tiêu hóa.

          các triệu chứng của co thắt thực quản

Biến chứng có thể gặp khi bị co thắt thực quản

Nếu bệnh không được trị kịp thời có thể sẽ dẫn đến biến chứng:

Chẩn đoán co thắt thực quản

Bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng, khám lâm sàng và thực hiện thêm một số kỹ thuật để hỗ trợ chẩn đoán bao gồm:

  • Chụp X-quang kết hợp nuốt bari: Kiểm tra mức độ hẹp của cơ thắt thực quản dưới và độ rộng của cơ thực quản trên.

  • Dùng phương pháp đo lường áp suất trong thực quản để xác định cơ ở thực quản có hoạt động hay không và mức độ tăng áp ở cơ vòng thực quản dưới.

  • Nội soi cũng có thể được sử dụng để kiểm tra xem cơ vòng có co chặt lại hay không.

  • Đo áp lực thực quản và đặt một ống mỏng thông qua mũi hoặc miệng vào thực quản để đo hiệu quả của các cơ thực quản trong quá trình nuốt.

  • Ngoài ra, để kiểm tra dấu hiệu khối u, bác sĩ có thể yêu cầu sinh thiết.

Phương pháp điều trị co thắt thực quản

Nếu co thắt thực quản không xảy ra thường xuyên có thể không cần điều trị. Tình trạng đau ngực có thể đi kèm với co thắt thực quản nhưng thường có xu hương biến mất sau vài phút. Cần chú ý đến nguyên nhân gây ra co thắt thực quản để có thể phòng tránh. Điều trị co thắt thực quản chủ yếu là làm giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng, bao gồm:

  • Điều trị dứt điểm những nguy cơ gây ra co thắt thực quản như ợ nóng, trào ngược dạ dày.

  • Điều trị các rối loạn tâm lý cơ bản, chẳng hạn như lo âu hay trầm cảm, cũng có thể giúp làm giảm co thắt thực quản.

  • Bác sĩ có thể tiêm botox (botulinum toxin) vào cơ vòng làm căng thực quản.

  • Phẫu thuật có thể là một lựa chọn nếu phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả. Phẫu thuật bằng cách cắt một số các cơ gây co thắt thực quản, làm cho cơn co thắt thực quản yếu hơn.

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.

Thực hiện chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt tốt có thể giúp hạn chế diễn tiến của co thắt thực quản như:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Ăn và nhai chậm.

  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Tránh những chất kích thích.

  • Chọn thực phẩm ấm hoặc làm mát bằng nước, không dùng khi quá nóng hoặc quá lạnh. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng. Co thắt thực quản có thể phổ biến hơn hoặc nghiêm trọng hơn khi bị stress.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top