✴️ Một số chẩn đoán khi đau bụng bên phải

Nội dung

Vùng bụng của cơ thể con người gồm những thành phần nào?

Theo y học, vùng bụng của con người gồm 9 phần sau:

  • Vùng trên rốn: Dạ dày, đại tràng ngang, tụy, thùy gan trái
  • Vùng quanh rốn: Ruột non
  • Vùng dưới rốn: Bàng quang, tử cung
  • Vùng dưới sườn phải: Tá tràng, gan, túi mật, thận phải
  • Vùng mạn sườn phải: Đại tràng trên, niệu quản phải
  • Hố chậu trái: Đại tràng sigma, vòi trứng và buồng trứng.

Các cơ quan thuộc vùng bụng cơ thể con người

Việc hiểu rõ vị trí các cơ quan thuộc vùng bụng sẽ giúp chẩn đoán chính xác các bệnh lý liên quan. Vì vậy, khi gặp triệu chứng đau bụng không rõ nguyên nhân, người bệnh nên tới bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa kiểm tra, thăm khám và có phương pháp điều trị thích hợp.

Nguyên nhân đau bụng bên phải

Đau bụng bên phải phía trên

Nếu bạn thường xuyên có cơn đau quặn xuất hiện ở vùng bụng bên phải phía trên thì cần thăm khám ngay bởi cơn đau tại vị trí này có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nghiêm trọng sau:

  • Bệnh ở gan

Đau bụng bên phải có thể là triệu chứng cảnh báo bệnh viêm gan hay nghiêm trọng hơn là ung thư gan. Cơn đau do các bệnh lý về gan thường nhẹ, âm ỉ tại ổ bụng phải. Trường hợp bệnh nặng có thể kèm một số triệu chứng khác như sụt cân không rõ nguyên nhân, vàng mắt, vàng da, ăn không ngon miệng, mệt mỏi, suy nhược.

Đau bụng bên phải có thể là triệu chứng cảnh báo các bệnh về gan

  • Tắc – nhiễm trùng ống mật, túi mật

Tình trạng tắc – nhiễm trùng ống mật, túi mật thường xuất hiện đồng thời với biểu hiện đau quặn, đau nhói tại vùng bụng bên phải, đau chấn thủy. Cơn đau sẽ xuất hiện từng đợt, mỗi đợt tái phát đều nghiêm trọng và dữ dội hơn đợt trước.

Những dấu hiệu giúp nhận biết nhiễm trùng ống mật, túi mật:

  • Rối loạn tiêu hóa
  • Thở nhanh, đánh trống ngực
  • Đau bụng bên phải
  • Sốt

Dấu hiệu nhận biết tắc ống mật, túi mật:

  • Phân thải ra có màu bạc
  • Kết mạc mắt vàng
  • Da vàng sẫm
  • Nước tiểu có màu vàng như trà đặc
  • Ngứa da
  • Đau dưới sườn phải (vùng bụng trên bên phải) kèm buồn nôn, nôn ói, sốt.
  • Đau ruột già

Bị đau ruột già sẽ có cảm giác trướng bụng, một phần của ruột già cuộn lại, có thể kèm theo tiêu chảy hoặc táo bón. Người bệnh sẽ bớt cảm giác khó chịu, nhẹ bụng hơn sau khi trung tiện.

Bị đau ruột già sẽ có cảm giác trướng bụng kèm rối loạn tiêu hóa

  • Đau thận phải

Đau lưng bên phải tiến triển và lan rộng đến vùng bụng là dấu hiệu cảnh báo chứng đau thận phải. Người bệnh cần sớm thăm khám và điều trị bởi tình trạng này có thể là triệu chứng một số bệnh lý nghiêm trọng gồm sỏi thận, viêm bể thận…

Đau bụng bên phải phía dưới

  • Viêm ruột thừa

Đau bụng quanh rốn, đau bụng bên phải phía dưới là một trong những triệu chứng cảnh báo sớm bệnh viêm ruột thừa. Đây là bệnh lý cần được điều trị y tế ngay lập tức dự phòng tình trạng vỡ ruột thừa dẫn đến tử vong.

 Một số triệu chứng giúp nhận biết bệnh viêm ruột thừa:

  • Đau âm ỉ tại vùng bụng quanh rốn, cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng và nặng nề hơn về các đợt sau.
  • Đau thắt, đau nhói khi vận động mạnh, ho kèm theo biểu hiệu sốt.
  • Cảm giác đau nhói quanh rốn hoặc đau nhói, quặn thắt tại vùng bụng bên phải phía dưới.
  • Cảm giác buồn nôn, nôn ói, rối loạn tiêu hóa, phình bụng.

​​​​​​​

Đau bụng bên phải phía dưới là một trong những triệu chứng cảnh báo sớm bệnh viêm ruột thừa

  • Bệnh viêm đại tràng

Nếu cơn đau bụng xuất phát ở bên phải, phía dưới thì có thể tổn thương tồn tại ở gần manh tràng. Ngoài tình trạng đau nhói ở bụng dưới bên phải, người bệnh sẽ gặp phải một số triệu chứng khó chịu sau:

  • Mệt mỏi, suy nhược, ăn ngủ kém
  • Suy giảm trí nhớ, sốt, hay cáu giận
  • Rối loạn đại tiện, đau hậu môn sau khi đi ngoài
  • Đi ngoài phân có máu
  • Ấn tay vào hố chậu phát ra tiếng óc ách, đau khi ấn dọc khung đại tràng.
  • Viêm bàng quang

Một trong những triệu chứng của viêm bàng quang là hình thành cơn đau bụng bên phải phía dưới. Ngoài ra, bệnh viêm bàng quang cũng có những dấu hiệu sau:

  • Tiểu buốt, nước tiểu có mủ ở cuối bãi, tiểu máu
  • Đau nhẹ vùng trên khớp mu, bên phải bụng phía dưới khi bàng quang có dấu hiệu căng.
  • Đối với phụ nữ cơn đau có thể lan rộng sang âm hộ, niệu đạo. Khi tiểu xong, cảm giác đau thường giảm hoặc hết.
  • Tiểu nhiều lần trong ngày, sốt.

Ở nữ giới, đau bụng dưới bên phải là triệu chứng của một số bệnh lý như:

  • Đau bụng kinh: Cơn đau xuất phát từ bụng dưới bên phải trong hoặc trước thời kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, đây là hiện tượng này hết sức bình thường.
  • Mang thai ngoài tử cung: Cơn đau dữ dội và nghiêm trọng xảy ra ở vùng bụng dưới. Cơn đau có thể xuất hiện ở bên phải hoặc bên trái bụng.
  • Viêm ống dẫn trứng: Viêm ống dẫn trứng khiến bệnh nhân bị đau tại bụng dưới bên phải. Cơn đau sẽ trở nên nặng nề hơn khi giao hợp.
  • U nang buồng trứng: U nang buồng trứng phải sẽ gây ra triệu chứng đau bụng dưới bên phải hoặc đau bên trái khi bị u nang buồng trứng trái.

​​​​​​​

Những cơn đau bụng xuất hiện trong kỳ kinh nguyệt có thể là do bệnh lạc nội mạc tử cung

  • Lạc nội mạc tử cung: Trong thời kỳ kinh nguyệt, những cơn đau bụng xuất hiện là do bệnh lạc nội mạc tử cung. Nguyên nhân của tình trạng này là do các tế bào trong tử cung di chuyển và lạc ra ngoài, bám bên ngoài tử cung nhưng vẫn phát triển, khiến máu kinh ra nhiều, bụng đau dữ dội.
  • U xơ tử cung: Đau tức vùng bụng dưới âm ỉ, máu kinh ra nhiều và rối loạn kinh nguyệt là những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh u xơ tử cung. Những u xơ này lành tính và hình thành ở nhiều vị trí khác nhau trong tử cung.
  • Ung thư buồng trứng: Ung thư buồng trứng khiến bệnh nhân thường xuyên bị đau bụng dưới bên phải hoặc trái, đau dữ dội, có nguy cơ cao cắt bỏ buồng trứng.
  • Viêm vùng chậu: Cơn đau bụng dưới bên phải có thể xuất hiện do viêm vùng chậu hoặc viêm nhiễm một số cơ quan sinh dục khác như tử cung, vòi trứng, buồng trứng…

Ở nam giới, đau bụng phải có thể là dấu hiệu của các bệnh như:

  • Xoắn tinh hoàn

Cơn đau lưng xảy ra khi tinh hoàn xoay chuyển hoặc xoắn thừng tinh, làm giảm lưu lượng máu tới tinh hoàn dẫn đến đau đột ngột và sưng ở bìu. Tình trạng này cũng có thể gây ra triệu chứng đau bụng.

  • Thoát vị bẹn

Thoát vị bẹn xảy ra khi một phần của ruột hoặc mỡ mạc treo xuyên qua khu vực yếu của thành bụng đến hai bên của ống bẹn, tạo ra một chỗ phình. Ở nam giới thường gặp nhiều nhất gần khu vực chậu ở một bên hoặc cả hai bên.

Đau bụng dưới bệnh phải có thê do thoát vị bẹn gây ra

Các triệu chứng người bệnh gặp thoát vị bẹn thường gặp phải: Đau, rát, có tiếng sôi bụng ở chỗ phình; đau nhói khi nâng vật nặng, ho, vặn mình hoặc tập thể dục… Những trường hợp này bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật.

Điều trị đau bụng bên phải như thế nào?

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau bụng bên phải sẽ có phác đồ điều trị riêng cho từng người bệnh.

Nếu bị nhiễm trùng, người bệnh phải dùng kháng sinh để điều trị theo phác đồ của bác sĩ.

Nếu đau bụng dưới bên phải do viêm ruột thừa, viêm bàng quang, thai ngoài tử cung, u nang buồng trứng, viêm ống dẫn trứng… cần phải đi khám và tiến hành phẫu thuật sớm.

Đau bụng dưới bên phải nếu xuất hiện theo từng đợt và dễ tái phát có thể là dấu hiệu của bệnh về đại tràng. Người bệnh cần thực hiện nội soi để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp điều trị thích hợp…

Khi bị đau bụng không rõ nguyên nhân, người bệnh nên tới gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Không tự ý mua thuốc về uống bởi có thể khiến bệnh thêm nặng hơn, dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.

Xem thêm: Đau bụng vào buổi sáng - 16 nguyên nhân thường gặp

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top