1. Sỏi mật và viêm túi mật
Ở người lớn, sỏi mật là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra triệu chứng đau bụng trên bên phải. Sỏi mật có thể không gây ra triệu chứng, nhưng trong một số trường hợp sẽ gây đau quặn bụng trên bên phải, xảy ra ngay sau khi ăn một bữa ăn quá nhiều chất béo. Sau đó, tình trạng nhiễm trùng có thể xảy ra (viêm túi mật) khiến bạn đau bụng dai dẳng hơn kèm theo triệu chứng sốt cao.
2. Sỏi thận và nhiễm trùng thận
Sỏi thận và nhiễm trùng thận có thể là nguyên nhân khiến bạn bị chứng đau bụng trên bên phải. Cơn đau thường xuất hiện tại vị trí mạn sườn và sau lưng, nhưng đôi khi sẽ lan đến bụng hoặc xuống háng. Đau do sỏi thận rất dữ dội, theo từng cơn và kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Đau do nhiễm trùng thận thường đi kèm các triệu chứng khác như sốt, đau khi đi tiểu hoặc đi tiểu thường xuyên hơn.
3. Đau bụng trên bên phải do bệnh zona
Trong một số trường hợp, bạn có thể bị đau bụng do bệnh zona trước khi mụn nước xuất hiện. Cơn đau nhói hoặc gây cảm giác bỏng rát. Phần bụng trên bên phải là vùng bị zona rất thường xuyên.
Một vài trường hợp bạn có thể tiếp tục bị đau bụng sau khi đã hết triệu chứng bệnh zona. Đây được gọi là chứng đau dây thần kinh sau zona.
4. Vấn đề về gan
Gan chiếm một phần lớn ở vùng bụng phía trên bên phải. Vì vậy, đây cũng là vị trí đau gan đáng được lưu tâm. Chúng có thể bao gồm:
- Viêm gan. Tình trạng nhiễm trùng do viêm gan có thể dẫn đến vàng da, sốt, mệt mỏi cùng với cơn đau nhói bụng trên bên phải. Có một số loại bệnh viêm gan phổ biến như viêm gan A, viêm gan B và viêm gan C.
- Áp xe. Đây là hiện tượng tụ mủ xung quanh gan hoặc dưới xương sườn, gây đau hạ sườn phải, nhức mỏi và sốt.
- Suy giảm chức năng gan do uống quá nhiều rượu. Uống quá nhiều rượu trong thời gian dài có thể làm suy giảm chức năng gan, gây vàng da và khiến bạn bị đau gan.
- Ung thư gan. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, đau bụng cũng có thể là triệu chứng của ung thư gan. Ung thư gan có thể bắt đầu từ gan hoặc do lây lan từ các bệnh ung thư ở các khu vực khác trong cơ thể.
5. Đau bụng trên bên phải do vấn đề về đường ruột
- Loét tá tràng. Cơn đau do loét tá tràng thường xuất hiện vài giờ sau khi ăn và có thể được cải thiện bằng cách dùng thuốc kháng axit. Mức độ đau thường tăng dần theo thời gian. Khi bệnh nghiêm trọng thì có thể gây nôn ra máu và cần được cấp cứu kịp thời.
- Viêm dạ dày ruột. Đau xảy ra khắp bụng hoặc đau nhiều hơn ở vùng giữa bụng. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cơn đau có thể xảy ra ở vùng bụng bên phải phía trên. Các triệu chứng khác đi kèm có thể là tiêu chảy, nôn mửa hoặc sốt nhẹ.
- Khó tiêu. Chứng khó tiêu đôi khi gây đau tức vùng bụng trên bên phải, kèm theo đầy hơi và trào ngược axit trong dạ dày.
- Bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Các tình trạng bệnh mạn tính như bệnh Crohn và viêm loét đại tràng có thể làm phát sinh cơn đau ở bất kỳ vị trí nào trong bụng, trong đó có vùng phía trên bên phải. Các triệu chứng khác đi kèm bao gồm phân lỏng, đôi khi có máu.
- Hội chứng ruột kích thích. Nguyên nhân này rất ít gặp nhưng vẫn có thể xảy ra. Cơn đau liên tục và thường kèm theo các triệu chứng như đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón.
6. Các nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân phổ biến đã được liệt kê ở trên còn có một số thủ phạm ít gặp khác như:
- Nhồi máu cơ tim: biểu hiện thường thấy là đau ngực, lan ra phía trên cổ, hàm, bả vai và cánh tay trái hoặc tức ngực. Đôi khi, chúng cũng gây đau bụng trên bên phải kèm theo đổ mồ hôi hoặc khó thở.
- Viêm phổi: nếu nhiễm trùng ở phần dưới của phổi phải, bạn có thể cảm thấy đau vùng bụng trên phía bên phải. Các loại nhiễm trùng ngực khác như viêm màng phổi đôi khi cũng khiến bạn đau tức ngực đến mức có cảm giác như đau bụng.
- Vấn đề với tuyến tụy: viêm tụy hoặc ung thư tuyến tụy là những vấn đề với tuyến tụy khá phổ biến. Thông thường, các vấn đề về tuyến tụy khiến bạn đau nhiều hơn ở phần giữa bụng trên, từ đó lan ra phần lưng giữa hai xương bả vai. Nhưng trong một số trường hợp nó cũng gây đau bụng.
- Nhiễm toan ceton do tiểu đường: đây là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường, có triệu chứng đau bụng.
- Vấn đề với dây thần kinh cột sống: khi dây thần kinh cột sống bị kích thích hoặc bị chèn ép, có thể gây đau ở bất kỳ khu vực nào mà dây thần kinh đó chi phối, trong đó có đau ở vùng bụng bên phải phía trên.
Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân hiếm gặp khác như hội chứng Budd-Chiari, suy tuyến thượng thận, mang thai…
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Nếu cơn đau không thuyên giảm, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tìm ra nguyên nhân. Ngoài ra, bạn nên đến gặp bác sĩ nếu:
- Vàng da.
- Nước tiểu sẫm màu hơn và phân nhạt màu hơn.
- Cơn đau trở nên nghiêm trọng và không thuyên giảm theo thời gian.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Nôn ra máu, hoặc có máu trong phân.
- Sốt cao, co giật.
- Khó thở.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp