✴️ Ý nghĩa của xét nghiệm tầm soát ung thư gan trong khám chữa bệnh

Nội dung

1. Ý nghĩa của xét nghiệm tầm soát ung thư gan

Tầm soát ung thư gan là việc thăm khám, xét nghiệm nhằm tìm kiếm dấu hiệu hoặc tế bào ung thư gan bất thường, từ đó can thiệp điều trị, ngăn ngừa chúng phát triển. Ung thư nói chung và ung thư gan nói riêng là căn bệnh khó điều trị, diễn biến phức tạp và gây tỉ lệ tử vong cao. 

Vì thế tầm soát sàng lọc ung thư sớm đem lại rất nhiều lợi ích cho việc điều trị như:

1.1. Phát hiện sớm ung thư gan hoặc tế bào bất thường

Phát hiện ung thư gan càng sớm, khả năng điều trị khỏi bệnh càng cao. Khi cơ thể đã bắt đầu xuất hiện triệu chứng, nhất là khi ung thư gan di căn, tiến triển nặng thì tỷ lệ tử vong rất cao.

1.2. Phát hiện yếu tố nguy cơ và ngăn ngừa bệnh

Tầm soát ung thư gan cũng giúp phát hiện các yếu tố nguy cơ gây bệnh, từ đó bác sỹ có thể tư vấn biện pháp kiểm soát các yếu tố đó, ngăn ngừa chúng phát triển thành ung thư.

Vì thế, tầm soát, sàng lọc ung thư là giải pháp được khuyến cáo nhằm giảm số người mắc bệnh và số người tử vong vì căn bệnh này. Bước đầu tiên trong tầm soát ung thư gan là khám lâm sàng, bác sĩ sẽ tìm kiếm triệu chứng và các yếu tố nguy cơ của bệnh lý ung thư gan như: tiền sử bệnh gan, tiền sử bệnh gia đình, đặc điểm công việc, giới tính, tuổi tác,… Từ đó có thể đánh giá nguy cơ mắc bệnh ung thư và chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán tầm soát phù hợp.

2. Các chỉ số quan trọng trong xét nghiệm tầm soát ung thư gan

Xét nghiệm tầm soát ung thư gan sẽ tìm kiếm các dấu hiệu bệnh trong máu bệnh nhân bao gồm:

2.1. Chỉ số AFP

Đây là một loại protein được tế bào gan thai thi tiết ra, sau khi sinh và trưởng thành nồng độ chất này trong máu giữ mức ổn định. Tuy nhiên ở khoảng 70% bệnh nhân ung thư gan, chỉ số AFP trong máu tăng cao. 

Vì thế xét nghiệm chỉ số AFP cũng được thực hiện để sàng lọc ung thư gan, tuy nhiên cần kết hợp các thông tin chẩn đoán khác vì có những bệnh nhân mắc bệnh nhưng không tăng AFP trong máu hoặc AFP tăng cao do bệnh lý về gan khác.

2.2. Chỉ số AFP-L3

Đây là chất đồng đẳng dạng 3 của AFP, được sinh ra bởi các tế bào gan ác tính, liên hệ với bệnh lý ung thư gan. Tỉ lệ AFP-L3 so với tổng nồng độ AFP bất thường cho thấy nguy cơ mắc bệnh cao.

Vì thế xét nghiệm AFP-L3 trong máu là một trong các xét nghiệm tầm soát ung thư gan quan trọng.

2.3. Chỉ số DCP

DCP là yếu tố đông máu được sản xuất bởi các khối u gan do thiếu Vitamin K của Prothrombin, nồng độ chất này thường tăng lên khi mắc ung thư gan. Ngoài ra, xét nghiệm này còn được chỉ định nhằm đánh giá kích thước khối u, kiểm tra ung thư xâm lấn. Nếu sau điều trị, nồng độ DCP giảm nhanh cho thấy phương pháp điều trị đạt hiệu quả tốt, nếu nó tăng trở lại thì khả năng bệnh tái phát hoặc điều trị thất bại.

Khi thực hiện 3 xét nghiệm tầm soát ung thư gan trên, nếu kết quả bất thường, bác sĩ thường chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm đánh giá chức năng khác để chẩn đoán bệnh chính xác.

Các chỉ số quan trọng trong xét nghiệm tầm soát ung thư gan

2.4. Một số phương pháp tầm soát ung thư gan hiệu quả khác

Ngoài xét nghiệm máu, tầm soát ung thư gan có thể thực hiện bằng những phương pháp khác như:

Siêu âm

Đây là phương pháp tầm soát ung thư gan phổ biến nhất hiện nay vì thực hiện đơn giản, chi phí thấp, an toàn với bệnh nhân, giúp phát hiện khoảng 70 - 87% trường hợp mắc bệnh. Ngoài kiểm tra ung thư gan, siêu âm cũng giúp phát hiện các bệnh lý về gan khác có nguy cơ tiến triển như: xơ gan, viêm gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa.

Mức độ tổn thương trên cấu trúc bề mặt gan là dấu hiệu ung thư gan có thể phát hiện sớm, khi bệnh nhân chưa có các triệu chứng bệnh rõ ràng. Trong tầm soát ung thư gan, siêu âm gan và xét nghiệm AFP trong máu thường được chỉ định kết hợp.

Sinh thiết gan

Đây là phương pháp tầm soát, chẩn đoán ung thư gan hiệu quả, chính xác, tuy nhiên chỉ được chỉ định trong các trường hợp nghi ngờ, kết quả kiểm tra khác bất thường. Nguyên nhân do sinh thiết gan là kỹ thuật xâm lấn gây đau đớn, nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu cho bệnh nhân. 

Chụp cộng hưởng tử và chụp cắt lớp phân giải cao

Siêu âm gan có nhiều hạn chế về độ phân giải, khó phát hiện các khối u ung thư gan nhỏ giai đoạn khởi phát. Trong khi đó chụp cộng hưởng từ MRI và chụp cắt lớp phân giải cao cho phép xác định khối u nhỏ cỡ 1cm, chẩn đoán ung thư gan và giai đoạn bệnh chính xác. 

Như vậy, hầu hết các phương pháp tầm soát ung thư gan này thường được chỉ định thực hiện kết hợp với xét nghiệm sàng lọc cho kết quả chính xác nhất, tránh bỏ sót trường hợp.

3. Đối tượng có nguy cơ cao nên xét nghiệm tầm soát ung thư gan

Hiện nay, các xét nghiệm tầm soát ung thư gan được thực hiện chủ yếu theo chỉ định của bác sĩ với các trường hợp có yếu tố nguy cơ mắc bệnh cao. Những đối tượng này bao gồm:

  • Bệnh nhân viêm gan mạn tính, xơ gan: đây là đối tượng có nguy cơ cao nhất tiến triển thành ung thư gan, cần xét nghiệm tầm soát thường xuyên để tránh phát triển thành bệnh.
  • Người mắc bệnh chuyển hóa di truyền như: ứ đọng Glycogen, thiếu hụt alpha-1 antitrypsin, bệnh quá tải sắt, bệnh tyrosin máu hoặc bệnh porphyrin da.
  • Viêm gan tự miễn.
  • Gan nhiễm mỡ không do rượu.
  • Xơ gan ứ mật mạn tính.

Với những đối tượng có nguy cơ cao này từ 21 - 75 tuổi, các bác sĩ chuyên khoa khuyên bệnh nhân nên tầm soát ung thư gan bằng siêu âm gan và xét nghiệm AFP máu 6 tháng một lần. Các xét nghiệm tầm soát ung thư gan khác sẽ được xem xét chỉ định. 

Xem thêm: Men gan - Tổng quan và giá trị trong ngưỡng dùng để tham chiếu

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top