✴️ Điều trị ung thư dạ dày như thế nào?

1. Nguyên tắc điều trị ung thư dạ dày:

Điều trị ung thư dạ dày cần phải đảm bảo các nguyên tắc điều trị chung sau:

  • Phải chẩn đoán xác định bệnh ung thư dạ dày bằng mô bệnh học. Cần phân biệt với các bệnh lý dạ dày khác như viêm loét dạ dày, polyp dạ dày.
  • Cần chẩn đoán giai đoạn bệnh để lựa chọn phương pháp điều trị và xác định mục tiêu thích hợp. Mỗi giai đoạn bệnh có các mục tiêu điều trị khác nhau.
  • Điều trị kết hợp các bệnh lý khác nếu có. Thận trọng tìm các chống chỉ định của phương pháp điều trị ung thư.
  • Tư vấn cho bệnh nhân về tình trạng bệnh và các phương pháp điều trị phù hợp. Phải luôn tôn trọng quyết định của bệnh nhân về phương pháp điều trị.
  • Lập kế hoạch điều trị dựa trên giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe và nguyện vọng của người bệnh.
  • Theo dõi để phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng trong quá trình điều trị.

2. Các phương pháp điều trị ung thư dạ dày:

Các phương pháp điều trị ung thư dạ dày đang được áp dụng hiện nay là:

  • Phương pháp phẫu thuật.
  • Điều trị hóa chất.
  • Điều trị tia xạ.
  • Điều trị đích.

2.1. Phương pháp phẫu thuật:

Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính trong ung thư dạ dày.

a. Chỉ định và chống chỉ định của phương pháp phẫu thuật:

Phương pháp phẫu thuật có thể được chỉ định cho tất cả các giai đoạn ung thư dạ dày. Mục đích của phẫu thuật là:

  • Loại bỏ toàn bộ khối ung thư.
  • Cắt rộng phần mô lân cận khối u.
  • Nạo vét hạch vùng lân cận nhiều nhất có thể.
  • Ở giai đoạn muộn, phẫu thuật nhằm cải thiện triệu chứng và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Bên cạnh đó, những trường hợp không được phẫu thuật, gọi là chống chỉ định phẫu thuật là:

  • Bệnh nhân có bệnh lý về máu như thiếu máu, rối loạn đông máu…
  • Bệnh nhân có các bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường,… cần điều trị ổn định các bệnh này trước phẫu thuật.

b. Các kỹ thuật phẫu thuật:

Cắt bỏ khối ung thư và các phần mô lân cận.

  • Cắt các khối u bằng nội soi dạ dày. Phương pháp này được chỉ định cho ung thư ở giai đoạn sớm, khối u chưa xâm lấn vào lớp cơ dạ dày. Nội soi dạ dày là kỹ thuật ít đau và chảy máu, người bệnh không phải chịu một cuộc mổ lớn.
  • Cắt dạ dày một phần. Bác sĩ sẽ cắt bỏ một phần của dạ dày, sau đó nối phần dạ dày còn lại với một quai ruột non để đường tiêu hóa được lưu thông.
  • Cắt dạ dày toàn bộ. Dạ dày sẽ bị cắt hoàn toàn. Sau đó, thực quản được nối trực tiếp với ruột non.

Nạo vét các hạch bạch huyết.

  • Bác sĩ phẫu thuật sẽ nạo vét nhiều nhất có thể hạch bạch huyết ở bụng.
  • Sau đó hạch được xét nghiệm giải phẫu bệnh để tìm có hạch di căn không.

Ở giai đoạn muộn,phẫu thuật giải quyết các triệu chứng như hẹp môn vị, chảy máu… cho người bệnh.

Các phương pháp điều trị ung thư dạ dày

c. Một số biến chứng của phương pháp phẫu thuật:

  • Chảy máu và nhiễm trùng sau mổ.
  • Các vấn đề về tiêu hóa, như tiêu chảy, nôn, buồn nôn, khi cắt dạ dày toàn bộ hoặc một phần.
  • Thiếu máu do thiếu Vitamin K ở những người cắt dạ dày toàn bộ.
  • Hẹp miệng nối giữa dạ dày và ruội non, hoặc miệng nối thực quản và ruột non. Tắc ruột sau mổ.
  • Tái phát ung thư.

2.2. Điều trị hóa chất:

Điều trị hóa chất là phương pháp dùng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư.

Chỉ định của phương pháp điều trị bằng hóa chất:

  • Trước phẫu thuật, nhằm thu nhỏ khối u, tạo điều kiện thuận lợi để cắt bỏ.
  • Sau khi phẫu thuật, để tiêu diệt các tế bào ung thư có thể còn sót lại trong cơ thể.
  • Ở giai đoạn muộn, điều trị hóa chất giúp làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh, giúp cải thiện chất lượng sống của người bệnh.

Người bệnh được uống hoặc truyền hóa chất điều trị ung thư. Hóa chất sẽ đi khắp cơ thể, tiêu diệt hoặc làm chậm quá trình phát triển của tế bào ung thư.

Một số loại hóa chất đang được dùng là: 5FU, cisplatin, paclitaxel…

Tác dụng phụ của hóa trị tùy thuộc vào loại thuốc được sử dụng. Một số tác dụng phụ có thể gặp phải là:

  • Nôn, buồn nôn. Người bệnh được dùng thuốc chống nôn trước và sau khi dùng hóa chất.
  • Rụng tóc. Sau khi dừng điều trị hóa chất, tóc của bệnh nhân có thể mọc lại.
  • Suy tủy, hạ bạch cầu là các tác dụng phụ nghiêm trọng.

2.3. Điều trị bằng tia xạ:

Điều trị tia xạ là phương pháp sử dụng chùm năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư.

Vai trò của điều trị tia xạ trong ung thư dạ dày còn nhiều hạn chế. Một số chỉ định của điều trị tia xạ là:

  • Điều trị bằng tia xạ có thể kết hợp với điều trị hóa chất trong trường hợp ung thư dạ dày tiến triển tại chỗ mà bệnh nhân không thể phẫu thuật. Mục đích là để kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.
  • Điều trị tia xạ ở giai đoạn muộn để giảm nhẹ các triệu chứng như chảy máu, hẹp môn vị, đau đớn… cho người bệnh.

Một số biến chứng của điều trị tia xạ là:

  • Đỏ da, thậm chí bỏng rát sau khi chiếu xạ.
  • Người bệnh mệt mỏi, nôn, buồn nôn.
  • Suy tủy, hạ bạch cầu.
  • Viêm phổi, xơ phổi do tia xạ.

2.4. Điều trị đích:

Đây là phương pháp điều trị mới trong điều trị ung thư. Các thuốc điều trị đích sẽ nhận diện và tấn công vào tế bào ung thư mà không gây hại tới tế bào lành.

Các thuốc điều trị đích đang được sử dụng là: Trastuzumab, Bevacizumab…

3. Điều trị ung thư dạ dày theo giai đoạn:

Cần hiểu rằng ung thư dạ dày là bệnh của toàn cơ thể, chứ không phải chỉ riêng dạ dày. Do đó, để điều trị có hiệu quả thì cần phối hợp các phương pháp. Tùy theo giai đoạn bệnh mà lựa chọn các phương pháp điều trị thích hợp.

  • Điều trị phẫu thuật trước, sau đó dùng hóa chất. Điều trị hóa chất giúp tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại tại chỗ mà phẫu thuật chưa giải quyết hết. Đồng thời hóa chất còn tiêu diệt các tế bào ung thư đang lang thang khắp cơ thể. Giúp giảm tỷ lệ tái phát và di căn.
  • Điều trị hóa chất trước, sau đó phẫu thuật. Điều trị hóa chất đã làm nhỏ khối u, tạo thuận lợi cho phẫu thuật có thể lấy được hết khối u. Cuộc mổ diễn ra thuận lợi, người bệnh sẽ bình phục nhanh hơn.
  • Điều trị ung thư dạ dày giai đoạn cuối: có thể kết hợp cả 3 phương pháp hóa chất, tia xạ và phẫu thuật nhằm giúp bệnh nhân giảm các triệu chứng khó chịu.

Với sự phát triển của y học, bài toán điều trị ung thư dạ dày như thế nào đã dần có lời giải. Người bệnh có quyền hy vọng về một tương lai không xa, khi chúng ta có thể chiến thắng được bệnh ung thư dạ dày.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top