✴️ Hội chứng ruột kích thích có chữa khỏi được không?

Nội dung

 

1. Tổng quan về hội chứng ruột kích thích

Hình minh họa bệnh IBS

 

1.1. Bản chất bệnh

– Bệnh còn có tên gọi khác là viêm đại tràng co thắt, bệnh đại tràng thần kinh, bệnh co thắt đại tràng, bệnh đại tràng co thắt.

– Các dấu hiệu đặc trưng thường gặp là đầy bụng, đau bụng, rối loạn đại tiện. Ví dụ: thay đổi thói quen đại tiện, thay đổi tính chất phân.

– Tần suất xảy ra triệu chứng trung bình ít nhất một ngày mỗi tuần và ngày càng rõ rệt trong khoảng 3 tháng gần nhất.

– Nhìn chung, các triệu chứng này gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và quá trình làm việc, lao động.

1.2. Dịch tễ học

Bệnh thường gặp ở nữ nhiều hơn nam (tỷ lệ nữ: nam là 2:1). Và thường gặp ở độ tuổi từ 20 – 50 tuổi. Đây là hội chứng thường gặp, đa số bệnh nhân thường được kê đơn thuốc điều trị tại nhà. Tuy nhiên, gần đây, tỷ lệ bệnh đang có xu hướng nặng lên, bệnh nhân phải nhập viện điều trị ngày càng tăng.

 

2. Cơ chế sinh lý bệnh

– Cơ chế chủ yếu nhất là rối loạn vận động ruột, tăng cảm nội tạng, rối loạn trục não – ruột.

– Ngoài ra còn các cơ chế khác: tăng tính thấm ruột, kích hoạt hệ miễn dịch, thay đổi hệ vi sinh đường ruột.

 

3. Triệu chứng hội chứng ruột kích thích

3.1. Về mặt lâm sàng

Bệnh nhân mắc viêm đại tràng co thắt có các triệu chứng sau:

– Thường gặp nhất là triệu chứng tiêu chảy: Bệnh nhân đi ngoài phân lỏng ít nhất 3 lần trong một ngày, phân nát hoặc toàn nước, không lẫn nhày máu.

– Táo bón: đi đại tiện ít hơn 3 lần trong một tuần.

– Cảm giác đi ngoài không hết phân.

– Đau bụng,  khó chịu ở bụng.

– Chướng bụng: bụng căng đầy.

3.2. Về mặt cận lâm sàng

– Xét nghiệm máu: công thức máu, các giá trị hóa sinh máu (ví dụ như: CRP, glucose máu, điện giải đồ) thường cho kết quả trong giới hạn bình thường.

– Xét nghiệm phân: không phát hiện hồng cầu hay kí sinh trùng trong phân.

– X quang đại tràng: có thể bình thường hoặc thấy dấu hiệu tăng co thắt

– Nội soi đại tràng: không phát hiện dấu hiệu có tổn thương thực thể.

 

4. Điều trị

Theo các chuyên gia, bệnh nhân mắc viêm đại tràng co thắt dễ tăng nhu động ruột hơn người bình thường. Vì vậy thường đau bụng, đầy bụng. Để điều trị bệnh có 2 phương pháp sau:

4.1. Điều trị IBS – hội chứng ruột kích thích không dùng thuốc

Cụ thể, phương pháp điều trị không dùng thuốc bao gồm:

– Giải thích, trấn an người bệnh

– Tâm lý liệu pháp, giúp bệnh nhân thư giãn

– Điều chỉnh chế độ ăn uống: Chế độ ăn chiếm 10 – 60 % hiệu quả điều trị. Người bệnh cần tránh các thức ăn có chứa nhiều đồ béo, đồ sống, rau tươi, rượu. Thực hiện tích cực chế độ ăn LOW-FODMAP’s trong 6 đến 8 tuần. Bao gồm việc hạn chế các loại thực phẩm sau:

Các loại trái cây: xoài, táo, lê, mơ, dưa hấu, nước ép trái cây, trái cây sấy …

Các loại rau – củ: măng tây, đậu Hà Lan, súp lơ, nấm, hành, tỏi …

Các loại đồ uống: sữa, kem trứng, phomat, sữa chưa, mật ong, si-rô …

Hạn chế lúa mạch, lúa mì, mía, nho …

Khi đã kiểm soát tốt triệu chứng thì có thể về chế độ ăn bình thường. Lưu ý hạn chế vài loại FODMAPs cao.

Chế độ ăn dành cho bệnh nhân mắc IBS

 

4.2. Điều trị IBS – hội chứng ruột kích thích bằng thuốc

Trong trường hợp đã cải thiện chế độ sinh hoạt, ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ nhưng tình trạng không thuyên giảm thì người bệnh cần điều trị bằng thuốc.

Lưu ý: Người bệnh không tự ý mua và dùng thuốc, thay vào đó hãy tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ về loại thuốc, liều lượng và thời gian sử dụng.

Các loại thuốc phổ biến có thể bao gồm thuốc tác động lên nhu động ruột hỗ trợ giảm đau, thuốc giảm tiêu chảy, thuốc bảo vệ niêm mạc ruột, thuốc nhuận tràng thẩm thấu để giảm táo bón…

 

5. Kết luận

Nói chung, bản chất của IBS – hội chứng ruột kích thích là sự rối loạn tiêu hóa. Việc điều chỉnh tâm lý, chế độ ăn đóng vai trò rất quan trọng trong phòng bệnh cũng như hỗ trợ điều trị bệnh. Bên cạnh đó, để đẩy lùi bệnh hữu hiệu, người bệnh cần lựa chọn cơ sở uy tín đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định của bác sĩ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top