✴️Hội chứng ruột kích thích IBS – nguyên nhân và điều trị

Nội dung

Hội chứng ruột kích thích IBS là một trong các bệnh lý đường ruột thường gặp nhất. Bệnh đặc trưng bởi triệu chứng đau bụng, khó tiêu và các rối loạn đại tiện. Tuy không đe dọa đến tính mạng nhưng các triệu chứng thường tái phát nhiều đợt và kéo dài khiến người bệnh luôn cảm thấy lo lắng, khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. 

 

1. Hội chứng ruột kích thích IBS là gì?

Hội chứng ruột kích thích IBS (tên tiếng Anh là Irritable Bowel Syndrome-IBS) là tình trạng rối loạn chức năng đại tràng, có tính chất tái đi tái lại nhiều lần nhưng không có tổn thương về giải phẫu cũng như tổ chức sinh hóa ở ruột. Ở Việt Nam, hội chứng ruột kích thích còn được biết đến với các tên gọi như viêm đại tràng mãn tính, viêm đại tràng co thắt hay viêm đại tràng chức năng. 

Đây là một trong các bệnh lý đường ruột phổ biến nhất, với tỷ lệ mắc bệnh khoảng từ 5-20% dân số và thường gặp nhiều ở nữ giới dưới 45 tuổi. Mặc dù khởi phát của bệnh không phải do nhiễm trùng, chế độ ăn uống hay do tác dụng phụ của một số loại thuốc như các bệnh lý ở đường tiêu hóa khác. Nhưng các yếu tố này có thể khiến triệu chứng bệnh chuyển biến nghiêm trọng hơn. 

Hội chứng ruột kích thích là bệnh lành tính, hầu như không gây nguy hiểm đến tính mạng và không làm gia tăng nguy cơ gây ung thư như viêm đại tràng hay các bệnh lý có tổn thương thực thể khác. Tuy nhiên, bệnh lại có tác động lớn đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

 

2. Nguyên nhân gây bệnh hội chứng ruột kích thích

Hiện nay, các chuyên giá vẫn chưa đưa ra được kết luận về nguyên nhân chính xác gây hội chứng ruột kích thích. Tuy nhiên, qua nhiều nghiên cứu, bệnh lý này liên quan mật thiết đến các yếu tố sau:

– Rối loạn co bóp ống tiêu hóa: Nhu động ruột quá nhanh hoặc quá chậm làm ảnh hưởng đến hoạt của tiêu hóa gây tiêu chảy, táo bón, đầy bụng, khó tiêu…. Từ đó làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích. 

– Các vấn đề tâm thần: Hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh đường tiêu hóa có thể bị rối loạn khi cơ thể xuất hiện các vấn đề như căng thẳng, suy nhược, lo âu. Những bất thường ở hệ thần kinh sẽ làm rối loạn chức năng đại tràng. Từ đó ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa và làm phát sinh các triệu chứng lâm sàng của bệnh. Bên cạnh đó, sự phối hợp kém hiệu quả giữa các tín hiệu của hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh ruột cũng có thể làm cơ thể phản ứng quá mức với những thay đổi bất thường xảy ra trong hệ tiêu hóa. Sự phản ứng quá mức này cũng làm tăng nguy cơ gây hội chứng ruột kích thích. 

Các yếu tố khiến triệu chứng bệnh có thể bùng phát và phát triển mạnh:

– Thực phẩm: triệu chứng của IBS có xu hướng nặng hơn khi bị dị ứng hoặc sau khi ăn một số loại thực phẩm như socola, chất béo, rượu bia, đồ uống có gas, sữa, bông cải xanh, bắp cải….

– Căng thẳng: căng thẳng thần kinh làm tăng rối loạn của hệ thần kinh ruột. Đồng thời làm các dấu hiệu và triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn. 

– Nội tiết – giới tính: các nhà nghiên cứu cho rằng, nữ giới có nguy có mắc bệnh cao gấp 2 lần nam giới. Sự thay đổi nội tiết tố đóng vai trò trong việc gây ra hội chứng này. Nhiều nữ giới nhận thấy các triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trong thời gian hành kinh và mang thai.

– Các loại thuốc: Các loại thuốc kháng viêm, giảm đau và kháng sinh có thể gây rối loạn tiêu hóa và có thể khiến triệu chứng bệnh chuyển nặng hơn.

– Ảnh hưởng của một số bệnh lý: các bệnh lý viêm dạ dày- ruột, nhiễm khuẩn ruột hay sau phẫu thuật cắt túi mật…có thể làm rối loạn chức năng đại tràng.

Các yếu tố nguy cơ:

– Nữ giới dưới 45 tuổi hoặc nữ giới có nội tiết tố bất ổn

– Tiền sử gia đình mắc hội chứng ruột kích thích

– Thường xuyên có vấn đề về sức khỏe tinh thần: lo lắng, trầm cảm, căng thẳng, rối loạn nhân cách…

Thần kinh căng thẳng có thể làm nghiêm trọng triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.

 

3. Triệu chứng bệnh hội chứng ruột kích thích IBS

Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh bao gồm 3 thể chính: đau bụng, tiêu chảy và táo bón. 

– Đau bụng: đau thường không có vị trí nhất định, có thể đau vùng bụng dưới hoặc đau dọc khung đại tràng. Đau âm ỉ hoặc từng cơn, đặc biệt là đau nhiều hơn sau khi ăn, khi ăn thức ăn lạ, thức ăn ôi thiu. Cơn đau có thể diễn ra trong 1-2 ngày nhưng cũng có thể kéo dài nhiều ngày. 

– Táo bón: phân khô cứng và nhỏ, đại tiện đau và gặp nhiều khó khăn, thường kèm theo nhầy bọc ngoài phân.

– Tiêu chảy: phân lỏng, mót đi tiêu, tiêu són và tiêu nhiều lần trong ngày. 

– Các rối loạn khác: đầy bụng, khó tiêu, ợ nóng, buồn nôn,  đau đầu, mất ngủ…

Các triệu chứng của IBS không đặc hiệu và có xu hướng tái đi tái nhiều lần, xảy ra ít nhất trong 6 tháng với tần suất thấp nhất là 3 ngày/tháng. 

 

4. Hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không?

Hội chứng ruột kích thích là một bệnh lành tính. Bệnh không gây ra tổn thương thực thể và không làm gia tăng nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, sự hoạt động bất thường của ống tiêu hóa sẽ làm rối loạn đại tiện kéo dài và làm giảm khả năng khả năng hấp thu dinh dưỡng,… Nếu không được kiểm soát, các triệu chứng của bệnh sẽ tiến triển dai dẳng và có thể gây ra các biến chứng:

– Tăng nguy cơ bệnh trĩ: Táo bón kéo dài sẽ làm tăng áp lực lên tĩnh mạch hậu môn – trực tràng khiến các rối tĩnh mạch bị giãn quá mức, gây viêm sưng hoặc ứ huyết và tạo thành các búi trĩ. Bệnh trĩ tuy không đe dọa đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống. 

– Suy nhược cơ thể: rối loạn chức năng đại tràng có thể làm giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng. Hơn nữa, chế độ ăn uống kiêng khem để kiểm soát bệnh còn khiến cơ thể không được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng. Nếu hội chứng này kéo dài rất dễ dẫn đến tình trạng sụt cân và suy nhược cơ thể. 

– Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Các triệu chứng của bệnh không chỉ tác động xấu đến hoạt động ăn uống, đại tiện mà còn gây ra nhiều phiền toái trong sinh hoạt, học tập và làm việc. Ngoài ra, tình trạng bệnh tái diễn nhiều lần khiến người bệnh chán nản, mệt mỏi và làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý.

 

5. Chẩn đoán và điều trị bệnh hội chứng ruột kích thích

5.1. Các xét nghiệm chẩn đoán hội chứng ruột kích thích IBS

Do các triệu chứng không đặc hiệu nên bệnh rất dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề ở ống tiêu hóa khác. Vì vậy, hội chứng ruột kích thích chủ yếu được chẩn đoán bằng các phương pháp xét nghiệm loại trừ. Người bệnh sẽ được yêu cầu làm các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh sau:

– Các xét nghiệm: xét nghiệm phân, xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm vi sinh, xét nghiệm hơi thở hydro, xét nghiệm huyết thanh hoặc sinh thiết ruột non,..

– Chẩn đoán hình ảnh: chụp dạ dày – ruột non, chụp đại tràng cản quang kép, chụp CT vùng chậu và ổ bụng, siêu âm túi mật, nội soi đại tràng, nội soi thực quản dạ dày tá tràng, nội soi đại tràng sigmoid (sigma) bằng ống mềm,…

– Các xét nghiệm khác: xét nghiệm không dung nạp lactose, fructose, đo áp lực hậu môn…

5.2. Các biện pháp điều trị hội chứng ruột kích thích IBS

Do nguyên nhân chưa rõ ràng nên cải thiện triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống là phương pháp điều trị chủ yếu của hội chứng ruột kích thích. Phần lớn các triệu chứng của bệnh đều có thể kiểm soát bằng việc thay đổi chế độ ăn uống và lối sống. Tuy nhiên, khi hội chứng có mức độ trung bình đến nặng, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số loại thuốc để điều trị.

Thay đổi chế độ ăn uống:

Chế độ ăn uống khoa học có thể làm thuyên giảm hoặc cải thiện hoàn toàn các triệu chứng do IBS gây ra. Người bệnh cần:

– Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao nhưng không làm ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa như cá hồi, thịt gà, trứng…

– Cung cấp cho cơ thể từ 2-2,5 lít nước mỗi ngày để giúp làm mềm phân, cân bằng điện giải.

– Loại bỏ những loại thực phẩm gây đầy hơi, khó tiêu như bông cải xanh, bông cải trắng, bắp cải… ra khỏi khẩu phần ăn hàng ngày.

– Ngưng sử dụng các loại thực phẩm chứa gluten như lúa mì, lúa mạch,…

– Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm và đồ uống làm tăng áp lực lên ống tiêu hóa và kích thích rối loạn chức năng đại tràng như nước uống có gas, rượu bia, cafe, bánh kẹo, thức ăn chế biến sẵn, thức ăn chứa nhiều đạm, nhiều dầu mỡ, gia vị.

– Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có tiền sử dị ứng hoặc các sản phẩm có nguy cơ dị ứng cao. 

– Ăn đúng giờ, đủ bữa để giúp điều chỉnh chức năng ruột.

Lối sống cho người bệnh:

– Duy trì luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày khoảng 30 phút với các bài tập phù hợp như đi bộ, yoga, đạp xe, bơi lội… để điều hòa chức năng hệ thần kinh. Từ đó làm giảm rối loạn hoạt động của đại tràng và cải thiện các triệu chứng bệnh. 

– Kết hợp xoa bóp vùng bụng nhằm kích thích nhu động ruột, cải thiện chức năng tiêu hóa, giảm triệu chứng đầy hơi và táo bón. 

– Ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc; cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi; giữ tinh thần luôn vui vẻ, lạc quan… để giảm áp lực lên hệ thần kinh trung ương.

– Luyện tập thói quen đi đại tiện một lần trong ngày vào thời gian cố định.

– Điều trị triệt để các bệnh lý viêm dạ dày, viêm đại tràng, rối loạn nội tiết.. 

Sử dụng thuốc Tây điều trị:

Trong trường hợp các triệu chứng bệnh không thuyên giảm khi đã điều chỉnh chế độ ăn và lối sống, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh một số loại thuốc cần thiết như: viên bổ sung chất xơ, thuốc nhuận tràng (cải thiện tình trạng táo bón); thuốc trị tiêu chảy; thuốc giảm đau chống co thắt; thuốc chống trầm cảm (giúp giảm đau và an thần),… Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối theo phác đồ điều trị nội khoa của bác sĩ để thuốc phát huy hết hiệu quả và tránh xảy ra các tác dụng phụ không mong muốn. 

Hội chứng ruột kích thích IBS là bệnh lý thường gặp ở đường tiêu hóa. Bệnh lành tính và có thể kiểm soát thông qua chế độ ăn uống, sinh hoạt và sử dụng thuốc. Tuy nhiên, nếu người bệnh chủ quan không can thiệp điều trị, bệnh có thể tiến triển xấu và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý và chất lượng cuộc sống.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top