✴️ Hướng dẫn về vai trò của probiotic trong việc kiểm soát các bệnh lý đường tiêu hóa

Nội dung

Mở đầu

Trong vòng 20 năm trở lại đây, vai trò của hệ vi sinh vật đường ruột đối với sức khỏe đường tiêu hóa ngày càng được nhận thức rõ hơn. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc và Tổ Chức Y tế Thế giới định nghĩa probiotic là các vi sinh vật khi được đưa vào cơ thể với số lượng vừa đủ có thể mang đến nhiều lợi ích cho vật chủ [1, 2]. Probiotic có thể thay đổi hệ vi sinh vật và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Probiotic không được xem là một thuốc điều trị ở Hoa Kỳ và Châu Âu, do vậy việc lưu hành probiotic trên thị trường được xem như là một mặt hàng tiêu dùng mà không cần phải có bằng chứng chứng minh về hiệu quả. Điều này dẫn đến việc sử dụng probiotic rộng rãi mà không có những bằng chứng chứng minh hiệu quả về mặt lâm sàng một cách rõ ràng. Đã có nhiều nghiên cứu được tiến hành để kiểm tra hiệu quả của probiotic đối với các bệnh đường tiêu hóa, tuy nhiên những nghiên cứu này có sự khác biệt lớn về chủng vi sinh vật nghiên cứu, liều lượng, đường dùng cũng như các phương pháp nghiên cứu. Hơn nữa, những nghiên cứu này thường có cỡ mẫu nhỏ. Kết luận từ các phân tích gộp và tổng quan hệ thống có thể dẫn đến nhiều kết quả sai lệch nếu các nghiên cứu này nghiên cứu trên những nhóm dân số khác nhau, có tiêu chí đánh giá khác nhau và nghiên cứu trên các chủng vi sinh vật khác nhau.

Vì vậy, để đưa ra cơ sở về việc ứng dụng probiotic trong các bệnh lý đường tiêu hóa, Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ (American Gastroenterological Association – AGA) đã công bố hướng dẫn điều trị về vai trò của probiotics trong các bệnh lý đường tiêu hóa.

Bài viết tóm tắt một số khuyến cáo của hướng dẫn của AGA 2020. Hiện nay vẫn chưa có phiên bản cập nhật cho hướng dẫn này.

Các khuyến cáo và bằng chứng cho các khuyến cáo

Khuyến cáo 1: Bệnh nhân nhiễm khuẩn Clostridioides difficile chỉ được khuyến cáo sử dụng các chế phẩm probiotic trong các thử nghiệm lâm sàng.

AGA không khuyến cáo sử dụng probiotic để điều trị nhiễm khuẩn Clostridioides difficile. Kết quả đánh giá 5 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng về việc bổ sung probiotic vào phác đồ điều trị ở bệnh nhân nhiễm C. difficile bằng kháng sinh không thể đưa ra kết luận chung vì các nghiên cứu có sự khác biệt về thiết kế nghiên cứu và tiêu chí đánh giá. Mặc dù một số bằng chứng hiện có gợi ý rằng một số probiotic có thể có lợi cho bệnh nhân C. difficile, nhưng vẫn còn cần thêm các nghiên cứu với thiết kế nghiên cứu tiêu chuẩn và cỡ mẫu nghiên cứu lớn hơn để khẳng định lợi ích của các nghiên cứu này, cũng như nhóm bệnh nhân có thể hưởng lợi từ việc điều trị với probiotic [1, 2 – 7].

Khuyến cáo 2: Người lớn và trẻ em đang điều trị bằng kháng sinh được khuyến nghị nên được bổ sung S. boulardii hoặc phối hợp 2 chủng L. acidophilus CL1285 và Lactobacillus casei LBC80R hoặc phối hợp 3 chủng L. acidophilus, Lactobacillus delbrueckii sups bulgaricus và Bifidobacterium bifidum hoặc phối hợp 4 chủng L. acidophilus, L. delbrueckii subsp bulgaricusB.bifidum và Streptococcus salivarius subsp thermophilus thay vì probiotic khác để phòng ngừa nhiễm C. difficile (khuyến cáo có điều kiện, mức độ bằng chứng thấp).

Bệnh nhân có thể gặp một số tác động có hại (đặc biệt là bệnh nhân mắc bệnh nặng) hoặc gặp khó khăn về chi phí điều trị nhưng có nguy cơ thấp nhiễm C. difficile thì có thể không cần bổ sung probiotic vào phác đồ.

Mặc dù có rất nhiều nghiên cứu về lợi ích của probiotic trong phòng ngừa nhiễm C. difficile, nhưng những nghiên cứu này lại quá khác biệt. Do vậy, AGA chỉ khuyến nghị một số chủng và phối hợp chủng probiotic trong việc phòng ngừa nhiễm khuẩn C. difficile.

Khuyến cáo 3: Người lớn và trẻ em mắc bệnh Crohn chỉ được khuyến cáo nên được bổ sung probiotic trong các thử nghiệm lâm sàng.

AGA chỉ khuyến cáo bổ sung probiotic ở người lớn và trẻ em mắc bệnh Crohn trong bối cảnh các thử nghiệm lâm sàng. Nhiều nghiên cứu về tác dụng của việc biến đổi hệ vi sinh vậ đường ruột ở bệnh nhân mắc bệnh Crohn (bằng các chế phẩm probiotic và cấy ghép vi sinh vật trong phân) đang được tiến hành. Tuy nhiên những nghiên cứu này vẫn còn nhiều hạn chế vì có cỡ mẫu nhỏ, dân số nghiên cứu không đồng nhất và trong thiết kế nghiên cứu, cũng như có sự khác biệt về dạng probiotic thử nghiệm.

Khuyến cáo 4: Ở người lớn và trẻ em bị viêm loét đại tràng chỉ được khuyến cáo nên bổ sung probiotic trong các bối cảnh lâm sàng.

AGA khuyến cáo bổ sung probiotic ở người lớn và trẻ em bị viêm loét đại tràng chỉ trong bối cảnh các thử nghiệm lâm sàng. Tương tự như bệnh Crohn, nhiều nghiên cứu về lợi ích của hệ vi sinh vật đối với bệnh viêm loét đại tràng đang được tiến hành, tuy nhiên những nghiên cứu hiện này còn có nhiều hạn chế vì thiết kế nghiên cứu, dân số nghiên cứu và probiotic được nghiên cứu. Cần thêm nhiều nghiên cứu để làm rõ nhóm bệnh nhân có thể hưởng lợi khi được điều trị bằng probiotic cũng như xác định dạng probiotic có thể mang lại nhiều hiệu quả nhất.

Khuyến cáo 5: Người lớn và trẻ em bị pouchitis được khuyến nghị nên được bổ sung probiotic phối hợp 8 chủng L. paracasei subsp paracasei, L. plantarum, L. acidophilus, L. Delbrueckii subsp bulgaricus, B. longum subsp longum, B. breve, B. longum subsp infantis và S. salivarius subsp thermophilus so với các probiotic khác (khuyến cáo có điều kiện, mức độ bằng chứng rất thấp).

AGA khuyến nghị nên bổ sung probiotic 8 chủng phối hợp L. paracasei subsp paracasei, L. plantarum, L. acidophilus, L. delbrueckii subsp bulgaricus, B. longum subsp longum, B. breve, B. longum subsp infantis và S. salivarius subsp thermophilus. Pouchitis là biến chứng thường gặp sau phẫu thuật cắt bỏ đại tràng và trực tràng (proctocolectomy) và phẫu thuật ileal pouch–anal anastomosis ở bệnh nhân bị viêm đại tràng. Vai trò của hệ vi sinh vật đường ruột đối với những bệnh lý này đã được gợi ý thông qua cơ chế bệnh sinh. Hiện nay, AGA chỉ đưa ra khuyến cáo với probiotic 8 chủng phối hợp nói trên, đối với những chủng probiotic khác, cần thêm nhiều thử nghiệm khác để chứng minh hiệu quả.

Khuyến cáo 6: Người lớn và trẻ em bị mắc hội chứng ruột kích thích có biểu hiện triệu chứng chỉ được khuyến cáo nênbổ sung probiotic trong các bối cảnh thử nghiệm lâm sàng.

AGA không khuyến cáo bổ sung probiotic ở người lớn và trẻ em bị mắc hội chứng ruột kích thích. Mặc dù có nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để làm rõ hiệu qủa, tuy nhiên giữa các nghiên cứu có sự khác biệt về thiết kế nghiên cứu, tiêu chí đánh giá cũng như probiotic sử dụng.

Khuyến cáo 7: Trẻ em bị viêm dạ dày ruột do nhiễm trùng cấp được khuyến nghị không nên bổ sung probiotic (khuyến cáo có điều kiện, mức độ bằng chứng trung bình).

AGA khuyến nghị không nên bổ sung probiotic ở trẻ em bị viêm dạ dày ruột do nhiễm trùng cấp (ở Hoa Kỳ và Canada). Phần lớn dữ liệu hiện có ủng bộ việc bổ sung probiotic ở trẻ bị viêm dạ dày ruột do nhiễm trùng cấp đều là những nghiên cứu được thực hiện ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ và Canada, trong khi đó 2 nghiên cứu chất lượng cao được tiến hành ở Hoa Kỳ và Canada lại không cho thấy lợi ích của probiotic đối với nhóm bệnh nhân này.

Khuyến cáo 8: Nhũ nhi sinh non (< 37 tuần tuổi), thiếu cân được khuyến nghị nên được bổ sung probiotic phối hợp Lactobacillus spp và Bifidobacterium spp (L. rhamnosus ATCC 53103  B longum subsp infantis; hoặc L. casei  B breve; hoặc L. rhamnosus, L. acidophilus, L. casei, B. longum subsp infantis, B. bifidum  B. longum subsp longum; hoặc L. acidophilus  B. longum subsp infantis; hoặc L. acidophilus  B. bifidum; hoặc L. rhamnosus ATCC 53103  B. longum Reuter ATCC BAA-999;hoặc L. acidophilus, B. bifidum, B. animalis subsp lactis  B. longum subsp longum) hoặc B. animalis subsp lactis (bao gồm DSM 15954), hoặc L. reuteri (DSM 17938 hoặc ATCC 55730), hoặc L. rhamnosus (ATCC 53103 hoặc ATC A07FA hoặc LCR 35hơn so với các probiotic khác (khuyến cáo có điều kiện, mức độ bằng chứng trung bình/cao).

AGA khuyến nghị nên bổ sung các chủng probiotic hoặc các chủng probiotic phối hợp để phòng ngừa viêm ruột hoại tử ở trẻ sinh non < 37 tuần tuổi và bị thiếu cân. Trẻ sinh non có nguy cơ cao bị tử vong và mắc nhiều bệnh lý (bao gồm viêm ruột hoại tử). Sự khác biệt giữa hệ vi sinh vật ở trẻ bị viêm ruột hoại tử so với trẻ khỏe mạnh là cơ sở cho việc điều trị theo định hướng hệ vi sinh vật.

Bàn luận

Hệ vi sinh vật đường ruột có vai trò quan trọng đối với sức khỏe đường tiêu hóa. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận rằng có nhiều khoảng trống kiến thức đối với việc bổ sung probiotic vào phác đồ điều trị vì có nhiều sự khác biệt giữa các nghiên cứu. Sự không nhất quán về giữa kết quả của các nghiên cứu dẫn đến nhiều khó khăn trong việc đánh giá tác hại của việc bổ sung probiotic vào phác đồ điều trị. Các nghiên cứu chất lượng cao trong tương lai là cần thiết để làm rõ hơn vai trò, lợi ích cũng như tác hại của probiotic trong việc kiểm soát các bệnh lý đường tiêu hóa.


Nguồn

  1. Grace L. Su. Cynthia W. Ko. Premysl Bercik. Yngve Falck-Ytter. Shahnaz Sultan. Adam V. Weizman. Rebecca L. Morgan. AGA Clinical Practice Guidelines on the Role of Probiotics in the Management of Gastrointestinal Disorders. Gastroenterology. 2020;159:697–705. DOI: 10.1053/j.gastro.2020.05.059.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top