1. IBS là gì, có triệu chứng ra sao?
IBS thường xuyên gây đau bụng khó chịu cho người bệnh
Nói đến cái tên hội chứng ruột kích thích chắc hẳn rất nhiều người biết nhưng khi được hỏi về Ibs thì lại rất ít người biết IBS là gì. Thực chất đây là hai tên gọi khác nhau của một loại bệnh lý. IBS là tình trạng rối loạn mạn tính ở đại tràng khiến cho chức năng bình thường của bộ phận này bị ảnh hưởng từ đó làm thay đổi thói quen đại tiện, gây ra những triệu chứng khó chịu cho người bệnh.
Người bị hội chứng ruột kích thích (IBS) thường gặp các triệu chứng: đau bụng, chướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy, táo bón hoặc có khi xen kẽ cả hai. Cơn đau bụng do IBS khiến người bệnh có cảm giác như bị chuột rút, sẽ cải thiện sau khi đi đại tiện. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp một số triệu chứng khác như: muốn đi ngoài khẩn cấp, đã đi ngoài nhưng luôn cảm thấy không hết phân, phân không giống như người bình thường, tần suất đi ngoài bất thường,...
2. Tính chất nguy hiểm, chẩn đoán và điều trị IBS
2.1. Bệnh IBS nguy hiểm không?
Hội chứng IBS không gây ra những nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng người bệnh nhưng điều đáng nói là nó diễn ra âm thầm nên đại đa số bệnh nhân chủ quan từ đó tạo cơ hội cho bệnh dễ trở nặng. Các triệu chứng do bệnh gây ra làm giảm sút chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Khi tình trạng chướng bụng, đau bụng, đầy hơi kéo dài, người bệnh sẽ cảm thấy rất mệt mỏi, ngại và thậm chí còn sợ ăn uống.
Cũng vì bị hội chứng ruột kích thích nên số lần đại tiện trong ngày của người bệnh tăng lên. Chính điều này khiến cho công việc và sinh hoạt của người bệnh gặp nhiều bất tiện. Nhiều người do ngại về thói quen đại tiện bất thường của mình nên không dám nói với người khác, dấu bệnh nên bệnh ngày càng nặng.
Táo bón do IBS lâu ngày có thể dẫn đến bệnh trĩ
Với những trường hợp đã bị bệnh IBS ở mức độ nặng sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy:
- Tiêu chảy dài ngày nên mất nước.
- Suy dinh dưỡng vì có một số loại thức ăn không dung nạp được.
- Tổn thương mạch máu ở hậu môn vì táo bón lâu ngày từ đó gây ra bệnh trĩ.
- Thường xuyên mất ngủ, tâm lý bị rối loạn và thậm chí còn bị trầm cảm.
2.2. Kỹ thuật chẩn đoán bệnh IBS
Không phải mọi trường hợp có triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa đều bị IBS. Vậy cách thức chẩn đoán bệnh IBS là gì? Thường thì bác sĩ sẽ hỏi triệu chứng của người bệnh để có cơ sở đưa ra chẩn đoán. Không có xét nghiệm đặc biệt nào có thể khẳng định được một người mắc hội chứng ruột kích thích. Nếu thấy cần thiết, tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ yêu cầu tiến hành xét nghiệm phân, xét nghiệm máu, nội soi đại tràng nhỏ hoặc soi đại tràng sigma linh hoạt để tìm rối loạn hoặc bệnh liên quan.
2.3. Điều trị IBS bằng cách nào?
Hiện nay các phương pháp điều trị IBS đều nhằm hướng đến mục tiêu giảm triệu chứng của bệnh để giúp bệnh nhân có được cuộc sống bình thường. Đại đa số trường hợp mắc hội chứng này ở mức độ nhẹ có thể kiểm soát thành công bằng cách thay đổi lối sống và chế độ ăn uống kết hợp với kiểm soát căng thẳng. Những trường hợp bị IBS ở mức độ trung bình hoặc nặng, có thể bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh dùng thuốc để điều trị. Muốn biết chính xác phương pháp điều trị IBS là gì với từng trường hợp cụ thể, người bệnh cần thăm khám để nhận được hướng dẫn từ bác sĩ.
- Thay đổi chế độ ăn uống
+ Không ăn thực phẩm dễ gây đầy hơi: những người bị chướng bụng hoặc thường xuyên trung tiện, có thể sẽ được bác sĩ đề nghị loại bỏ các thực phẩm dễ gây đầy hơi trong chế độ ăn của mình. Các loại thực phẩm này gồm: rau củ, đồ uống có ga,...
+ Không dùng gluten: tìm hiểu nguyên nhân khiến người bệnh phải từ bỏ gluten khi bị IBS là gì bệnh nhân sẽ biết được rằng dừng sử dụng thực phẩm chứa gluten có thể làm giảm triệu chứng tiêu chảy do IBS. Vì thế người gặp hiện tượng này không nên ăn lúa mạch, lúa mì.
+ Không dùng đường lên men: các loại thực phẩm đường lên men cũng được khuyến nghị người bị hội chứng ruột kích thích không nên ăn. Loại đường này có nhiều trong trái cây, rau củ, một số loại ngũ cốc, chế phẩm từ sữa. Ban đầu, người bệnh có thể thực hiện chế độ ăn ít đường lên men để giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích sau đó, khi đã ổn hơn, có thể bắt đầu trở lại từng ít một.
- Dùng thuốc
Các loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị bệnh IBS gồm:
+ Thuốc trị táo bón: thực phẩm chức năng hỗ trợ bổ sung chất xơ, thuốc nhuận tràng kích thích, thuốc nhuận tràng thẩm thấu,...
+ Thuốc trị tiêu chảy.
+ Thuốc chống co thắt và kháng acetylcholin.
+ Thuốc chống trầm cảm.
Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định loại thuốc phù hợp với tình trạng bệnh của bệnh nhân.
Đừng quá lo lắng khi bị và chưa biết chính xác IBS là gì vì nó sẽ chỉ càng khiến cho tình trạng bệnh của bạn trở nên nghiêm trọng hơn mà thôi. Cách tốt nhất khi nghi ngờ có triệu chứng được cảnh báo ở trên là đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để biết chính xác về bệnh của mình, khi ấy bạn sẽ có được lời khuyên phù hợp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh