✴️ Loét trực tràng – bệnh thường gặp

Nội dung

Loét trực tràng là tình trạng lớp màng nhầy và lớp niêm mạc của trực tràng bị viêm nhiễm, nhiễm trùng và  loét ra khiến vi khuẩn tấn công, phát triển mạnh. Đây là bệnh thường gặp và rất nguy hiểm cần phải điều trị sớm.

 

Nguyên nhân gây loét trực tràng

Hiện chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân gây loét trực tràng. Đây là tình trạng viêm mạn tính, có mức độ khác nhau tùy vào thời gian mắc bệnh.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra một vài yếu tố làm tăng nguy cơ mắc loét trực tràng:

  • Nhiễm khuẩn: Trực tràng đoạn cuối của ống tiêu hóa, nối với hậu môn – nơi đào thải phân ra bên ngoài. Loét trực tràng thường liên quan đến nhiễm trùng đường ruột,  do các vi khuẩn gồm Clostridium difficile, E. Coli và Salmonella, Shigella, Campylobacter.

Loét trực tràng là tình trạng lớp màng nhầy và lớp niêm mạc của trực tràng bị viêm nhiễm

  • Chế độ ăn uống và lối sống: Chế độ ăn uống không khoa học, thường xuyên ăn những thực phẩm cay, nóng, chế biến sẵn hoặc uống thuốc tránh thai, lạm dụng thuốc trong thời gian dài… cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

  • Do di truyền: Loét trực tràng cũng có thể do di truyền nếu trong gia đình có người thân từng mắc phải căn bệnh này.

 

Biến chứng của loét trực tràng

Loét trực tràng là bệnh thường gặp ở đường tiêu hóa với các triệu chứng cảnh báo như:

  • Đại tiện nhiều lần trong ngày: Thông thường chúng ta chỉ đi ngoài từ 1-2 lần nhưng người mắc loét trực tràng có thể đi ngoài tới 20 lần, phân dính máu. Bệnh viêm trực đi ngoài ra máu rất nguy hiểm nếu lượng máu quá nhiều.

  • Cơ thể gầy yếu: Nguyên nhân là do cơ thể không được hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng vì chứng lười ăn, chán ăn xuất hiện trong thời gian bị bệnh.

  • Sức khỏe suy giảm, tinh thần mệt mỏi: Khi bị loét trực tràng, người bệnh có thể bị rơi vào tình trạng thiếu máu. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tinh thần suy giảm, mệt mỏi kéo dài.

Loét trực tràng khó điều trị và dễ chuyển thành bệnh mạn tính. Nếu không chữa trị dứt điểm có thể biến chứng thêm ap-xe hậu môn, chảy máu ở trực tràng hay ung thư trực tràng, rất nguy hiểm. Ngoài triệu chứng lâm sàng, để phát hiện loét trực tràng cần phải tiến hành nội soi trực tràng.

 

Phương pháp điều trị viêm loét trực tràng

Khi bị loét trực tràng, người bệnh cần tới ngay các cơ sở y tế, bệnh viện có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giỏi và trang thiết bị y tế hiện đại nhằm chẩn đoán và điều trị sớm bệnh. Tùy vào tình trạng và mức độ bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ tư vấn người bệnh điều trị phù hợp.

  • Điều trị nội khoa bằng thuốc: Thông thường, trong điều trị loét trực tràng người bệnh thường được dùng phối hợp là corticoid, sulfasalazin và các dẫn chất của nó như azathioprin, cyclosporin… Tùy theo tình trạng và giai đoạn của bệnh cụ thể của mỗi người mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc cụ thể.

  • Ngoài việc sử dụng thuốc người bệnh cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày: Tránh các thực phẩm cay nóng, chiên rán nhiều dầu mỡ, hạn chế rượu bia, thuốc lá… Vận động hàng ngày bằng các môn thể thao vừa sức.

Theo dõi tình trạng sức khỏe và tái khám định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ nhằm điều chỉnh đơn thuốc chữa bệnh phù hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top