✴️ Nguyên nhân trào ngược dạ dày thực quản và cách điều trị

Nội dung

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là rối loạn tiêu hóa rất phổ biến, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh một cách đáng kể. Chẩn đoán kịp thời và điều trị thành công sẽ giúp bệnh nhân tăng cường cả về thể chất lẫn tinh thần. Tìm hiểu bệnh trào ngược dạ dày nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị ngay sau đây.

 

1. Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là gì?

Trào ngược dạ dày thực quản được định nghĩa là tình trạng dịch axit dạ dày tràn lên thực quản hoặc vào khoang miệng gây ra các triệu chứng và biến chứng phiền toái, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Trào ngược dạ dày thực quản được định nghĩa là tình trạng dịch axit dạ dày tràn lên thực quản

 

2. Trào ngược dạ dày nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

2.1. Trào ngược dạ dày nguyên nhân là gì?

Trào ngược dạ dày thực quản chủ yếu là do rối loạn cơ thắt dưới của thực quản. Bình thường, cơ thắt dưới của thực quản hoạt động như một hàng rào ngăn giữa thực quản và dạ dày. Một khi cơ này yếu đi hoặc bị giãn ra và không đóng hết sẽ làm cho dịch ở dạ dày trào ngược lên gây tổn thương cho niêm mạc thực quản.

Ngoài ra, bệnh còn có các nguyên nhân khác như: thoát vị hoành (dạ dày di chuyển lên phía trên cơ hoành gây ra tình trạng trào ngược), tăng áp lực ổ bụng, chậm làm trống dạ dày do viêm dạ dày, ung thư dạ dày.

2.2. Yếu tố nguy cơ

Có nhiều yếu tố nguy cơ góp phần gây ra bệnh:

– Lớn tuổi.

– Béo phì.

– Hút thuốc lá.

– Thuốc: thuốc điều trị hen suyễn, tăng huyết áp, thuốc an thần, trầm cảm…

– Thoát vị hoành: dạ dày di chuyển lên phía trên cơ hoành, vị trí này có thể dễ gây ra tình trạng trào ngược.

– Chế độ ăn: các thức ăn và đồ uống gây ra ợ nóng hoặc trào ngược đó là: socola, cà chua, thức ăn cay nóng hoặc chua, đồ uống có gas… Ngoài ra, thói quen ăn uống, số lượng và thời gian ăn cũng ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh.

– Phụ nữ mang thai: triệu chứng của họ thường chấm dứt ngay sau sinh.

 

 

3. Triệu chứng trào ngược dạ dày

– Ợ nóng: Đây là triệu chứng cổ điển và phổ biến nhất của bệnh. Người bệnh cảm giác nóng rát vùng mũi ức, lan dọc sau xương ức lên cổ, thường xảy ra sau bữa ăn (nhất là sau khi ăn quá no, ăn cay, chua, uống rượu bia…) lên khi nằm ngửa hoặc ngồi cúi ra trước.

– Ợ chua: cảm giác chua và nóng ở cổ và miệng, có thể có một phần thức ăn không tiêu.

– Đau tức ngực: cảm giác đau thắt, đè ép ở ngực. Đây là một triệu chứng khá phổ biến, rất cần thiết phân biệt đau ngực do nguyên nhân tim mạch để loại trừ.

– Buồn nôn, nôn mửa.

– Khàn giọng: do dịch dạ dày trào ngược lên ảnh hưởng đến thanh quản.

– Cảm giác vướng hoặc có u trong cổ họng: nguyên nhân là do dịch axit tiếp xúc với cùng hầu họng làm tăng trương lực cơ vòng thực quản.

– Nuốt khó, nuốt đau: là dấu hiệu báo động có thể là biến chứng loét, bệnh ác tính do dịch axit dạ dày. Các dấu hiệu báo động khác như: thiếu máu, chảy máu, sụt cân…

 

4. Biến chứng trào ngược dạ dày thực quản

Biến chứng của bệnh bao gồm:

– Viêm thực quản: trường hợp nghiêm trọng khi axit dạ dày ăn mòn rộng có thể gây loét, xuất huyết tiêu hóa trên với các triệu chứng như nôn ra máu, đi cầu phân đen, thiếu máu… Tiếp xúc với dịch axit dạ dày liên tục thời gian dài có thể dẫn đến hình thành sẹo, gây hẹp thực quản với triệu chứng chính là khó nuốt.

– Barrett thực quản: thường do trào ngược nặng và kéo dài, niêm mạc lát tầng của thực quản bị thay thế bằng biểu mô trụ. Là một hình thái tiền ung thư và cần được sinh thiết để chẩn đoán cũng như ngăn ngừa biến đổi ác tính.

– Rối loạn giấc ngủ: Khi nằm, khả năng nuốt bị giảm đi cũng như không còn trọng lực để đẩy dịch dạ dày đi xuống làm cho các triệu chứng của trào ngược dễ xảy ra. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng giấc ngủ của bệnh nhân. Bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản cần hỏi tư vấn từ bác sĩ để có chất lượng giấc ngủ tốt hơn.

Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ ngay khi có bất cứ triệu chứng nào của bệnh trào ngược dạ dày thực quản hoặc các vấn đề về giấc ngủ do bệnh gây ra. Bác sĩ sẽ giúp bạn xác định chính xác tình trạng bệnh, nguyên nhân gây ra. Từ đó, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm cần thiết và đề nghị phương án điều trị tốt nhất.

 

5. Chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường chẩn đoán lâm sàng dựa vào triệu chứng bao gồm ợ nóng, ợ chua và các triệu chứng khác. Khi nghi ngờ, bác sĩ có thể điều trị cho bạn trong 8 tuần, nếu giảm hoặc ngừng triệu chứng thì cũng được coi là chẩn đoán hiệu quả. Trong trường hợp bệnh nhân đáp ứng với điều trị, không xuất hiện triệu chứng mới và không có dấu hiệu báo động, có thể điều trị tiếp mà không cần làm xét nghiệm gì thêm.

Các phương pháp chẩn đoán bệnh:

– Nội soi dạ dày – thực quản: Phương tiện được sử dụng nhiều nhất để đánh giá bệnh và các biến chứng có thể xảy ra đó là nội soi dạ dày – thực quản. Chỉ nên nội soi khi có triệu chứng mới, dấu hiệu báo động, dùng để sàng lọc đối với những bệnh nhân có nguy cơ cao hoặc có biến chứng như viêm thực quản hoặc Barret.

– Theo dõi pH 24h: là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán, đặc biệt hữu ích với những bệnh nhân có triệu chứng nhưng kết quả nội soi bình thường.

 

6. Điều trị trào ngược dạ dày

Chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời giúp cải thiện triệu chứng, quản lí và ngăn ngừa biến chứng, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Điều trị bao gồm:

6.1. Điều trị bằng thuốc

Thuốc giúp giảm triệu chứng và giảm thiểu tổn thương niêm mạc do axit dạ dày gây ra gồm:

– Thuốc ức chế bơm proton (PPIs): tác dụng mạnh nhất, liều chuẩn 1 lần/ngày, nếu đáp ứng kém thì dùng liều gấp đôi với 2 lần/ngày, uống trước ăn sáng 30 phút. Điều trị ít nhất 8 tuần, khi đã ổn chuyển sang điều trị duy trì và giảm liều dần.

– Thuốc ức chế histamine H 2: có thể thêm vào giai đoạn điều trị duy trì của PPIs, uống trước khi đi ngủ.

– Các thuốc khác: thuốc trợ vận động, antacid…

Người bệnh cần dùng thuốc đã được bác sĩ kê toa, tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc không có chỉ định của bác sĩ.

6.2. Thay đổi lối sống

Nếu bệnh nhân không có các triệu chứng báo động (nuốt khó, nuốt đau, thiếu máu, chảy máu, sụt cân…) và không có biến chứng, thay đổi lối sống vẫn là điều trị đầu tay và quan trọng nhất. Bao gồm:

– Nằm đầu cao giúp giảm sự tiếp xúc giữa axit với thực quản.

– Giảm cân ở những bệnh nhân có thể trạng thừa cân.

– Ăn chậm, nhai kĩ, chia nhiều bữa nhỏ.

– Ngồi thẳng, không uống nước trong khi ăn.

– Không ăn trước khi ngủ.

– Tránh các thực phẩm chua, cay, nóng, nhiều chất béo…. như: socola, cam,chanh, cà chua, hành, đồ chiên, thức uống có gas…

– Không hút thuốc lá, uống rượu bia, café.

– Thay thế sữa nguyên chất bằng sữa ít béo, sữa hạt… Thay thế thịt chiên, thịt mỡ bằng thịt nạc, cá, đậu phụ, trứng và các loại rau củ quả.

Để điều trị và ngăn ngừa bệnh trào ngược dạ dày thực quản hiệu quả, ngoài kiên trì tuân thủ điều trị bằng thuốc, thay đổi chế độ sống, chế độ ăn uống khoa học người bệnh cần thường xuyên thăm khám để bác sĩ. Bác sĩ sẽ giúp bạn đánh giá và đưa ra phướng án điều trị tốt nhất. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần nắm được trào ngược dạ dày nguyên nhân và triệu chứng để chủ động phòng ngừa bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top