✴️ Nhận biết triệu chứng của đau dạ dày tá tràng để kịp thời xử lý

Bệnh đau dạ dày tá tràng rất phổ biến ở nước ta, số người bị bệnh đang có xu hướng tăng lên. Bệnh tuy không gây nguy hiểm ngay đến tính mạng nhưng nếu để lâu sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm như xuất huyết đường tiêu hóa, thậm chí ung thư dạ dày. Do vậy, nắm vững triệu chứng của đau dạ dày tá tràng giúp bạn có hướng điều trị đúng và kịp thời.

 

1. Thế nào là đau dạ dày tá tràng?

Đau dạ dày tá tràng là bệnh lý thường gặp hiện nay, bệnh có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, từ trẻ em cho đến người lớn tuổi. Đây là tình trạng xuất hiện các vết viêm loét tại niêm mạc dạ dày và tá tràng. Những ổ viêm loét này xuất hiện khi lớp niêm mạc tế bào bị bào mòn để lộ lớp dưới của ruột.

Triệu chứng đau dạ dày tá tràng giai đoạn đầu thường dễ nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa thông thường khác. Bệnh để lâu không điều trị sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

Viêm loét dạ dày tá tràng là một bệnh lý rất phổ biến tại đường tiêu hóa

 

2. Các triệu chứng của đau dạ dày tá tràng là gì?

2.1. Đau vùng thượng vị – Triệu chứng của đau dạ dày tá tràng dễ nhận biết

Người bệnh thường xuyên cảm thấy đau vùng thượng vị (vùng nằm dưới xương ức). Mỗi bệnh nhân có cảm nhận về cơn đau thượng vị khác nhau: Có người bị đau âm ỉ, đau tức khó chịu, nhưng có những người có cơn đau quặn, dữ dội, cơn đau có thể lan ra sau lưng kèm khó thở, tức ngực. Thường những cơn đau thượng vị dữ dội xảy ra ở những bệnh nhân viêm dạ dày tá tràng giai đoạn nặng.

Thời gian đau ở mỗi bệnh nhân cũng khác nhau. Có người đau thượng vị âm ỉ cả ngày, có người xuất hiện cơn đau liên quan đến bữa ăn như đau khi đói, đau khi ăn no… Hoặc cơn đau cũng có thể xuất hiện khi người bệnh căng thẳng hay ăn thực phẩm lạ…

Theo các bác sĩ chuyên khoa nếu mới bị viêm các cơn đau sẽ xuất hiện khi người bệnh ăn no, còn khi đã loét dạ dày tá tràng nặng cơn đau sẽ xảy ra bất cứ lúc nào.

2.2. Người bệnh luôn cảm thấy chướng bụng và ăn nhanh no

Khi bị viêm loét, chức năng co bóp đẩy thức ăn từ dạ dày xuống tá tràng sẽ bị suy giảm, làm cho thức ăn ứ đọng tại dạ dày lâu hơn dẫn đến cảm giác đầy bụng, ăn nhanh no. Triệu chứng này xuất hiện rõ rệt trong bữa ăn khiến người bệnh không muốn ăn tiếp hoặc không thể ăn hết một bữa ăn bình thường.

2.3. Ợ hơi – Triệu chứng của đau dạ dày tá tràng

Ợ hơi là triệu chứng xuất hiện tiếp sau biểu hiện đầy bụng, ăn nhanh no. Bình thường hơi được sản sinh trong quá trình tiêu hóa sẽ được thải ra ngoài theo đường hậu môn (đánh rắm) và thoát ra đường miệng (ợ hơi). Khi bị viêm loét dạ dày tá tràng, thức ăn bị ứ đọng lâu khiến người bệnh ợ hơi rất nhiều lần trong ngày.

2.4. Người bệnh bị buồn nôn và nôn ra thức ăn – Triệu chứng của đau dạ dày tá tràng mức độ nặng

Rối loạn tiêu hóa khi bị đau dạ dày tá tràng khiến người bệnh khó chịu, dẫn đến hiện tượng cơ thể muốn tống khứ các chất chứa trong dạ dày ra ngoài gây ra triệu chứng buồn nôn, nôn. Sau khi nôn, người bệnh sẽ giảm cảm giác khó chịu, nếu chất nôn có máu đỏ hoặc đen sẫm, có thể người bệnh bị chảy máu tiêu hóa trong.

2.5. Người bệnh có triệu chứng chán ăn và sụt cân

Niêm mạc dạ dày tá tràng bị viêm loét khiến quá trình hoạt động của hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng, các chất dinh dưỡng được hấp thụ đi nuôi cơ thể bị gián đoạn. Cùng với việc người bệnh luôn cảm thấy đầy bụng, ợ hơi, khó tiêu, buồn nôn… làm giảm cảm giác ngon miệng, chán ăn dẫn đến sụt cân.

Những người có bệnh viêm loét dạ dày tá tràng mãn tính nếu thấy cân sụt quá nhanh cần đến ngay bệnh viện chuyên khoa ngay vì đó là dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư dạ dày.

Triệu chứng của đau dạ dày tá tràng rất đa dạng như đau thượng vị, ợ hơi, nôn, chán ăn…

2.6. Người bệnh bị mệt mỏi, suy nhược và hạ huyết áp

Viêm loét dạ dày tá tràng có thể khiến chảy máu đường tiêu hóa khiến người bệnh thiếu máu, quá trình tiêu hóa bị ảnh hưởng khiến người bệnh bị thiếu chất, cơ thể suy nhược kèm theo là tình trạng tụt huyết áp.

 

3. Những nguyên nhân dẫn đến đau và viêm dạ dày tá tràng

Ống tiêu hóa của cơ thể con người được bao phủ một lớp nhầy giúp bảo vệ khỏi sự hủy hoại acid. Vì một lý do nào đó, khiến acid hủy hoại lớp nhầy, gây tổn thương lớp niêm mạc tế bào dạ dày tá tràng sẽ gây ra tình trạng viêm. Các lý do dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng có thể kể đến là:

3.1. Nhiễm vi khuẩn HP dương tính

Theo ước tính có đến 70% dân số Việt Nam bị nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori). Phần lớn người bị nhiễm vi khuẩn này có thể chung sống hòa bình, không bị viêm loét. Nhưng ở một số người, vi khuẩn HP sẽ gây ra viêm loét dạ dày tá tràng.

Vi khuẩn HP rất dễ lây lan qua đường tiêu hóa như khi ăn phải thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, thói quen ăn chung bát canh hay bát nước chấm, lây qua tiếp xúc nước bọt của người nhiễm vi khuẩn HP.

3.2. Đau dạ dày tá tràng do thường xuyên sử dụng một số loại thuốc giảm đau

Thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau trong thời gian dài sẽ dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng. Do thành phần của các loại thuốc giảm đau thúc đẩy việc ăn mòn lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày tá tràng, khiến acid dễ dàng hủy hoại gây ra viêm loét.

3.3. Các yếu tố nguy cơ thúc đẩy viêm loét dạ dày tá tràng

Bên cạnh các nguyên nhân kể trên, người bệnh sẽ tăng nguy cơ đáng kể loét dạ dày tá tràng nếu:

+ Sử dụng đồ uống có cồn. Rượu bia và các chất kích thích sẽ phá hủy niêm mạc và tăng sản xuất acid dạ dày.

+ Người bệnh hút thuốc làm tăng khả năng đau dạ dày tá tràng, nhất là những người nhiễm vi khuẩn HP.

+ Người bệnh thường xuyên sử dụng thức ăn cay chua, nóng, thực phẩm lên men như cà muối, dưa muối…

+ Đối diện với áp lực công việc, cuộc sống trong thời gian dài cũng là một nguyên nhân thúc đẩy đau dạ dày tá tràng.

Với các kiến thức trên, mong rằng bạn đọc nắm vững triệu chứng của đau dạ dày tá tràng để nhận biết kịp thời từ đó có hướng khám và điều trị đúng, chặn đứng các biến chứng nguy hiểm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top