Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh khá phổ biến tuy nhiên hầu hết người bệnh còn khá chủ quan. Dưới đây là những con số đáng kinh ngạc về bệnh trào ngược dạ dày thực quản cảnh báo về mức độ nguy hiểm của bệnh cần được phát hiện và điều trị hiệu quả.
1. Những con số đáng kinh ngạc về bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Theo những thống kê của các bệnh lý tiêu hóa trong đó có bệnh trào ngược dạ dày thực quản, những con số đáng kinh ngạc như:
Hơn 7 triệu người dân Việt Nam đang mắc bệnh.
Độ tuổi từ 30 đến 50 là độ tuổi mắc bệnh nhiều nhất. Nam giới dễ mắc và bị bệnh nặng hơn nữ giới.
60% bệnh nhân trào ngược bị biến chứng tai mũi họng với các biểu hiện viêm thanh quản mạn tính, khàn giọng, cảm giác vướng cổ, ho mạn tính, viêm mũi xoang mạn…
45% bệnh nhân có biến chứng viêm thực quản, từ đó dẫn tới các biến chứng nặng hơn như: loét thực quản, chít hẹp thực quản, tiền ung thư (barrett) và ung thư thực quản.
90% người bệnh ung thư thực quản phát hiện ra bệnh khi ung thư đã ở giai đoạn cuối và không thể chữa trị.
2. Biến chứng nguy hiểm bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Thực chất bệnh trào ngược không quá nguy hiểm nhưng người bệnh không nên chủ quan để tình trạng bệnh kéo dài quá lâu, sẽ có thể gây biến chứng nguy hiểm như:
Hẹp thực quản: Khi các vết loét lành lại thành mô sẹo, chúng làm thu hẹp thực quản gây ra tình trạng khó nuốt.
Loét, chảy máu thực quản: Acid dạ dày trào ngược tiếp xúc với niêm mạc thực quản có thể làm xói mòn các niêm mạc gây loét. Các vết loét này có thể chảy máu, gây đau và khiến người bệnh có cảm giác khó nuốt ngay cả khi uống nước.
Ung thư thực quản: Đây là một biến chứng thực sự nguy hiểm của bệnh trào ngược dạ dày. Mỗi năm thế giới có khoảng 600.000 ca ung thư thực quản và dạ dày, riêng ở Việt Nam là 7.000 ca. Thông thường người bệnh được chẩn đoán muộn, phải phẫu thuật cắt bỏ khối u và tái tạo phức tạp. Tỷ lệ sống thêm 3 năm là dưới 5%.
3. Lưu ý trong điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Người bệnh trào ngược dạ dày thực quản, để điều trị hiệu quả cần lưu ý một vấn đề sau:
Lựa chọn lối sống khoa học, hạn chế làm việc căng thẳng, tăng cường nghỉ ngơi.
Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, các loại nước có gas.
Không nên ăn quá no, nên chia các bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, tránh ăn vào các buổi tối miệng và không nên uống quá nhiều nước trong khi ăn.
Hạn chế các loại thức ăn có nhiều dầu mỡ, thức ăn cay, các loại đồ ăn chua hoặc các món ăn gây kích thích dạ dày làm tăng khả năng trào ngược.
Kiểm soát cân nặng ở mức bình thường, không để tình trạng thừa cân béo phì.
Tăng cường tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh