✴️ Những điều cần biết về Polyp túi mật và cách điều trị

Nội dung

Polyp túi mật là gì, được hình thành do đâu? Polyp túi mật có nguy hiểm không và có thể được xử trí như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cụ thể hơn về polyp túi mật và cách điều trị qua bài viết dưới đây nhé!

 

1. Polyp túi mật là gì?

Polyp túi mật (hay còn gọi là u nhú niêm mạc túi mật) là dạng u hoặc giả u xuất hiện trên bề mặt niêm mạc của túi mật. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi (nhưng người trưởng thành thường hay gặp hơn so với trẻ em) và tỷ lệ mắc là tương đương nhau giữa nam và nữ giới.

Polyp túi mật xuất hiện trong cộng đồng với tỷ lệ mắc tương đối thấp, chỉ khoảng từ 0,03 đến 0,09%, thấp hơn so với sỏi túi mật.

Polyp túi mật thường được chia thành hai nhóm là lành tính và ác tính:

– Polyp lành tính: Chiếm khoảng 92% số trường hợp, gồm 2 dạng phổ biến là u thật (u cơ, u mỡ, u tuyến,…) và u giả (viêm giả u, u cholesterol, u cơ tuyến,…).

– Polyp ác tính: Chỉ chiếm 8% số trường hợp, thường gặp là các dạng ung thư di căn, u sắc tố hoặc ung thư tuyến.

 

2. Nguyên nhân hình thành polyp túi mật

Với các nghiên cứu hiện tại, chưa có thống kê nào xác nhận chính xác nguyên nhân gây polyp túi mật. Tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ gây polyp túi mật như:

– Gan mật hoạt động kém, suy giảm chức năng

– Mỡ máu cao

– Đường máu cao

– Cơ thể không cân đổi, thừa cân, béo phì

– Viêm gan do virus

– Thói quen ăn uống không lành mạnh: Ăn nhiều mỡ, chất béo, đồ ngọt.

Polyp túi mật cũng giống như sỏi túi mật, chịu ảnh hưởng rất lớn từ chế độ ăn hằng ngày. Vì vậy, để hạn chế nguy cơ polyp túi mật, bạn hãy cố gắng duy trì một chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh nhé.

 

3. Dấu hiệu thường thấy khi có polyp túi mật

Thông thường, polyp túi mật diễn biến khá chậm rãi và từ từ, ít khi đột ngột và nhiều đau đớn. Chỉ khi polyp đã phát triển đến một kích thước nhất định, các biểu hiện mới dần rõ ràng hơn, cụ thể thường gặp:

– Rối loạn bài tiết dịch mật, xuất hiện sỏi mật hoặc viêm túi mật.

– Đau tức khu vực thượng vị (chiếm khoảng 80%) và vùng hạ sườn phải.

– Các cơn đau có tính chất liên quan đến bữa ăn (thường sau ăn), khi có sự hoạt động của tuyến mật.

– Buồn nôn, khó tiêu, đầy bụng.

– Thông thường người bệnh không có sốt hay tắc mật.

Đau bụng là một trong số những biểu hiện thường gặp của polyp túi mật

 

4. Làm thế nào để biết bản thân có bị polyp túi mật hay không?

Các dấu hiệu bên trên chưa thực sự đặc trưng cho polyp túi mật, hoàn toàn có thể gặp ở nhiều dạng bệnh lý khác. Do đó, để xác định chính xác bạn có đang bị polyp túi mật hay không, các y bác sĩ cần thực hiện nhiều xét nghiệm, biện pháp để chẩn đoán. Thường sẽ gặp một số dạng chẩn đoán sau đây:

– Siêu âm ổ bụng: Chi phí thấp, xác định được sự xuất hiện, vị trí, kích thước và hình dạng, sự tiến triển của polyp. Phương pháp này có mức độ chính xác đạt khoảng 90%.

– Chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ: Thường áp dụng trong trường hợp phát hiện các polyp to có nguy cơ tiến triển sang dạng ác tính.

– Các xét nghiệm sinh hóa: Phát hiện các dấu hiệu của viêm nhiễm, virus viêm gan, đánh giá chức năng gan thận,…

Bên cạnh các biện pháp trên, còn có các phương pháp chẩn đoán khác như chụp cản quang đường mật, chụp đường mật nội soi ngược dòng. Tuy nhiên các cách này hiện nay ít được áp dụng trong lâm sàng.

Mỗi loại chẩn đoán, xét nghiệm đều có ưu nhược điểm khác nhau, áp dụng được cho từng nhóm đối tượng khác nhau. Do đó, khi tới khám, bạn nên thông tin đầy đủ tiền sử bệnh, bệnh lý mắc kèm hiện tại  và cả tiền sử bệnh đặc biệt của người thân (nếu có) để bác sĩ được biết và đưa ra chỉ định phù hợp nhất.

 

5. Xử trí như thế nào khi bị polyp túi mật?

Túi mật có vai trò bài tiết mật, đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Do đó, không thể tùy tiện chỉ định cắt bỏ túi mật khi chưa thực sự cần thiết. Các polyp lành tính chiếm tới 92% các trường hợp, người bệnh không cần thực hiện phẫu thuật cắt bỏ. Trong khi các dạng ác tính, với kích thước lớn hơn cần được chỉ định cắt bỏ sớm để loại trừ khả năng tiến triển thành ung thư.

5.1. Polyp túi mật và cách điều trị khi polyp có kích thước lớn

Các polyp kích thước lớn hơn 1cm, nhất là những polyp lớn hơn 1,5cm, có nguy cơ cao hình thành ung thư, cần được phẫu thuật ngăn chặn sớm.

Ngoài ra, vì polyp rất khó xác định chính xác nếu không có can thiệp xâm lấn, nên cách thức tiếp cận chẩn đoán và xử trí thường được tiến hành như sau: Nếu nghi ngờ phát hiện polyp qua siêu âm (bệnh nhân không có biểu hiện đau, sốt,…) thì kiểm tra lại sau 6 tháng hoặc 1 năm để khẳng định chắc chắn:

– Nếu không còn hình ảnh của polyp thì không cần xử trí tiếp.

– Nếu hình ảnh polyp rõ hơn, kích thước lớn hơn 1cm hoặc có biểu hiện ác tính phát hiện qua xét nghiệm máu (hoặc các biện pháp khác) thì cần chỉ định phẫu thuật.

5.2. Polyp túi mật và cách điều trị khi polyp có kích thước nhỏ

Theo nhiều nghiên cứu chỉ ra, các polyp kích thước dưới 1cm hầu hết đều lành tính, chỉ cần theo dõi thường xuyên mỗi 3 đến 6 tháng, không cần phẫu thuật. Trong thời gian này, người bệnh nên lưu ý thực hiện chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý và vận động thể dục thể thao thường xuyên, hạn chế tối đa quá trình phát triển của khối polyp.

 

6. Cách phòng bệnh polyp túi mật

Để hạn chế nguy cơ mắc polyp túi mật, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:

– Tăng cường khẩu phần rau củ quả, chất xơ trong bữa ăn.

– Hạn chế da của các loại gia cầm (như gà, ngan, vịt,…) và nội tạng động vật.

– Hạn chế sử dụng chất kích thích, rượu bia, thuốc lá.

– Áp dụng chế độ ăn đa dạng các loại đậu, hạt, yến mạch, thay chất béo động vật bằng dầu thực vật, ăn cá thay cho các loại thịt đỏ,…để hạn chế béo phì và giảm khả năng hình thành cholesterol.

– Tăng cường hoạt động thể chất, duy trì thói quen vận động mỗi ngày.

– Siêu âm túi mật định kỳ.

Hiện nay, với các biện pháp, kỹ thuật y học hiện đại đều cho khả năng xử trí bệnh lý hiệu quả, trong đó có cả polyp túi mật. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm bệnh vẫn đóng vai trò quan trọng. Ngay khi thấy bản thân xuất hiện các biểu hiện bất thường, bạn nên nhanh chóng tới cơ sở y tế để thăm khám và tư vấn phương pháp xử trí phù hợp nhất.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top