✴️ Những điều cần phải làm ngay khi bị viêm gan B

Nhiều người khi được chẩn đoán bị viêm gan B thì hốt hoảng, lo sợ vì nghe nhiều thông tin là căn bệnh này khó mà chữa khỏi, có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như xơ gan hoặc ung thư gan sau này. Theo tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” có không ít trường hợp theo lời mách bảo của bạn bè hoặc người quen, cố gắng thử mọi cách điều trị được giới thiệu mà không biết có phù hợp với tình trạng bệnh của mình hay không. Một số tư vấn sau đây sẽ giúp người bệnh xác định rõ cần làm gì để chăm sóc tốt cho bản thân, chiến đấu với căn bệnh viêm gan B.

Tỷ lệ nhiễm virut viêm gan b (HBV) ở nước ta chiếm tỷ lệ khá cao

Lựa chọn bệnh viện uy tín về khám, điều trị viêm gan B

Ngay khi nghi ngờ mắc bệnh viêm gan B, điều đầu tiên cần làm là lựa chọn bệnh viện uy tín với đội ngũ bác sĩ giỏi, có đầy đủ trang thiết bị y tế hiện đại và chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp để kiểm tra. Qua thăm khám và các xét nghiệm cần thiết như siêu âm gan, xét nghiệm chức năng gan, sinh thiết gan đồng thời tìm HBV/DNA trong máu, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán và tư vấn cách điều trị như thế nào là phù hợp.

Hiểu rõ tình trạng bệnh của bản thân

Trước hết cần biết viêm gan B có hai loại: cấp tính và mạn tính. Viêm gan B cấp tính là giai đoạn đầu của bệnh viêm gan B, thường xuất hiện đột ngột và chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, phần lớn người bệnh sẽ phục hồi sau khoảng 1 – 2 tháng. Tuy nhiên có một số ít trường hợp sẽ tiến triển thành thành bệnh viêm gan B mạn tính, gây suy gan, làm tăng nguy cơ ung thư gan sau này. Khi đã hiểu rõ tình trạng bệnh của bản thân, hãy tích cực điều trị và tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn của bác sĩ.

Cho người thân biết về tình trạng bệnh của mình

Thông báo cho vợ/chồng/bạn tình biết về tình trạng bệnh của bản thân để chủ động phòng tránh lây nhiễm.

Viêm gan B có thể lây truyền qua tiếp xúc với máu, huyết thanh, tinh dịch và dịch âm đạo. Rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi chạm vào máu hoặc dịch cơ thể. Bỏ các vật dụng cá nhân như khăn giấy, băng vệ sinh hoặc băng gạc vào trong túi đựng rác, không vứt bừa bãi. Tất cả các vết cắt, vết thương hở… của người bệnh phải được băng bó cẩn thận bằng băng gạc.

Thông báo cho vợ/chồng/bạn tình biết về tình trạng bệnh của bản thân. Những người thường xuyên có quan hệ tiếp xúc với người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm để kiểm tra xem liệu đã bị lây nhiễm hay chưa và nếu không có miễn dịch với virus, họ sẽ được tiêm vaccine. Tương tự những người sống cùng nhà với người mang bệnh, cũng cần thực hiện các xét nghiệm kiểm tra viêm gan B và tiêm vaccine phòng bệnh ngay.

Học cách tự chăm sóc sức khỏe

Bên cạnh việc điều trị y tế, một chế độ ăn uống – sinh hoạt hợp lý cũng góp phần hạn chế tiến triển của bệnh.

Về chế độ ăn uống: một yếu tố đóng vai trò hỗ trợ điều trị viêm gan B là lựa chọn đúng loại thức ăn phù hợp. Điều này nghĩa là  ăn thực phẩm lành mạnh, ít chất béo,  đủ chất đạm và uống nhiều nước. Chế độ ăn uống hợp lý giúp người bệnh tránh bị thừa cân hoặc béo phì vì chất béo dư thừa sẽ tích tụ trong gan (gan nhiễm mỡ), có thể làm tổn hại thêm gan.Tập thể dục thường xuyên: tập thể dục là một phần quan trọng khác mà người bệnh viêm gan B cần lưu ý. Vì các triệu chứng viêm gan có thể khác nhau về mức độ nghiêm trọng, nên bệnh nhân viêm gan nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu một chương trình tập thể dục. Các hình thức luyện tập vừa phải như đi dạo, bơi lội, tập yoga vài lần một tuần…có thể cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. Nếu cảm thấy quá mệt mỏi để luyện tập, chỉ cần ra ngoài tận hưởng không khí trong lành và kéo giãn cơ thể một chút sẽ giúp tăng cường năng lượng, chống lại các triệu chứng của bệnh viêm gan B.

Quan hệ tình dục an toàn: như đã đề cập ở phần trên, người bệnh nên nói cho bạn đời biết mình bị viêm gan B và nguy cơ lây truyền. Sử dụng bao cao su mỗi lần quan hệ tình dục. Bao cao su latex được tin tưởng là có hiệu quả phòng bệnh đến 99%.

Tránh hoặc hạn chế tuyệt đối uống rượu, bia và không hút thuốc lá. Gan có thể bị tổn thương nghiêm trọng hơn bởi các chất độc hại có trong những sản phẩm này.

Không sử dụng chung các vật dụng cá nhân:  bàn chải đánh răng, dao cạo, kim tiêm, ống tiêm, móng tay, máy cắt, kéo, hoặc bất cứ vật nào có thể tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể với bất cứ ai.

Lên kế hoạch thăm khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ

Thăm khám định kỳ từ 3 đến 6 tháng/ lần để theo dõi bệnh và khống chế những biến chứng có thể gặp phải.

Người bệnh viêm gan B cần được tiến hành kiếm tra sức khỏe đinh kì từ 3 đến 6 tháng/ lần để theo dõi bệnh và khống chế những biến chứng có thể gặp phải.

Viêm gan B càng được điều trị sớm bao nhiêu thì người bệnh càng có cơ hội chữa khỏi bấy nhiêu. Vì thế người bệnh viêm gan B cần chuẩn bị tinh thần điều trị tích cực theo đúng chỉ định của bác sĩ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top