✴️ Viêm dạ dày và loét dạ dày – tá tràng: Phân biệt và điều trị

1. Thế nào là viêm dạ dày và loét dạ dày – tá tràng?

1.1. Viêm dạ dày

Viêm dạ dày là cụm từ chung thường được dùng để chỉ những người bệnh có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa trên, như đau vùng thượng vị, đầy hơi, khó tiêu… Thực chất, muốn chẩn đoán viêm dạ dày một cách chính xác cần phải dựa vào các hình ảnh tổn thương quan sát được khi nội soi dạ dày như niêm mạc bị phù nề, sung huyết, lấm tấm xuất huyết… Viêm có thể thấy ở toàn bộ dạ dày hoặc chỉ ở một vùng của dạ dày (ví dụ viêm thân vị, viêm hang vị). 

1.2. Loét dạ dày – tá tràng 

Các vết sướt, trợt niêm mạc dạ dày là những vết loét nông, mất một phần lớp niêm mạc, có thể tiến triển thành loét dạ dày thật sự. Loét dạ dày là ổ loét ăn sâu xuống hết lớp niêm mạc đến lớp cơ dạ dày, có thể tạo thành sẹo ở lớp hạ – niêm mạc dạ dày và đôi khi ăn mòn xuống cả lớp cơ. Loét hành tá tràng là ổ loét sâu  xuất  hiện ở vùng hành tá tràng (hành tá tràng là đoạn đầu  tiên hơi phình to của ruột non, tiếp ngay sau lỗ môn vị).

Loét hành tá  tràng gặp nhiều hơn 4 lần so với loét dạ dày.

Khoảng 4% loét dạ dày có thể là tổn thương ung thư (carcinom dạ dày dạng loét), có bờ nhô cao và không đều, khi nghi ngờ cần phải sinh thiết nhiều mẫu để xác định chẩn đoán.

2. Nguyên nhân gây viêm dạ dày và loét dạ dày – tá tràng 

  • Do dạ dày tăng tiết acid và pepsin làm phá hủy niêm mạc dạ dày. Bình thường, dạ dày được một lớp chất nhầy bao phủ bên trên để che chở chống lại sự phá hủy của acid. Ở một  số  người, lớp nhầy bảo vệ này được tạo ra ít hơn thông thường hoặc lượng acid được tiết ra quá nhiều, làm ăn mòn niêm mạc dạ dày và gây ra loét.
  • Do nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) tại dạ dày: tỷ lệ nhiễm HP chiếm khoảng 75% trong loét dạ dày và gần như 100% trong loét hành tá tràng.
  • Các nguyên nhân khác: thuốc lá, rượu, u tăng tiết gastrin của tụy tạng gây tăng tiết acid của dạ dày (hội chứng Zollinger – Ellison), dùng aspirin hay thuốc chống viêm không steroid hoặc corticoid quá nhiều hoặc dùng dài hạn (trong đau xương – khớp). Ngoài ra, tinh thần căng thẳng lo âu, sau một nhiễm trùng, chấn thương, hoặc bỏng nặng… có thể tạo tình trạng stress cũng làm tăng tiết acid và gây loét.

Helicobacter Pylori (HP) là gì?

HP là loại vi khuẩn rất hay gặp, sống ở trong lớp nhầy che  phủ mặt trong của dạ dày. Tỷ lệ nhiễm HP rất cao, thay đổi tùy từng quốc gia, thường từ 10 – 75% và tăng theo tuổi. Nhiễm HP có thể là một trong những nguyên nhân gây ra viêm, loét DD-TT và kể cả ung thư dạ dày. HP lây nhiễm qua đường tiêu hóa do ăn uống, lây trực tiếp từ nước bọt hoặc qua các dụng cụ y tế thực hiện tại ống tiêu hóa không được khử khuẩn sạch.

 Nguyên nhân gây viêm dạ dày và loét dạ dày – tá tràng 

3. Triệu chứng của viêm dạ dày và loét dạ dày – tá tràng 

Nhiễm HP có thể không có triệu chứng. Viêm dạ dày do nhiễm HP có thể biểu hiện bằng các rối loạn tiêu hóa xảy ra sau bữa ăn 15 – 60 phút như đau bụng, cảm giác khó chịu, nặng tức bụng thường xuyên, đầy bụng, trướng  hơi, nóng rát vùng trên rốn, buồn nôn, chán ăn…

Loét tá tràng thường đau muộn khoảng 2 – 3 giờ sau ăn và khi ăn thêm thì bớt đau, nhiều khi đau khởi phát vào lúc 2 giờ sáng khi đang ngủ. Loét dạ dày thường đau sớm, khoảng ½ giờ sau ăn, đau kéo dài và nặng hơn, kèm sút cân.

Khi nghĩ mình bị loét, phải đi khám bác sĩ để xác định bệnh.

4. Các biến chứng của viêm dạ dày và loét dạ dày – tá tràng

  • Chảy máu: nôn ra máu (có thể có lẫn thức ăn), đi tiêu phân đen như bã cà phê hoặc nhựa đường.
  • Hẹp môn vị: nôn thức ăn ứ đọng trong dạ dày, lắc bụng phát hiện dấu hiệu óc ách khi đói, dạ dày giãn to, có dấu hiệu Bouveret dương tính.
  • Thủng ổ loét: biểu hiện bằng đau bụng đột ngột dữ dội, bụng gồng co cứng…
  • Loét ung thư hóa: chỉ xảy ra đối với loét dạ dày, hầu như không gặp ở loét hành tá tràng.

5. Chẩn đoán  viêm dạ dày và loét dạ dày – tá tràng 

Các dấu hiệu lâm sàng chỉ có tính gợi ý. Muốn xác định bệnh chính xác phải nội soi DD-TT. Trước đây, chụp dạ dày có thuốc cản quang barýt thường được thực hiện, còn hiện nay chủ yếu chỉ dùng để đánh giá các biến chứng như hẹp môn vị, ung thư dạ dày.

Để phát hiện nhiễm HP có thể thực hiện một trong các phương pháp: thử máu tìm kháng thể kháng HP, tìm kháng nguyên HP trong phân, trong nước tiểu, xét nghiệm phát hiện gián tiếp qua hơi thở (PY test) hoặc các phương pháp lấy mẫu mô trực tiếp qua nội soi dạ dày như CLO test (hoặc test urease nhanh), nhuộm và cấy vi khuẩn…

6. Điều trị viêm dạ dày và loét dạ dày – tá tràng như thế nào?

6.1. Điều trị viêm dạ dày

  • Viêm dạ dày không do nhiễm HP có thể được điều trị bằng các thuốc – băng  tráng  dạ  dày  và  các  thuốc giảm tiết acid. Cần tránh các thức ăn chua, cay, rượu, trà, cà phê, mỡ động vật… Thận trọng khi  dùng các thuốc corticoid, thuốc kháng viêm không steroid, aspirin.
  • Viêm dạ dày có nhiễm HP phải điều trị tiệt trừ vi khuẩn mới có thể khỏi bệnh.

6.2. Điều trị loét dạ dày – tá tràng

  • Loét DD-TT không do nhiễm HP mà do dạ dày tăng chế tiết acid, được điều trị bằng các thuốc băng tráng dạ dày và các thuốc giảm tiết acid.
  • Loét DD-TT do nhiễm HP: dùng các phác đồ điều trị có thuốc giảm tiết acid và ít nhất 2 loại kháng sinh kết hợp để tiệt trừ vi khuẩn mới khỏi bệnh.
  • Để chữa lành ổ loét, thường phải mất 8 – 12 tuần với các cách điều trị chuẩn xác.
  • Can thiệp phẫu thuật chỉ trong các trường hợp biến chứng nặng như hẹp môn vị, thủng dạ  dày, ung thư dạ dày…

6.3. Một số điều cần lưu ý 

  • Không nên lạm dụng nội soi nhiều lần. Thời gian, liều lượng và thuốc điều trị cần theo chỉ định của bác sĩ.
  • Loét dạ dày thường là lành tính nhưng cũng có thể là ác tính (tức ung thư). Việc theo dõi và điều trị cần được tiến hành nghiêm ngặt tại bệnh viện chuyên khoa.

Trước khi kiểm tra đã tiệt trừ hết HP hay chưa, người bệnh cần phải ngưng dùng các thuốc giảm tiết acid ít nhất 2 tuần và kháng sinh ít nhất 4 tuần thì kết quả mới chính xác.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top