✴️Phòng ngừa trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh thường gặp nhưng không phải ai cũng là đối tượng mắc phải căn bệnh này. Để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi nguy cơ mắc bệnh, chúng ta cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa trào ngược dạ dày thực quản sau đây.

Trào ngược dạ dày thực quản có liên quan tới chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày do đó cách phòng bệnh hiệu quả nhất là:

 

1. Tránh những thực phẩm có vị chua, cay

Các món ăn có vị chua và cay nếu ăn quá nhiều sẽ gây kích thích niêm mạc dạ dày tiết ra axit dịch vị dư thừa. Axit dịch vị tiết ra quá mức cần thiết thì niêm mạc tế bào cũng có thể bị bào mòn, phá hủy gây nên các rối loạn chức năng dạ dày. Hình thành nên bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Vì thế để phòng ngừa trào ngược dạ dày chúng ta cần tránh các món chua, trái cây có vị chua như (khế, xoài, táo, cam, quýt, chanh…), gia vị chua, cay, nóng như (ớt, hạt tiêu, quế, đinh hương, ngũ vị hương). Tránh chất kích thích dạ dày rượu bia, thuốc lá.

 

2. Hạn chế những thực phẩm khó tiêu

Các  loại thực phẩm khó tiêu như thức ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm chiên rán, giàu chất đạm, thực phẩm chế biến sẵn… là thủ phạm dễ gây trào ngược dạ dày thực quản. Lý do là bởi các thực phẩm này khi được dung nạp vào cơ thể có thể gây nên tình trạng lên men tiết bọt khí gây ợ hơi, ợ chua và ợ nóng. Do đó để phòng trào ngược dạ dày thực quản chúng ta cần tránh các thực phẩm khó tiêu hóa vừa nêu trên.

 

3. Duy trì cân nặng ở mức độ ổn định

Theo nghiên cứu, những người thừa cân béo phì là đối tượng dễ bị trào ngược dạ dày thực quản. Vì thế tốt nhất chúng ta cần duy trì cân nặng ở mức độ ổ đinh. Tuy nhiên không được áp dụng các biện pháp giảm cân thiếu khoa học vì có thể phản tác dụng như:

  • Không nhịn ăn, bỏ bữa.
  • Không ăn nhiều đồ chua để giảm cân nhanh.
  • Không sử dụng thuốc giảm cân, thực phẩm chức ăn không rõ nguồn gốc gây hại dạ dày.

Những phương pháp này không những không thể giảm cân an toàn mà còn gây hại cho dạ dày, khiến tình trạng trào ngược dạ dày thực quản dễ xuất hiện và phát triển mạnh mẽ hơn.

 

4. Cân nhắc sử dụng thuốc tây đang dùng

Việc lạm dụng các loại thuốc trong điều trị bệnh có thể gây ảnh hưởng tới dạ dày. Cụ thể làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản. Các loại thuốc cần hạn chế là:

  • Thuốc chống viêm không steroid.
  • Thuốc chẹn kênh canxi (thường dùng để điều trị tăng huyết áp).
  • Một số thuốc điều trị hen, bao gồm thuốc chủ vận beta (như albuterol).
  • Thuốc kháng cholinergic (được dùng để điều trị các bệnh như dị ứng theo mùa và tăng nhãn áp).
  • Các bisphosphonate (được dùng để tăng mật độ xương).
  • Thuốc an thần và thuốc giảm đau.
  • Một số loại kháng sinh.

Để phòng trào ngược dạ dày thực quản người bệnh nên dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

 

  • Kali, viên sắt.
  • Thuốc giảm đau có tác dụng phụ gây đau dạ dày, viêm loét dạ dày tá  tràng, trào ngược dạ dày.

Khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Nếu như khi sử dụng các loại thuốc trên điều trị bệnh mà gặp phải triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản thì nên dừng thuốc và tới khám bác sĩ để có biện pháp xử trí hiệu quả.

 

5. Tránh căng thẳng, mệt mỏi

Căng thẳng mệt mỏi do áp lực công việc và cuộc sống sẽ làm tăng cơn co bóp dạ dày. Việc dạ dày co bóp thường xuyên sẽ làm tăng tiết dịch vị, tăng độ cọ sát gây hại tới dạ dày hình thành trào ngược dạ dày thực quản. Chính vì vậy để phòng trào ngược dạ dày thực quản chúng ta cần kết hợp làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế căng thẳng, mệt mỏi.

Tích cực vận động, thể dục thể thao hàng ngày nhằm tăng cường sức khỏe và phòng tránh bệnh hiệu quả.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top