✴️ Siêu âm can thiệp – chọc dịch ổ bụng xét nghiệm

Nội dung

ĐỊNH NGHĨA

Là một thủ thuật dùng kim chọc vào ổ bụng hút dịch ra làm xét nghiệm dưới hướng dẫn của siêu âm.

 

CHỈ ĐỊNH

Các trường hợp dịch ổ bụng số lượng không nhiều, cần phải chọc dưới hướng dẫn của siêu âm để làm xét nghiệm.

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Rối loạn đông máu: Prothrombine < 30%.

Tiểu cầu < 30 G/l.

Đường vào không an toàn trên siêu âm.

Người bệnh không đồng ý can thiệp.

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện

02 bác sĩ: 01 làm siêu âm, 01 chọc hút.

01 hoặc 02 điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên.

Phương tiện

Máy siêu âm: 01 chiếc

Cáng nằm: 01 chiếc

Kim chọc dò tủy sống 18G- 20G: 01 cái

Bơm tiêm 5ml: 01 cái, bơm tiêm 10 ml: 01 cái

Bông cồn: 01 lọ

Gạc vô trùng miếng nhỏ:10 cái

Xăng có lỗ: 01 cái

Cồn sát trùng 700: 01 lọ to dùng sát trùng tay

Băng dính y tế: 01 cuộn

Găng tay vô trùng: 03 đôi.

Người bệnh

Cần được giải thích rõ mục đích của thủ thuật, các tai biến có thể xảy ra. Phải ký vào giấy cam đoan làm thủ thuật.

Hồ sơ bệnh án

Có hồ sơ bệnh án đầy đủ, kèm theo phim chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ nếu có.

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Kiểm tra hồ sơ

Kiểm tra phiếu chỉ định, phiếu cam đoan của người bệnh. Phiếu xét nghiệm theo yêu cầu của bác sĩ điều trị.

Kiểm tra các xét nghiệm: Công thức máu, đông máu cơ bản, xét nghiệm HIV.

Kiểm tra người bệnh

Kiểm tra mạch, huyết áp, nhịp thở.

Thực hiện kỹ thuật

Người bệnh được nằm trên cáng theo qui trình siêu âm bụng.

Bác sĩ làm siêu âm kiểm tra vị trí dịch trong ổ bụng, chọn đường vào.

Điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên sát trùng nơi sẽ chọc.

Bác sĩ làm chọc hút đi găng vô trùng, trải săng có lỗ vào vị trí chọc dịch.

Dùng kim chọc qua da và vào thẳng vị trí dịch, sau đó dùng bơm tiêm tiêm 10ml hút dịch ra làm xét nghiệm theo yêu cầu của bác sĩ điều trị ghi trên giấy xét nghiệm: Nuôi cấy, làm tế bào, hóa sinh….

Băng dính gạc chỗ chọc, sau đó chuyển người bệnh về phòng theo dõi.

 

TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

Nhìn chung đây là thủ thuật khá an toàn cho người bệnh, tuy nhiên cũng lưu ý một số tai biến có thể xảy ra như sau:

Chảy máu: theo dõi sát, nếu chảy ít không cần can thiệp mà người bệnh cần nằm theo dõi thêm, chảy nhiều nên can thiệp ngoại khoa, truyền máu.

Thủng tạng rỗng: phẫu thuật.

Đau chỗ chọc: có thể uống thuốc giảm đau như: Efferalgan…

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ Y tế, Quy trình kỹ thuật bệnh viện.

Phillip M Hokgkin, A.R. Bodenham, Scott T. Reeves: “Practical Ultrasound in Anesthesia for critical care and pain management”, Informa Healthcare, New York London, 2008.

Daniel A. Lichtenstein: “General Ultround in the Critically Ill”, Springer – Verlag France, 2002.

http://emedicine.medscape.com/article/80944-overview.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top