✴️ Siêu âm can thiệp - sinh thiết nhu mô gan tổn thương u gan bằng súng PROMAG

Nội dung

ĐẠI CƯƠNG

Sinh thiết nhu mô gan, u gan bằng súng Promag là kỹ thuật lấy bệnh phẩm để xét nghiệm mô bệnh học tại đúng vùng tổn thương. Thủ thuật được thực hiện dưới sự hướng dẫn của siêu âm.

 

CHỈ ĐỊNH

Các tổn thương khu trú ở gan, nhất là những tổn thương nghi ngờ ác tính.

Các tổn thương lan tỏa: viêm gan, lao, xơ, rối loạn chuyển hóa.

Sarcoidose.

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Tuyệt đối: các rối loạn đông máu như tỷ lệ Prothrombin < 60%, tiểu cầu < 80 G/l.

Tương đối: cổ trướng nhiều, người bệnh trong tình trạng nặng, gan đa nang.

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện

02 bác sĩ (01 điều khiển máy, 01 thủ thuật viên) và 01 điều dưỡng phụ.

Phương tiện

Máy siêu âm với đầu dò chuyên dụng. Súng Promag với kim. Dụng cụ khác: kim, bơm tiêm, thuốc sát khuẩn, thuốc tê, lọ đựng bệnh phẩm sinh thiết, khăn trải có lỗ.

Người bệnh

Được giải thích kỹ về thủ thuật.

Hồ sơ bệnh án

Có đủ xét nghiệm về công thức máu, đông máu cơ bản, HIV.

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Kiểm tra hồ sơ: tên, tuổi người bệnh, các xét nghiệm đông máu chảy máu.

Kiểm tra người bệnh: tình trạng toàn thân, mạch, huyết áp.

Thực hiện kỹ thuật:

Đặt đầu dò tìm vị trí chọc thuận lợi nhất, đường đi không xuyên qua mạch máu hoặc túi mật, đường đi ngắn nhất. Khối u nằm vào giữa đường dẫn sinh thiết, nên qua một phần gan lành.

Điều dưỡng sát khuẩn vị trí chọc kim.

Bác sĩ làm thủ thuật lắp kim vào súng, thử súng 1 lần trước khi tiến hành sinh thiết.

Gây tê tại chỗ chọc.

Chọc kim vào đúng vị trí tổn thương, bấm nút ở súng. Bảo người bệnh ngừng thở rồi rút kim ra ngoài.

Sát khuẩn và băng lại chỗ chọc.

Mở súng ra lấy bệnh phẩm ra cho vào lọ đựng bệnh phẩm.

Dặn người bệnh nằm bất động tại giường 6 giờ, theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp, thành bụng trong 24 giờ.

Bác sĩ làm thủ thuật ghi vào hồ sơ bệnh án giờ làm, tình trạng người bệnh.

 

THEO DÕI

Sau khi làm thủ thuật người bệnh nằm bất động tại giường 6 giờ, việc theo dõi tình trạng mạch, huyết áp, thành bụng trong 24 giờ.

 

TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

Chảy máu: Cần hội chẩn với khoa ngoại xét khả năng can thiệp phẫu thuật. Nếu chưa cần thiết thì điều trị nội khoa và theo dõi sát.

Rỉ mật vào ổ bụng: chuyển khoa ngoại phẫu thuật.

Thủng tạng rỗng: chụp bụng có liềm hơi. Chuyển khoa ngoại mổ.

Tràn khí màng phổi: dẫn lưu khí màng phổi.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ Y tế, Quy trình kỹ thuật bệnh viện (2001): 326-327

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top