Bệnh lý dạ dày tá tràng rất phổ biến tại nước ta, với tỷ lệ dân số mắc bệnh rất cao. Bệnh có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm, thậm chí là ung thư dạ dày tá tràng. Cùng tìm hiểu về bệnh lý này để có cách phòng ngừa tốt nhất nhé!
Dạ dày – tá tràng là bộ phận thuộc đường tiêu hóa. Dạ dày có chức năng chứa, nghiền nát, nhào thức ăn với dịch vị và hấp thu một phần chất dinh dưỡng. Tá tràng (phần đầu ruột non) là nơi trung chuyển thức ăn từ dạ dày xuống ruột non để tiếp tục quá trình tiêu hóa các chất dinh dưỡng và đào thải các chất cặn bã.
Vì bất kỳ lý do gì khiến dạ dày và tá tràng bị tổn thương sẽ dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người. Cụ thể, người bệnh phải đối mặt với những rắc rối từ nhẹ đến nghiêm trọng sau:
– Các bệnh lý dạ dày tá tràng sẽ gây ra hàng loạt các triệu chứng về rối loạn tiêu hóa như đau bụng vùng thượng vị, buồn nôn và nôn, chướng bụng, đầy hơi, ợ chua, nóng rát, rối loạn đại tiện như táo bón hay tiêu chảy…
– Người bệnh luôn cảm thấy chán ăn, ăn không ngon miệng, ăn nhanh no và khó tiêu…
– Bệnh có thể gây xuất huyết đường tiêu hóa khiến người bệnh thiếu máu, da xanh xao, mệt mỏi, uể oải, sụt cân…
– Nếu không được phát hiện và điều trị, bệnh lý dạ dày tá tràng có thể tiến triển thành ung thư.
Là tình trạng khi thành niêm mạc dạ dày và tá tràng xảy ra các tổn thương dạng viêm loét. Có tới 90% trường hợp bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng là do vi khuẩn HP gây ra. Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ cao như sử dụng thuốc kháng sinh dài ngày, sử dụng đồ uống có cồn, chế độ ăn uống và sinh hoạt không tốt, căng thẳng thần kinh kéo dài… cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng.
Bệnh được chia làm hai loại là viêm loét dạ dày tá tràng cấp tính và viêm loét dạ dày tá tràng mạn tính.
– Viêm dạ dày tá tràng cấp có tính chất khởi phát và diễn tiến nhanh chóng, ít để lại di chứng.
– Viêm dạ dày tá tràng mạn tính là tổn thương kéo dài, tiến triển âm thầm, biểu hiện âm ỉ nhưng gây ra biến chứng nguy hiểm như teo niêm mạc dạ dày tá tràng, thậm chí là ung thư.
Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng khi acid và hỗn hợp thức ăn trong dạ dày trào ngược lại thực quản. Bệnh xảy ra khi cơ vòng thực quản không đóng đúng cách.
Trào ngược dạ dày thực quản gây ra rất nhiều phiền toái cho người bệnh. Hàng loạt các triệu chứng sẽ xuất hiện như ợ chua, ợ nóng, buồn nôn, nôn, sụt cân, ho khan… Nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng bệnh sẽ gây ra những biến chứng như hẹp thực quản, loét thực quản, thực quản Barrett…
Là tình trạng xuất hiện các ổ viêm loét vị trí hang vị dạ dày (đoạn cuối của dạ dày). Nguyên nhân chủ yếu do nhiễm vi khuẩn HP gây ra. Bệnh viêm hang vị dạ dày gây ra đau đớn kéo dài và các triệu chứng bất thường về đường tiêu hóa. Biến chứng nguy hiểm nhất có thể kể đến như xuất huyết đường tiêu hóa, thậm chí ung thư dạ dày.
Vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) là loại vi khuẩn rất đặc biệt, chúng có khả năng khu trú và phát triển bên trên lớp nhầy bao quanh thành dạ dày tá tràng. Khi gặp điều kiện thuận lợi, vi khuẩn HP tấn công, phá hủy lớp nhầy này, làm lộ ra các lớp niêm mạc dạ dày tá tràng. Từ đó acid dạ dày dễ dàng gây ra và các tổn thương, ổ viêm loét tại mọi vị trí.
Có đến 80% dân số Việt nhiễm vi khuẩn HP. Nhưng không phải ai cũng bị vi khuẩn HP tấn công. Một người khi có xét nghiệm vi khuẩn HP dương tính thường đã có các triệu chứng bất thường về dạ dày tá tràng âm thầm từ nhiều tháng trước đó.
Đây là bệnh lý ác tính ở dạ dày, rất phổ biến tại Việt Nam, chiếm 40% tổng số ca mắc ung thư đường tiêu hóa và đứng thứ 5 trong những bệnh ung thư gây tử vong nước ta.
Bệnh tiến triển âm thầm nên có khoảng 70% bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Ung thư dạ dày giai đoạn đầu thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng mờ nhạt nên thường nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa thông thường.
Nội soi tiêu hóa là phương pháp có giá trị chẩn đoán tốt nhất giúp phát hiện bệnh ung thư dạ dày từ giai đoạn sớm và rất sớm. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, bất cứ ai trong độ tuổi 40 trở lên cũng nên thực hiện nội soi tiêu hóa định kỳ.
Dạ dày là nơi lưu trữ thức ăn do đó bất cứ một bệnh lý nào xuất hiện tại đây cũng có liên quan đến chế độ ăn uống không hợp lý. Để phòng ngừa hiệu quả bệnh lý dạ dày tá tràng, thay đổi thói quen ăn uống là nguyên tắc đầu tiên.
– Ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn…
– Ăn các thức ăn được chế biến mềm, nên nhai kỹ, nhai chậm để giảm bớt áp lực cho dạ dày.
– Không nên để quá đói mới ăn và cũng không nên ăn quá no.
– Không vừa ăn vừa uống vì sẽ làm loãng dịch dạ dày, không tốt cho tiêu hóa.
– Không được bỏ bữa sáng, không được ăn tối quá muộn, không ăn trước khi đi ngủ…
– Không nên tiêu thụ đồ ăn quá cứng, nhiều dầu mỡ hay đồ ăn được chế biến sẵn, đồ ăn chua cay…
– Không nên vận động mạnh sau ăn 30 phút vì dễ gây đau dạ dày.
– Không hút thuốc lá, uống rượu bia và các đồ uống có chất kích thích
– Phòng tránh nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP bằng cách không ăn chung, uống chung, không ăn đồ ăn vỉa hè…
Căng thẳng tâm lý và thần kinh khiến dạ dày tăng co thắt, dịch vị tiết ra bất thường dẫn đến nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng, đau dạ dày… Để phòng tránh các bệnh lý này bạn nên thực hành quan điểm sống tránh xa mọi căng thẳng và lo âu, nên đi ngủ đúng giờ, tăng cường vận động để giấc ngủ sâu hơn.
Ngoài ra, việc thực hiện nội soi đường tiêu hóa định kỳ cũng là cách rất tốt để kiểm soát sức khỏe dạ dày đại tràng.
Các bệnh lý dạ dày tá tràng hiện nay rất phổ biến, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nên mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh. Đồng thời, tránh xa các tác nhân gây bệnh và thực hiện khám sức khỏe định kỳ, nội soi đường tiêu hóa để chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh