✴️ Triệu chứng bệnh gan nhiễm mỡ

1. Mệt mỏi toàn thân
Gan nhiễm mỡ ảnh hưởng đến chức năng chuyển hóa và giải độc của gan, làm suy giảm cảm giác ngon miệng và khả năng hấp thu dinh dưỡng. Hệ quả là cơ thể không được cung cấp đủ năng lượng, dẫn đến tình trạng mệt mỏi kéo dài, kiệt sức và suy nhược toàn thân. Người bệnh thường cảm thấy uể oải dù không hoạt động nhiều. Khi có biểu hiện mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân, cần đi khám sức khỏe để được đánh giá chức năng gan.

Bụng đầy hơi, buồn nôn là dấu hiệu thường gặp của các bệnh lý về gan mật

2. Triệu chứng tiêu hóa
Người bệnh có thể gặp phải cảm giác đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn, khó tiêu. Đồng thời, một số biểu hiện khác như nước tiểu sẫm màu, phân bạc màu, chán ăn, mất ngủ hoặc sụt cân cũng có thể xuất hiện. Những triệu chứng này gợi ý rối loạn chức năng gan và cần được kiểm tra lâm sàng kết hợp cận lâm sàng để xác định nguyên nhân.

3. Rối loạn nội tiết
Gan nhiễm mỡ có thể gây ảnh hưởng đến hệ nội tiết thông qua việc làm giảm chuyển hóa các hormone giới tính. Ở nam giới, có thể ghi nhận hiện tượng phát triển tuyến vú (gynecomastia), teo tinh hoàn, giảm chức năng cương dương. Ở nữ giới, có thể gặp các rối loạn kinh nguyệt như rong kinh, vô kinh, hoặc thay đổi cân nặng không kiểm soát.

4. Vàng da, vàng mắt
Tình trạng tích tụ chất béo trong gan có thể cản trở quá trình chuyển hóa bilirubin, làm tăng nồng độ bilirubin máu. Điều này dẫn đến hiện tượng vàng da, vàng củng mạc mắt – một trong những dấu hiệu điển hình của các bệnh lý gan. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, tình trạng vàng da do gan nhiễm mỡ ở thể nhẹ có thể cải thiện khi mỡ trong gan được giảm thiểu.

Người bị gan nhiễm mỡ nên bổ sung nhiều thực phẩm chứa chất xơ và các mitamin trong trái cây và rau củ

5. Đau tức vùng hạ sườn phải
Sự tích tụ mỡ trong tế bào gan có thể làm gan to ra, gây cảm giác đau tức, nặng ở vùng hạ sườn phải. Cảm giác này thường âm ỉ và tăng dần theo thời gian nếu không được can thiệp điều trị.

6. Sao mạch (Spider Angioma)
Sao mạch là những u mạch nhỏ nổi dưới da, có hình dạng giống mạng nhện, thường xuất hiện ở vùng mặt, cổ, ngực hoặc tay. Đây là một trong những dấu hiệu ngoài da đặc trưng có thể gặp trong các bệnh lý mạn tính của gan, bao gồm gan nhiễm mỡ tiến triển.

7. Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng
Gan nhiễm mỡ có thể đi kèm với chế độ dinh dưỡng mất cân đối, dẫn đến thiếu hụt các vitamin tan trong dầu như A, D, E, K và vitamin nhóm B. Biểu hiện lâm sàng có thể bao gồm viêm lưỡi, nhiệt miệng, dễ bầm tím, dày sừng da, thậm chí một số trường hợp có thể chảy máu nướu, chảy máu cam hoặc xuất huyết tiêu hóa.

Chẩn đoán và phòng ngừa gan nhiễm mỡ

Do gan nhiễm mỡ tiến triển âm thầm và ít triệu chứng đặc hiệu, việc phát hiện sớm thường phụ thuộc vào thăm khám định kỳ và các xét nghiệm cận lâm sàng. Một số kỹ thuật chẩn đoán bao gồm:

  • Siêu âm bụng: giúp phát hiện gan nhiễm mỡ thông qua hình ảnh tăng âm lan tỏa.

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc MRI: hỗ trợ đánh giá chi tiết cấu trúc gan và mức độ thâm nhiễm mỡ.

  • Xét nghiệm máu: đo men gan (ALT, AST), lipid máu (cholesterol, triglyceride), bilirubin máu và các chỉ số chuyển hóa khác.

Để dự phòng và cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ, cần:

  • Duy trì chế độ ăn lành mạnh: giảm thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, cholesterol, và đường tinh luyện.

  • Hạn chế rượu bia và các chất kích thích.

  • Tăng cường hoạt động thể chất, duy trì cân nặng hợp lý.

  • Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bất thường chức năng gan.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top