✴️ Ung thư tế bào gan

Nội dung

Ung thư tế bào gan là gì?

Ung thư tế bào gan là dạng ung thư bắt nguồn từ gan, dạng này khác với dạng ung thư gan thứ phát do di căn từ các tạng khác.

Nếu như phát hiện sớm, bệnh có thể được chữa khỏi mà không cần phẫu thuật hay ghép tạng. Nếu như ung thư đã tiến triển xa thì không còn chữa được nữa nhưng có những biện pháp điều trị có thể làm giảm nhẹ triệu chứng và kéo dài sự sống.

Cần nên nhớ rằng bệnh nhân ung thư vẫn có quyền trong việc đưa ra quyết định lựa chọn biện pháp điều trị và các lựa chọn khác trong cuộc sống. Bệnh nhân nên  có những người thân và bạn bè bên cạnh để có tâm sự về kế hoạch, những nỗi sợ và cảm xúc của mình. Hãy tìm đến những nhóm hỗ trợ dành cho các bệnh nhân ung thư, để có thể gặp gỡ và hòa nhập với những người thấu hiểu những gì ung thư mang đến và cũng có thể đã và đang trải qua ung thư.

Bác sĩ sẽ cung cấp các thông tin về các biện pháp điều trị ung thư. Phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, và liệu pháp nhắm trúng đích là một số các biện pháp có thể được sử dụng để điều trị.

Nguyên nhân

Các bác sĩ cũng không chắc chắn được nguyên nhân gây ra ung thư tế bào gan, nhưng một vài yếu tố đã được xác định là có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

Viêm gan B hoặc C. Ung thư tế bào gan có thể xảy ra sau nhiều năm mắc các bệnh này. Cả 2 bệnh này đều được lây truyền qua máu, ví dụ như việc sử dụng chung kim tiêm. Xét nghiệm máu có thể phát hiện bệnh.

Xơ gan. Bệnh này xảy ra khi các tế bào gan bị tổn thương và tạo thành mô sẹo. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chuyện đó: Viêm gan B hoặc C, thức uống có cồn, một số loại thuốc, và gan tích trữ quá nhiều chất sắt.

Uống quá nhiều bia, rượu. Dùng hơn 2 khẩu phần thức uống có cồn mỗi ngày trong vòng nhiều năm làm tăng nguy cơ mắc ung thư tế bào gan, càng uống nhiều, nguy cơ càng cao.

Béo phì và đái tháo đường. Cả hai tình trạng này đều làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan. Béo phì có thể dẫn đến gan nhiễm mỡ không do rượu, từ đó có thể gây ra ung thư tế bào gan. Đái tháo đường có nguy cơ ung gan cao hơn, có thể là do nó gây ra tổn thương tại gan. Ngoài ra, những bệnh nhân đái tháo đường cũng thường thừa cân hoặc béo phì.

Steroid đồng hóa. Các loại thuốc có công thức dựa theo hormone sinh dục nam thường được các vận động viên sử dụng để làm tăng cơ. Nếu sử dụng lâu dài thì sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan.

Bệnh tích trữ chất sắt. Bệnh làm cho sắt bị tích trữ quá nhiều trong gan và các cơ quan khác. Các bệnh nhân mắc phải bệnh này có nguy cơ tiến triển đến ung thư tế bào gan.

Aflatoxin. Chất độc hại này được tạo ra từ một số loại nấm mốc ở trên đậu, bắp và các loại hạt, ngũ cốc, có thể gây ra ung thư tế bào gan. Tất cả các nguồn thực phẩm đều phải giữ nồng độ chất này ở mức giới hạn an toàn.

Triệu chứng

Các triệu chứng có thể sẽ không bộc lộ khi ung thư ở giai đoạn sớm. Khi ung thư tiến triển, các triệu chứng sau đây có thể xuất hiện:

  • Đau ở vùng hạ sườn phải;
  • Một khối u hoặc cảm giác nặng nề ở vùng bụng trên;
  • Đầy hơi hay sưng phù vùng bụng;
  • Ăn không còn ngon hoặc cảm giác đầy bụng;
  • Sụt cân;
  • Mệt mỏi và cảm giác yếu sức;
  • Buồn nôn và nôn;
  • Vàng mắt, vàng da;
  • Phân bạc màu và nước tiểu đen;
  • Sốt.

Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và cần các thông tin sau:

  • Bệnh nhân đã đau bụng giống lần này bao giờ chưa?
  • Bệnh nhân có cảm giác mệt mỏi, yếu sức không?
  • Có chán ăn không?
  • Có sụt cân không?

Bác sĩ sẽ kết hợp các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán:

Xét nghiệm máu. Bác sĩ sẽ lấy mẫu máu, kiểm tra nồng độ chất AFP trong máu: Trẻ khi còn trong thai kỳ có nồng độ AFP cao, nhưng sẽ giảm đi ngay khi vừa được sinh ra. Nồng độ AFP cao có thể là dấu hiệu chỉ điểm ung thư.

Các xét nghiệm hình ảnh học. Các loại hình ảnh học có thể cần thực hiện là siêu âm, CT scan, hoặc MRI để tìm kiếm khối u ở trong gan. Siêu âm thì tái hiện hình ảnh gan từ sóng âm, CT sử dụng tia X để lấy được hình ảnh sắc nét của các cơ quan trong cơ thể và MRI sử dụng từ trường và sóng radio để tạo ra hình ảnh của gan trong cơ thể.

Sinh thiết gan. Xét nghiệm này có thể được thực hiện nhằm lấy được mô của gan và đem soi dưới kính hiển vi để tìm tế bào ung thư.

Xét nghiệm này có thể được thực hiện bằng nhiều cách. Cách thường dùng là sử dụng đầu kim nhỏ để đưa xuyên qua da và vào trong gan. Bệnh nhân sẽ được gây vô cảm tại chỗ để không phải cảm nhận được cơn đau.

Một cách khác có thể được sử dụng là tạo một đường cắt nhỏ trên bụng và đưa kim vào trong để lấy mô gan. Bệnh nhân sẽ được gây mê trước khi thực hiện và đảm bảo rằng bệnh nhân không tỉnh dậy trong khi đang thực hiện.

Chẩn đoán ung thư tế bào gan

Những thắc mắc có thể có của bệnh nhân

  • Ung thư đã di căn chưa?
  • Có những biện pháp điều trị nào?
  •  Có những tác dụng phụ nào?
  • Có cách nào làm giảm đau và các tác dụng phụ không?
  • Các biện pháp chăm sóc tiếp theo là gì?

Điều trị

Có nhiều biện pháp điều trị dành cho ung thư tế bào gan. Đây là một quyết định rất quan trọng, do đó bệnh nhân và bác sĩ cần phải hợp tác chặt chẽ với nhau.

Các biện pháp bao gồm:

Xạ trị. Biện pháp này sử dụng các tia năng lượng cao để giết chết các tế bào ung thư. Có 2 loại xạ trị dành cho ung thư tế bào gan:

  • Xạ trị bên ngoài: Bệnh nhân được nằm trên bàn thủ thuật, các chùm tia xạ sẽ được phát đến từ một máy lớn và nhắm đến các vị trí xác định ở trên ngực hay bụng.
  • Xạ trị bên trong: Các phân tử phóng xạ được truyền vào động mạch đi đến gan. Các phân tử này sẽ ngắt hoặc phá hủy nguồn máu cung cấp đến khối u.

Xạ trị có thể gây ra các tác dụng phụ: buồn nôn, nôn, mệt mỏi, nhưng các triệu chứng này sẽ biến mất khi quá trình điều trị chấm dứt.

Hóa trị. Thuốc hóa trị sẽ được đưa thẳng vào trong gan.

Một ống dẻo nhỏ được đưa vào trong động mạch cung cấp máu của gan. Thuốc hóa trị cùng một số loại thuốc khác sẽ được kết hợp và đưa vào trong ống để gây tắc động mạch đó. Mục tiêu của phương pháp là giết chết khối u bằng cách triệt tiêu nguồn máu của nó. Gan vẫn được cung cấp máu từ mạch máu khác.

Hóa trị thường được thực hiện ở bệnh nhân ngoại trú, nghĩa là bệnh nhân không cần phải qua đêm tại bệnh viện. Hóa trị có thể gây ra một số tác dụng phụ, ví dụ như buồn nôn, nôn mửa, chán ăn, sốt, lạnh run, đau đầu, và yếu sức. Bệnh nhân cũng sẽ dễ bị nhiễm trùng, bầm tím, xuất huyết và mệt mỏi. Thuốc có thể giúp làm giảm bớt một số triệu chứng.

Tiêm cồn. Biện pháp này còn được gọi là “tiêm cồn qua da”. Một cây kim nhỏ sẽ được đưa qua da vào trong khối u dưới hướng dẫn của siêu âm, từ kim này ethanol (cồn) sẽ được đưa vào để phá hủy khối u.

Bệnh nhân sẽ được vô cảm tại chỗ, nghĩa là bệnh nhân sẽ không cảm thấy đau nhưng vẫn sẽ tỉnh trong suốt thủ thuật.

Liệu pháp nhắm trúng đích. Thuốc điều trị sẽ chỉ nhắm vào các tế bào ung thư. Một số liệu pháp trúng đích làm ngăn cản các mạch máu tân sinh nuôi khối u. Một vài liệu pháp chỉ nhắm vào một số protein nhất định ở các tế bào ung thư mà có khả năng giúp khối u phát triển.

Các tác dụng phụ bao gồm mệt mỏi, nổi sẩn trên da, chán ăn, tiêu chảy, đau, xuất huyết, phù tay chân, loét dạ dày hay ruột.

Liệu pháp miễn dịch. Biện pháp này sử dụng các thuốc làm kích thích hệ miễn dịch của cơ thể truy tìm và tiêu diệt các tế bào ung thư. Các thuốc miễn dịch, còn được gọi là các thuốc ức chế miễn dịch tại điểm, cũng đôi khi được sử dụng để điều trị ung thư gan.

Các tác dụng phụ bao gồm mệt mỏi, sốt, nổi sẩn, chán ăn, đau và các phản ứng miễn dịch ở phổi, gan, ruột, thận và các cơ quan khác.

Cắt lạnh và cắt sử dụng sóng cao tần. Đối với phương pháp cắt lạnh, khối u được cắt bỏ bằng cách làm lạnh nó bằng một thanh kim loại nhỏ. Sau khi bệnh nhân đã được vô cảm, thanh kim loại sẽ được đưa đến khối u và mang theo một loại khí lạnh có thể giết chết tế bào ung thư. Một biện pháp tương tự là cắt sử dụng sóng cao tần, một dòng điện sẽ giết chết các tế bào ung thư nhờ vào sức nóng.

Phẫu thuật cắt một phần gan. Phần gan có ung thư có thể sẽ được cắt bỏ. Thời gian phụ hồi thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng bệnh nhân sẽ bị đau và khó chịu trong vài ngày đầu, thuốc có thể giúp làm giảm triệu chứng. Bệnh nhân cũng có thể sẽ cảm thấy cơ thể mệt mỏi và yếu đi. Một vài bệnh nhân cũng có thể bị tiêu chảy và đầy bụng.

Ghép gan. Nếu như không thể cắt bỏ phần gan có ung thư thì ghép gan là lựa chọn có thể được khuyến cáo.

Sau khi phẫu thuật thì bệnh nhân phải nằm lại bệnh viện tối đa 3 tuần. Và cần phải sau khoảng sáu tháng đến một năm thì bệnh nhân mới có thể quay trở lại sinh hoạt làm việc bình thường. Sau khi ghép tạng, bệnh nhân cần sử dụng các thuốc chống đào thải tạng ghép.

Bệnh nhân lựa chọn biện pháp ghép gan cần được sự hỗ trợ tinh thần rất lớn.

Tự chăm sóc bản thân

Trong khi điều trị, có nhiều biện pháp khác nhau có thể được áp dụng để làm giảm tác dụng phụ và giữ cơ thể khỏe mạnh.

Vì hóa trị có thể làm dạ dày khó chịu nên bệnh nhân có thể thử thay đổi thói quen ăn uống của mình. Ví dụ, tránh dùng các thức ăn chiên hay cay. Bệnh nhân cũng có thể chia nhỏ bữa ăn ra thành năm đến sáu bữa một ngày thay vì ba bữa như truyền thống.

Nếu như việc điều trị làm bệnh nhân mệt mỏi thì nên thử ngủ thêm vài giấc nhỏ. Việc đi bộ quãng đường ngắn cũng giúp tăng cường năng lượng cho bệnh nhân.

Nếu như có cảm giác lo lắng về việc điều trị thì nên tập thở sâu và ngồi thiền.

Nên giữ liên lạc thường xuyên với gia đình và bạn bè để có được điểm tựa tinh thần vững chắc khi cần thiết.

Tiên lượng

Đối với một số bệnh nhân thì ung thư có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Nhưng đối với những người còn lại thì ung thư có thể không lui hoàn toàn hoặc có thể tái phát trở lại. Nếu như chuyện đó xảy ra thì bệnh nhân cần được điều trị liên tục để giữ ung thư lui bệnh lâu nhất có thể.

Các biện pháp điều trị có thể sẽ mất tác dụng. Nếu như chuyện đó xảy ra thì các biện pháp chăm sóc giảm nhẹ có thể được cân nhắc để làm cho bệnh nhân cảm thấy thoải mái hết sức có thể. Ung thư thì hẳn rằng không ai có thể kiểm soát được nhưng những lựa chọn về cách sống là hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của mỗi người.

Xem thêm: Chiến lược dự phòng và tầm soát ung thư

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  bvnguyentriphuong.com.vn

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

  zalo.me/1744466261097093886

return to top