✴️ Viêm cấp dạ dày và những điều bạn cần biết

Viêm cấp dạ dày là bệnh lý khá phổ biến ở hệ tiêu tiêu hóa. Bệnh gây ra nhiều đau đớn, khó chịu, ảnh hưởng tới cuộc sống của người bệnh. Hãy cùng tìm hiểu về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị bệnh hiệu quả. 

 

1. Viêm dạ dày cấp là gì?

Viêm cấp dạ dày hay thường gọi là viêm dạ dày cấp là thuật ngữ y khoa miêu tả tình trạng tổn thương của niêm mạc dạ dày. Người bệnh xuất hiện triệu chứng đau một cách đột ngột do niêm mạc bị sưng viêm. 

Khác với viêm dạ dày mạn tính, đau dạ dày cấp thường diễn ra bất ngờ và trong thời gian ngắn. Tỷ lệ người bị viêm dạ dày cấp đang có xu hướng tăng cao. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi không phân biệt già hay trẻ.

 

2. Các triệu chứng phổ biến

Phần lớn các trường hợp bệnh nhân mắc viêm cấp dạ dày không có dấu hiệu rõ nét, dễ nhầm sang đau bụng thông thường. Tuy nhiên bệnh sẽ gây ra một số triệu chứng đặc trưng từ nhẹ đến nặng như: 

– Ợ hơi, ợ chua, ợ rát 

– Buồn nôn và nôn

– Đầy hơi, khó tiêu

– Phân có màu đỏ hoặc đen do có lẫn máu 

– Đau nhói vùng thượng vị

– Nôn ra máu tươi, máu vón cục và có màu đen giống bã cafe

Các triệu chứng này có thể xảy ra trong thời gian ngắn và không ảnh hưởng quá nhiều tới sức khỏe. Tuy nhiên bạn cần lưu ý nếu các triệu chứng kéo dài hơn một tuần thì cần tới bệnh viện thăm khám. Các trường hợp nôn hoặc đi ngoài ra máu bệnh nhân cần tới bệnh viện ngay để can thiệp y tế kịp thời. Nếu để lâu người bệnh có thể bị mất nhiều máu dẫn tới tử vong. 

 

3. Nguyên nhân gây nên bệnh lý

Dạ dày bị viêm do acid tiêu hóa tiếp xúc với niêm mạc dạ dày gây ra kích ứng và tổn thương. Một số nguyên nhân thường gặp gây bệnh như: 

– Bệnh nhân sử dụng thuốc chống viêm NSAIDs và corticosteroid trong thời gian dài

– Do sự tấn công của vi khuẩn HP tới niêm mạc dạ dày

– Ảnh hưởng của đồ uống có cồn, chất kích thích

– Tinh thần căng thẳng kéo dài

Một số nguyên nhân gây viêm dạ dày do bệnh lý:

– Rối loạn tự miễn gây ảnh hưởng tới dạ dày

– Bệnh nhân mắc bệnh rối loạn tiêu hóa Crohn hoặc các bệnh lý về hệ tiêu hóa

– Bệnh trào ngược mật, sỏi mật 

– Biến chứng của phẫu thuật 

– Các bệnh liên quan tới suy hô hấp, suy gan

 

4. Viêm cấp dạ dày ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe người bệnh?

Bệnh viêm dạ dày cấp tuy diễn ra trong thời gian ngắn nhưng có thể gây ra các ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe người bệnh. Một số biến chứng có thể xảy ra khi bị viêm dạ dày như: 

– Xuất huyết dạ dày

– Hẹp môn vị

– Suy thận

– Mất nước 

Do mức độ ảnh hưởng của viêm dạ dày cấp khá lớn vì vậy ngay khi phát hiện bất cứ triệu chứng nào của bệnh bạn cũng nên tới bệnh viện để kiểm tra. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám lâm sàng và chỉ định bệnh nhân nội soi hoặc làm xét nghiệm để chẩn đoán chính xác tình trạng dạ dày. 

 

5. Phương pháp chẩn đoán viêm dạ dày cấp và cách điều trị 

Trước khi điều trị bệnh nhân cần được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Dựa vào đó bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất

5.1 Các phương pháp chẩn đoán viêm cấp dạ dày

Bước đầu, bác sĩ sẽ đưa ra các câu hỏi để tìm hiểu về tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Tiếp theo, chuyên gia sẽ chỉ định bạn thực hiện một số biện pháp kiểm tra

– Thực hiện xét nghiệm CBC (tổng phân tích tế bào máu)

– Kiểm tra nồng độ HP bằng xét nghiệm hơi thở, nước bọt, máu

– Xét nghiệm phân để kiểm tra tình trạng máu trong phân

– Nội soi dạ dày giúp quan sát tình trạng niêm mạc

– Sinh thiết mô dạ dày

– Chụp X-quang để xác định tình trạng các vấn đề cấu trúc trong hệ tiêu hóa

5.2 Điều trị viêm cấp dạ dày

Sau khi có kết quả chính xác về tình trạng viêm dạ dày, bác sĩ sẽ lựa chọn để đưa ra phác đồ  điều trị phù hợp. Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt theo đơn kê của bác sĩ. Tránh tình trạng bệnh nhân tự ý giảm hoặc dừng thuốc khi thấy triệu chứng đã thuyên giảm.

– Thuốc kháng acid tác dụng trung hòa acid dạ dày 

– Thuốc kháng H2 làm giảm khả năng sản xuất acid dạ dày

– Thuốc ức chế bơm proton có tác dụng ức chế quá trình sản xuất acid dạ dày. 

– Các trường hợp bệnh nhân dương tính với vi khuẩn HP sẽ được chỉ định dùng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Thuốc kháng sinh có thể được sử dụng kết hợp cùng các loại thuốc kể trên để mang lại hiệu quả điều trị cao nhất. 

Nếu bệnh nhân đang uống các loại thuốc kháng viêm, giảm đau bác sĩ có thể sẽ chỉ định ngừng sử dụng. Tuy nhiên nếu các loại thuốc này không gây ảnh hưởng tới dạ dày thì bạn không cần dừng thuốc.

 

6. Cách biện pháp phòng bệnh

Bên cạnh điều trị bệnh bằng phương pháp nội khoa thì bệnh nhân có thể kết hợp song song với việc thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt. Lối sống khoa học sẽ phần nào giúp hỗ trợ bệnh mau phục hồi và phòng tránh nguy cơ gây bệnh. Một số thói quen có lợi cho dạ dày như:

– Hạn chế hoặc ngưng sử dụng thuốc lá và đồ uống có cồn

– Thực phẩm nên được rửa sạch, nấu chín. Hạn chế ăn đồ sống 

– Tránh ăn các thực phẩm chua cay, đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ 

– Nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần trong ngày để giảm áp lực lên dạ dày 

– Ăn chậm, nhai kỹ

– Thay đổi thói quen thức khuya, ăn uống không đúng giờ

– Luôn giữ tinh thần thoải mái, lạc quan để tránh bị stress

– Bổ sung vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày các loại rau xanh, trái cây tươi giàu vitamin C, khoáng chất, chất chống oxy hóa

– Luôn nhớ rửa tay sạch sẽ cùng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh

– Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm. 

Mong rằng bài viết đã cung cấp đầy đủ kiến thức giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh viêm cấp dạ dày. Nếu bệnh được phát hiện và điều trị đúng cách sẽ dễ dàng chữa khỏi và không gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên đây là bệnh lý rất dễ tái đi tái lại vì vậy bạn cần thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top