Viêm gan B nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể chuyển thành mạn tính, dẫn tới biến chứng xơ gan, suy gan và ung thư gan. Việc nhận biết sớm những dấu hiệu viêm gan B sẽ giúp người bệnh có hướng xử lý bệnh kịp thời, tránh được những biến chứng có hại.
Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan B (virus HBV) gây ra
Viêm gan B là gì?
Viêm gan B là một bệnh lý nghiêm trọng ở gan do virus HBV gây ra. Loại virus này có tên khoa học đầy đủ là virus viêm gan B, có khả năng truyền nhiễm trực tiếp qua đường máu và qua đường tình dục, và có thể truyền từ mẹ sang con.
Theo các bác sĩ chuyên khoa gan mật, bệnh viêm gan B là một trong những bệnh lý về gan thường gặp. Bệnh được chia làm nhiều thể: Cấp tính, mạn tính hay thể kéo dài. Tuy mỗi thể bệnh mà người bệnh sẽ có những triệu chứng bệnh khác nhau và được chỉ định phương pháp điều trị khác nhau.
Dấu hiệu viêm gan B có thể nhận biết
Việc nhận biết sớm những dấu hiệu viêm gan B sẽ giúp người bệnh có hướng xử lý bệnh kịp thời, tránh được những biến chứng có hại. Những dấu hiệu điển hình như:
Sốt nhẹ trong những ngày đầu của bệnh, mệt mỏi, chán ăn, tinh thần uể oải
Rối loạn tiêu hóa, khó tiêu, đi ngoài phân lỏng
Nước tiểu vàng, vàng da, vàng mắt, đau tức vùng gan.
Viên gan B có lây không? Lây qua những đường nào?
Viêm gan B là bệnh lây lan trong cộng đồng và có thể chuyển mạn tính, gây suy gan, xơ gan, ung thư gan. Viêm gan B lây qua 3 con đường chính là: Lây từ mẹ sang con, lây qua đường tình dục, lây qua đường truyền máu. Cụ thể:
Lây truyền từ mẹ sang con: Nếu mẹ nhiễm virus viêm gan b thì khả năng con mắc bệnh cũng rất cao.
Lây truyền qua đường tình dục: Nếu bạn quan hệ tình dục không an toàn với người mắc bệnh viêm gan b thì khả năng bạn mắc bệnh khá cao.
Lây truyền qua đường máu: Việc dùng chung kim tiêm, truyền máu (nếu người cho máu mắc bệnh viêm gan b) thì bạn rất dễ mắc viêm gan b.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như: Xăm người, châm cứu, xỏ lỗ tai với vật dụng không được tẩy trùng tốt có thể lây truyền siêu vi B, dùng chung các vật dụng như dao cạo râu, bàn chải đánh răng cũng là một nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mắc bệnh viêm gan b.
Bệnh viêm gan b không lây qua đường ăn uống, giao tiếp và nước bọt.
Xét nghiệm máu để chẩn đoán viêm gan B
Có xét nghiệm máu để chẩn đoán viêm gan B không?
Có một xét nghiệm máu để chẩn đoán viêm gan B đơn giản mà bác sĩ hoặc phòng mạch của bạn có thể yêu cầu gọi là “loạt xét nghiệm máu để chẩn đoán viêm gan B”. Mẫu máu này có thể được lấy tại phòng khám của bác sĩ.
Có 3 xét nghiệm thường gặp tạo nên loạt xét nghiệm máu này. Đôi khi bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu lại sáu tháng sau lần thăm khám đầu tiên để xác nhận tình trạng viêm gan B của bạn. Nếu bạn nghĩ rằng gần đây bạn đã bị nhiễm viêm gan B, có thể cần đến 9 tuần trước khi phát hiện được siêu vi khuẩn trong máu bạn. Nhiều người chưa hiểu đầy đủ kiến thức về việc xét nghiệm viêm gan B.
Kết quả xét nghiệm máu để chẩn đoán viêm gan B của bạn có thể khó hiểu, vì vậy bạn muốn chắc chắn về chẩn đoán của mình – bạn có bị nhiễm viêm gan B không, bạn đã bình phục sau khi bị nhiễm viêm gan B chưa, hay bạn có bị nhiễm viêm gan B mạn tính không?
Ngoài ra, rất hữu ích nếu bạn yêu cầu một bản sao bằng văn bản các xét nghiệm máu của bạn để bạn hiểu rõ xét nghiệm nào là dương tính hay âm tính.
Ba xét nghiệm nào tạo thành “loạt xét nghiệm máu để chẩn đoán viêm gan B”?
Loạt xét nghiệm máu để chẩn đoán viêm gan B chỉ cần một mẫu máu nhưng bao gồm ba xét nghiệm cần thiết để đưa ra chẩn đoán cuối cùng:
HBsAg (kháng nguyên bề mặt viêm gan B)
HBsAb hoặc anti-HBs (kháng thể bề mặt viêm gan B)
HBcAb hoặc anti-HBc (kháng thể lõi viêm gan B)
Kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAg) là gì?
Kết quả xét nghiệm HBsAg “dương tính” hoặc “có phản ứng” nghĩa là người đó bị nhiễm siêu vi khuẩn viêm gan B, có thể là bệnh “cấp tính” hoặc “mạn tính”. Những người bị nhiễm bệnh có thể lây siêu vi khuẩn sang người khác qua máu của họ.
Kháng thể bề mặt viêm gan B (HBsAb hoặc anti-HBs) là gì?
Kháng thể lõi viêm gan B (HBcAb) là gì?
HBcAb là một kháng thể vốn là một phần của siêu vi khuẩn – nó không có tác dụng bảo vệ. Kết quả xét nghiệm HBcAb (hoặc anti-HBc) “dương tính” hoặc “có phản ứng” cho thấy tình trạng nhiễm bệnh trong quá khứ hoặc hiện tại. Giải thích kết quả xét nghiệm này phụ thuộc vào kết quả của hai xét nghiệm còn lại. Sự xuất hiện của nó cùng với kháng thể bề mặt bảo vệ (HBsAb hoặc anti-HBs dương tính) cho thấy tình trạng nhiễm bệnh trước đó và đã bình phục. Với người nhiễm bệnh mạn tính, nó thường xuất hiện với siêu vi khuẩn (HbsAg dương tính).
Điều trị viêm gan B như thế nào?
Mục đích điều trị viêm gan B nhằm: Loại trừ hoặc giảm thiểu tình trạng viêm gan, do đó ngăn ngừa, làm chậm tiến triển sang giai đoạn xơ gan, ung thư gan. Ðào thải toàn bộ, hoặc một phần lượng siêu vi B trong cơ thể, đặc biệt ở trong gan.
Với những người bị viêm gan mạn tính: Mục tiêu của điều trị viêm gan B mạn tính là giúp cơ thể kiểm soát sự sao chép của virus và làm giảm lượng virus. Điều này giúp bảo vệ gan khỏi sự tổn thương do virus gây ra. Có hai nhóm thuốc có thể được lựa chọn trong điều trị viêm gan B mạn tính: Interferon và các thuốc kháng virus.
Interferon có 2 dạng chính: Interferon pegylate hóa và Interferon thông thường. Nếu điều trị bằng Interferon, các bác sĩ sẽ khuyên người bệnh lựa chọn dùng dạng Interferon pegylate hóa. Và chỉ dùng 1 lần/48 tuần hơn là dùng Interferon thông thường với 3 lần/tuần.
Lưu ý, trong khi điều trị viêm gan B bằng thuốc, người bệnh cần tái khám để làm các xét nghiệm máu thường quy và kiểm tra để xem khả năng đáp ứng điều trị như thế nào.
Điều trị bằng thuốc kháng virus có tác dụng làm ngừng sự sao chép của virus, làm giảm lượng virus trong máu. Tuy nhiên, hiệu quả có thể bị đảo ngược nếu người bệnh ngưng dùng thuốc. Do đó, hầu hết bệnh nhân viêm gan B mạn tính cần phải dùng thuốc hàng ngày trong suốt quãng đời còn lại để kiểm soát virus. Một vài thuốc kháng virus có thể kể đến như: Lamivudine, entecavir, adefovir, tenofovir.
Ngoài việc điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh viêm gan B cần thực hiện chế độ ăn uống khoa học (theo tư vấn của bác sỹ), thực hiện lối sống, sinh hoạt riêng cho người viêm gan B.
Sự khác biệt giữa viêm gan B, viêm gan A và viêm gan C
Viêm gan A, viêm gan B, viêm gan C là những bệnh nhiễm trùng gan do ba loại virus khác nhau gây ra. Mặc dù mỗi loại có thể gây ra các triệu chứng tương tự, chúng có các phương thức lây truyền khác nhau và có thể ảnh hưởng đến gan khác nhau.
Viêm gan A thường là một bệnh nhiễm trùng ngắn hạn và không trở thành mãn tính. Viêm gan B và viêm gan C cũng có thể bắt đầu như nhiễm trùng cấp tính, ngắn hạn, nhưng ở một số người, virus vẫn tồn tại trong cơ thể, dẫn đến bệnh mãn tính và các vấn đề về gan lâu dài. Có vắc-xin để ngăn ngừa viêm gan A và viêm gan B; tuy nhiên, không có vắc-xin viêm gan C.
Một số điểm khác biệt giữa viêm gan A, viêm gan B và viêm gan C bao gồm:
Triệu chứng bệnh
Viêm gan B: Các triệu chứng của bệnh viêm gan B cũng khó nhận biết, một số triệu chứng phổ biến thường gặp như sốt, đau bụng, đi ngoài phân lỏng, nôn, buồn nôn, vàng da…
Viêm gan A: Các bệnh nhân sẽ có những biểu hiện sau vài tuần khi nhiễm virus viêm gan A. Các triệu chứng thường gặp là sốt, tiêu chảy, đau bụng, đau cơ, đau khớp. Phần lớn các triệu chứng không hoặc ít xuất hiện rõ nét. Thường các triệu chứng xuất hiện khi bệnh chuyển biến nặng
Viêm gan C: Đây là một loại nhiễm trùng cấp tính nhưng nếu kéo dài trên 6 tháng thì sẽ được coi là tình trạng mãn tính và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Triệu chứng thường gặp bao gồm sốt, mệt mỏi, chán ăn, đau bụng, đau khớp, vàng da
Đường lây truyền
Viêm gan A: Viêm gan A lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa, vi rút viêm gan A lây lan qua con đường tiếp xúc trực tiếp giữa người lành với phân hoặc các đồ vật, dụng cụ có dính phân của người bị viêm gan A qua đường miệng. Các vi rút gây bệnh này sẽ theo đường tiêu hóa đi vào trú ngụ và tấn công gan của người bị lây nhiễm.
Viêm gan B: Vi rút viêm gan B lây qua đường máu. Tức là khi tiếp nhận trực tiếp máu của người bị viêm gan B khi dùng chung bơm kim tiêm, sử dụng chung dao cạo râu, hay tiếp xúc trực tiếp vết xước với máu nhiễm vi rút sẽ bị lây nhiễm bệnh viêm gan B. Viêm gan B còn có tính di truyền từ mẹ sang con. Những người bị viêm gan B khi sinh con cũng sẽ truyền loại vi rút này sang con. Viêm gan B có thể lây lan qua đường tình dục. Việc quan hệ tình dục không an toàn với người bị viêm gan B cũng sẽ bị nhiễm bệnh.
Viêm gan C: Viêm gan C có thể lây truyền thông qua máu của người nhiễm bệnh. Những người tiêm chích ma túy dùng chung bơm kim tiêm cũng có nguy cơ cao bị viêm gan C. Viêm gan C cũng có thể lây truyền qua đường tình dục hoặc lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở.
Mức độ nguy hiểm
Viêm gan A: Bệnh viêm gan A có thể tự khỏi hoặc được chữa khỏi nhanh chóng nếu được điều trị tích cực. Do đó, người bệnh không cần quá lo lắng về căn bệnh, chỉ cần yên tâm điều trị tốt thì sẽ loại bỏ được vi rút viêm gan A.
Viêm gan B: Bệnh sẽ diễn tiến từ nhẹ đến nặng theo các mức độ khác nhau từ viêm gan B cấp tính, mãn tính và viêm gan B nặng (giai đoạn cuối). Bệnh thường gây nguy hiểm cao và dễ chuyển thành xơ gan, ung thư gan nếu không được điều trị nhanh chóng và phù hợp.
Viêm gan C: Trong vòng thời gian từ 20-30 năm, viêm gan C mãn tính có thể gây xơ gan, và suy giảm chức năng gan. Viêm gan C cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư gan hoặc suy gan
Những lưu ý khác về bệnh viêm gan B
Xét nghiệm viêm gan B có cần nhịn ăn không?
Xét nghiệm viêm gan B hoàn toàn không cần phải nhịn đói. Bạn vẫn có thể ăn uống bình thường trước khi đi xét nghiệm và bạn có thể hoàn toàn yên tâm là kết quả xét nghiệm hoàn toàn chính xác nhé!
Bệnh viêm gan B có di truyền không?
Câu trả lời là không. 90% trẻ sơ sinh bị lây nhiễm siêu vi sẽ chuyển sang mãn tính. Nhưng các bác sĩ chuyên khoa đã khẳng định, viêm gan siêu vi B không có tính di truyền. Bởi siêu vi trùng gây viêm gan chủ yếu lưu hành trong máu.
Tôi có bình phục được sau khi bị nhiễm viêm gan B không?
Hầu hết người lớn khỏe mạnh mới bị nhiễm bệnh sẽ bình phục mà không có bất kỳ vấn đề gì. Tuy nhiên trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể không có khả năng loại bỏ thành công siêu vi khuẩn.
Người lớn – 90% người lớn khỏe mạnh sẽ loại bỏ được siêu vi khuẩn và bình phục mà không gặp bất kỳ vấn đề gì; 10% sẽ bị viêm gan B mạn tính.
Trẻ Nhỏ – Lên đến 50% trẻ nhỏ từ 1 đến 5 tuổi bị nhiễm bệnh sẽ bị nhiễm viêm gan B mạn tính.
Trẻ sơ sinh – 90% sẽ bị nhiễm bệnh mạn tính; chỉ 10% sẽ có khả năng loại bỏ siêu vi khuẩn.
Viêm gan B “cấp tính” và “mạn tính” khác nhau ở điểm gì?
Viêm gan B được xem là “cấp tính” trong suốt 6 tháng đầu tiên sau khi bị phơi nhiễm siêu vi khuẩn. Đây là khoảng thời gian trung bình cần để bình phục sau khi bị nhiễm viêm gan B.
Nếu bạn vẫn dương tính với siêu vi khuẩn viêm gan B (HBsAg+) sau 6 tháng, bạn được xem là bị nhiễm viêm gan B “mạn tính”, có thể kéo dài suốt đời.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh