1. Viêm gan siêu vi B là bệnh gì?
Viêm gan siêu vi B gây ra bởi loại virus cùng tên, viết tắt là HBV. Virus này thuộc họ Hepadnaviridae, có 3 loại kháng nguyên HBsAg, HBcAg và HBeAg. Tương ứng với đó là 3 kháng thể anti-HBs, anti-HBc và anti-HBe. Các kháng nguyên và kháng thể này giữ vai trò quan trọng trong việc xác định bệnh cũng như diễn biến của bệnh.
Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm phổ biến toàn cầu. Riêng ở Việt Nam, 15 – 20% dân số nhiễm HBV. Sự xuất hiện của vaccine dự phòng đã khiến số người nhiễm mới HBV giảm rõ rệt. Viêm gan B có thể diễn biến cấp tính, mạn tính, tiến triển thành những bệnh lý nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan, đe dọa đến tính mạng.
2. Viêm gan virus B có lây không?
Virus viêm gan B dễ dàng lây nhiễm từ người sang người qua 3 con đường sau:
2.1. Lây qua đường máu
HBV lây từ người bệnh sang người lành qua truyền máu, hiến máu, xăm hình, xỏ khuyên… nếu dùng chung dụng cụ không được khử trùng đúng cách. Bên cạnh đó, sử dụng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng và các vật dụng cá nhân khác với người bệnh cũng có thể dẫn đến lây nhiễm.
2.2. Lây từ mẹ sang con
Phụ nữ mang thai nhiễm virus viêm gan B có thể truyền bệnh sang con. Tỷ lệ lây nhiễm tăng dần từ lúc mang thai cho đến khi sinh. Cụ thể, tỷ lệ lây nhiễm của 3 tháng đầu là 10% và ở 3 tháng cuối tăng lên 60 – 70%. Đặc biệt nguy cơ lây nhiễm lên đến 90% nếu không có biện pháp bảo vệ kịp thời sau sinh.
Điều đáng nói là 50% số trẻ bị nhiễm HBV từ mẹ có thể chuyển thành viêm gan B mạn tính và có nguy cơ cao bị xơ gan lúc trưởng thành.
2.3. Lây qua đường tình dục
Virus viêm gan B có trong tinh dịch của nam giới và trong dịch tiết âm đạo của nữ giới. Virus có thể lây nhiễm qua các vết xước trong quá trình quan hệ tình dục. Lưu ý rằng HBV có thể lây nhiễm thông qua tất cả hành vi tình dục khác giới và đồng giới
3. Triệu chứng của người nhiễm virus viêm gan B
Các biểu hiện của viêm gan siêu vi B giai đoạn đầu thường ít ỏi và không rõ rệt. Rất nhiều người bệnh đã chủ quan, bỏ qua cơ hội phát hiện và điều trị sớm. Khi triệu chứng chứng xuất hiện rõ nét thì bệnh đã tiến triển trong thời gian dài.
Khoảng 30 – 50% người nhiễm HBV có các dấu hiệu như:
– Cơ thể mệt mỏi, suy nhược.
– Ăn không ngon miệng, chán ăn, sợ thực phẩm dầu mỡ.
– Đầy hơi, có biểu hiện rối loạn tiêu hóa.
– Vàng da, vàng mắt, màu nước tiểu sậm, đại tiện phân bạc màu.
– Đau vùng gan (vị trí hạ sườn phải, phía trên bên phải bụng).
– Sốt nhẹ, da có cảm giác ngứa ngáy.
Viêm gan B có 2 thể là viêm gan cấp và viêm gan mạn. Mỗi thể lại có các biểu hiện khác nhau:
3.1. Viêm gan siêu vi B cấp tính
Virus tồn tại trong cơ thể người bệnh trong vòng 6 tháng kể từ khi bị phơi nhiễm. Các dấu hiệu lâm sàng của viêm gan B cấp tính gồm:
– 70% người bệnh không có triệu chứng nào hoặc không bị vàng da.
– 30% người bệnh có dấu hiệu vàng da và các triệu chứng như: mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, chán ăn, sốt nhẹ, đau hạ sườn phải (do gan lớn)… Khi tình trạng vàng da ngày càng tăng, các dấu hiệu khác có thể gặp là nước tiểu sẫm màu, phân bạc màu.
– 0.1 – 0.5% người bệnh viêm gan B thể tối cấp có triệu chứng nguy hiểm như: thay đổi tri giác, phù não, rối loạn đông máu, suy đa cơ quan, nhiễm trùng, xuất huyết tiêu hóa, rối loạn nhịp tim, hội chứng gan thận… Thống kê cho thấy khoảng 60% trong số đó tử vong.
– Từ 4 – 8 tuần sau triệu chứng đầu tiên là giai đoạn phục hồi của bệnh. 2 – 4 tuần sau triệu chứng vàng da giảm dần.
Các triệu chứng cận lâm sàng của bệnh viêm gan B cấp tính là:
– Men gan (AST, ALT) tăng cao, thường gấp 5 lần so với chỉ số bình thường.
– Tăng cao Bilirubin, chủ yếu là Bilirubin trực tiếp.
– Anti-HBc IgM (+), HBsAg (+) hoặc (-).
3.2. Viêm gan siêu vi B mạn tính
Bệnh lý này xuất hiện ở người nhiễm HBV kéo dài trên 6 tháng. Triệu chứng lâm sàng của bệnh thường kín đáo, không đặc hiệu như mệt mỏi, đau khớp,…
Khi bệnh trở nên nặng hơn, tiến triển xơ gan thường có triệu chứng: vàng da, dấu sao mạch, tăng áp tĩnh mạch cửa (tuần hoàn bàng hệ, lách to, giãn tĩnh mạch thực quản…), bầm máu ngoài da,…
Triệu chứng cận lâm sàng của bệnh gồm:
– HBsAg (+) kéo dài trên 6 tháng, hoặc HBsAg (+) và Anti HBc IgG (+).
– Tăng men gan (AST, ALT) từng đợt hoặc liên tục trên 6 tháng.
– Xét nghiệm cho thấy tổn thương mô bệnh học tiến triển, phát hiện xơ gan (bằng sinh thiết gan hoặc siêu âm đo đàn hồi mô gan).
4. Viêm gan siêu vi B gây ra những biến chứng gì?
Virus viêm gan B sau thời gian ủ bệnh sẽ hoạt động và gây hại cho gan. HBV bám vào bề mặt của gan, sao chép mã di truyền học của tế bào chất, mọc chồi và sinh ra nhiều tế bào mới. Quá trình này gây ra các rối loạn trong hoạt động của gan, tăng nguy cơ các biến chứng.
Cụ thể, viêm gan B có thể dẫn đến các biến chứng sau:
4.1. Suy giảm chức năng gan
Gan bị tổn thương do các tế bào gan bị phá hủy. Từ đó dẫn đến sự suy giảm các chức năng của gan như lọc máu, thải độc, tổng hợp chất, chuyển hóa chất,…
4.2. Gan nhiễm mỡ
Viêm gan B khiến hoạt động phân giải Triglycerid ở gan bị suy giảm. Việc này làm gián đoạn quá trình chuyển hóa chất béo, tích tụ lại ở gan gây ra gan nhiễm mỡ.
4.3. Xơ gan
Nếu không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả, viêm gan B có thể tiến triển thành xơ gan trong vòng 20 năm hoặc sớm hơn.
4.4. Ung thư gan
Trong suốt thời gian viêm gan B biến chứng xơ gan, HBV làm tăng nguy cơ tăng sinh tế bào gan ác tính. Biến chứng ung thư thường xảy ra với người bệnh bị xơ gan 10 năm.
5. Dự phòng biến chứng khi mắc viêm gan B
Người nhiễm HBV có thể phòng tránh các biến chứng nguy hiểm bằng những phương pháp dưới đây:
– Lưu ý đến chế độ ăn uống: Hiện không có chế độ ăn chuyên biệt cho người bị viêm gan B. Tuy nhiên người bệnh cần xây dựng thực đơn cân bằng, lành mạnh để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Người bệnh nên tăng cường rau xanh, hoa quả tươi; hạn chế đồ ăn dầu mỡ;…
– Kiêng rượu bia và chất kích thích để ngăn ngừa nguy cơ phát triển các vấn đề nghiêm trọng về gan.
– Sinh hoạt và luyện tập khoa học: tập thể dục, thể thao mỗi ngày, nghỉ ngơi hợp lý, tránh thức khuya, tránh lao động quá sức,…
– Khi mang thai, người nhiễm HBV cần thông tin với bác sĩ để được tư vấn về chế độ chăm sóc, đảm bảo 1 thai kỳ khỏe mạnh và ngăn ngừa lây nhiễm virus cho con.
– Ngoài ra, người mắc HBV cần có ý thức phòng tránh lây nhiễm cho cộng đồng: không dùng chung bàn chải đánh răng/ dao cạo râu/ kim tiêm với người khác, quan hệ tình dục an toàn, thủy chung, chắc chắn rằng đối tác đã được tiêm vaccine viêm gan B.
Trên đây là các triệu chứng và biến chứng của viêm gan siêu vi B. Đồng thời bài viết cũng gửi đến bạn đọc thông tin về các con đường lây nhiễm và cách dự phòng biến chứng khi nhiễm HBV. Hy vọng bạn sẽ nắm được cách phòng tránh HBV hoặc phòng ngừa biến chứng khi đã nhiễm virus, bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh