Viêm loét dạ dày là bệnh khá phổ biến hiện nay. Nhiều người còn chưa biết viêm loét dạ dày nguy hiểm như thế nào, chủ quan khiến bệnh dễ tái phát gây hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng sức khỏe.
Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày?
Vi khuẩn HP: Tỷ lệ gây bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng do nhiễm vi khuẩn HP chiếm khoảng 70 – 90%. Vi khuẩn HP rất dễ lây nhiễm từ người sang người qua đường nước bọt…
Thuốc tây: Uống thuốc không đúng cách, không đủ nước, lạm dụng thuốc,.. có thể là nguyên nhân gây tổn thương dạ dày. Ngoài ra, một số loại thuốc có tác dụng phụ gây hại cho dạ dày cần tránh xa.
Căng thẳng kéo dài: Căng thẳng kéo dài ảnh hưởng đến thần kinh gây mất cân bằng cho chức năng dạ dày, đường ruột, làm tăng axit hydrochloric và pepsin khiến cho môn vị co thắt, niêm mạc dạ dày bị tổn thương dẫn đến bệnh viêm loét dạ dày. Trường hợp căng thẳng gặp phải do áp lực công việc, lo lắng nhiều, buồn phiền, sợ hãi.
Uống nhiều bia rượu: Rượu bia rất có hại cho sức khỏe, nó có thể gây ra xơ gạn, viêm tuyến tụy, tác động trực tiếp đến niêm mạc dạ dày, làm cho dạ dày tổn thương nặng thêm.
Chế độ ăn uống: No đói không đều làm cho axit hydrochloric và các chất xúc tác dạ dày tiết ra trung hòa thức ăn không ổn định. Khi ăn uống thất thường làm cho dạ dày không được nghỉ ngơi làm bệnh dễ phát và dễ tái phát. Ăn uống quá no ảnh hưởng đến dạ dày bởi nó kích thích niêm mạc dạ dày bài tiết quá nhiều axit hydrochloric gây viêm loét dạ dày tá tràng. Thói quen ăn nhanh hoặc vừa ăn vừa xem ti vi dẫn đến nhai không kỹ, ăn nhanh nuốt vội làm tăng thêm gánh nặng cho dạ dày, làm cho thời gian lưu trữ thức ăn trong dạ dày lâu hơn dẫn tới tổn thương niêm mạc dạ dày.
Viêm loét dạ dày nguy hiểm như thế nào?
Theo thống kê của thư viên y tế quốc gia Mỹ thì tỷ lệ tái phát viêm loét dạ dày – tá tràng trong vòng 2 năm (sau khi diệt vi khuẩn Hp) là 3,02% nhưng sẽ tăng lên đến 83,9% đối với các bệnh nhân thường xuyên sử dụng rượu bia, các chất kích thích, thuốc chống viêm. Nguyên nhân của việc tái đi tái lại căn bệnh này đôi khi lại chính là do sự chủ quan của người bệnh. Ăn uống không điều độ, lười vận động hay việc sử dụng thường xuyên các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia góp phần không nhỏ làm các vết loét trở lại. Viêm loét dạ dày kéo dài không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như:
– Hẹp môn vị: Biểu hiện đau bụng và nôn ói rất dữ dội, đặc biệt bệnh nhân ói ra thức ăn của ngày hôm trước, có mùi hôi thối. Dần dần bệnh tiến triển nặng lên, đau thượng vị nhiều hơn, có khi đau lâm râm nhưng có khi đau dữ dội do ứ đọng thức ăn và dịch vị dạ dày.
– Xuất huyết dạ dày: Là tình trạng dạ dày bị chảy máu, nguyên nhân của tình trạng này là do các vết viêm loét làm tổn thương , khi bị chảy máu phân thường đen như nhựa đường hoặc như bột cà phê, có mùi hôi thối như mùi phân hủy của xác động vật.
– Thủng dạ dày: Nhiều bệnh nhân bị viêm loét dạ dày mà không xuất hiện các triệu chứng như đau bụng hoặc triệu chứng đau rất mơ hồ. Những trường hợp đột nhiên bị thủng dạ dày mà không được cấp cứu kịp thời thì dễ dẫn tới viêm phúc mạc và rất dễ tử vong.
– Ung thư dạ dày: Rất nhiều người bị viêm loét dạ dày sẽ phải đối mặt với nguy cơ cao biến chứng thành ung thư, đặc biệt là những trường hợp viêm, loét bờ cong nhỏ, môn vị và viêm loét hang vị.
Để tránh những biến chứng nghiêm trọng do viêm loét dạ dày, bạn nên chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ tầm soát phát hiện sớm bệnh dạ dày và điều trị kịp thời hiệu quả.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh