Người cao tuổi rất dễ gặp phải chứng bệnh viêm phế quản cấp tính. Bệnh viêm phế quản cấp ở người cao tuổi nếu không được chữa trị đúng, kịp thời, có thể trở thành mạn tính, thậm chí gây biến chứng nguy hiểm.
Viêm phế quản cấp là tình trạng phế quản bị viêm đột ngột, kèm theo sự phản ứng tại chỗ và toàn cơ thể. Viêm phế quản được tạo thành từ các ống nhỏ hơn bao gồm phế quản, tiểu phế quản và phế quản tận cùng (phế nang), có chức năng dẫn khí và trao đổi khí. Khi các ống này bị viêm nhiễm, niêm mạc phế quản sẽ bị phù nề, sung huyết, bong các biểu mô phế quản và xuất tiết nhiều tạo thành đờm. Do đó lòng phế quản bị phù nề làm chít hẹp, kèm theo nhiều chất tiết (đờm) ảnh hưởng đến thông khí, gây khó thở.
1. Viêm phế quản cấp ở người cao tuổi
Do sự lão hóa của tuổi tác nên sức đề kháng của người cao tuổi suy giảm dần, đặc biệt là người sức yếu, nằm nhiều, bại liệt.
Thời tiết chuyển mùa, nhất là lạnh, mưa nhiều, bệnh càng dễ gặp phải ở người có tuổi. Nguyên nhân sâu xa gây viêm phế quản cấp tính là do vi sinh vật (vi khuẩn, virút, vi nấm).
Một số người cao tuổi nghiện thuốc lá, thuốc lào, nghiện rượu bia càng dễ mắc bệnh viêm phế quản cấp khi thời tiết chuyển mùa. Ngoài ra, nếu người cao tuổi mắc các bệnh như rối loạn chuyển hóa (đái tháo đường), bệnh mạn tính…sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản cấp.
Thông thường, khi bị viêm phế quản cấp, người cao tuổi sẽ có các dấu hiệu: hắt hơi, sổ mũi, ho khan, rát họng, đau mỏi cơ thể, tức ngực. Nếu bệnh lành tính (nhẹ) thường tự khỏi sau 5 – 7 ngày.
Với người cao tuổi do sức đề kháng kém cho nên rất khó để bệnh tự khỏi, nhất là người ốm yếu dài ngày, ăn uống thiếu chất.
Tiếp đến là thời kỳ toàn phát, người bệnh sốt cao 38 – 39 độ C, cũng có trường hợp có thể lên tới 40 độ C, mệt mỏi, đau đầu, nhức mỏi xương khớp, cảm giác nóng rát sau xương ức, tăng lên khi ho. Tuy vậy, một số người cao tuổi do sức yếu, nằm lâu, ít vận động nên có thể không thấy sốt (phản ứng của cơ thể yếu). Người bệnh bắt đầu có khó thở từ nhẹ đến nặng, có thể có tiếng rít, ho khan, ho thành cơn nhất là về đêm, thời tiết lạnh, ẩm, mưa nhiều.
Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh trở nên nặng hơn (ho nhiều, có đờm, sốt cao, mệt lả do mất nước, mất chất điện giải và nhiễm độc độc tố vi khuẩn). Đồng thời viêm phế quản cấp ở người cao tuổi sẽ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm.
2. Nguyên tắc điều trị và phòng bệnh
Khi người cao tuổi đột nhiên thấy sốt, ho, mệt mỏi, đau rát họng…cần đi khám bệnh ngay để các bác sĩ kịp thời thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh.
Ngoài ra, có thể cho người cao tuổi dùng thuốc điều trị viêm phế quản cấp theo đúng đơn thuốc của bác sĩ. Người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân không nên tự mua thuốc để chữa bệnh nhất là việc dùng kháng sinh không đúng sẽ rất nguy hiểm.
Người cao tuổi cần theo dõi tình trạng bệnh tại nhà và tới bệnh viện ngay khi có những dấu hiệu bất thường nhằm xử trí kịp thời.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh